Cũng bởi tại… lòng tham

Oanh không sai khi muốn nắm lấy cơ hội trong cơn 'sốt đất' để làm giàu, nhưng bị cáo đã để lòng tham làm cho mù quáng, khiến bản thân rơi vào cảnh 'Người không biết đủ, như con rắn muốn nuốt cả con voi'…

TAND tỉnh Hà Tĩnh vừa mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Thị Oanh (43 tuổi, trú xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Trước bục khai báo, Oanh liên tục bày tỏ sự hối hận khi để lòng tham lấn át lý trí, khiến nhiều người phải chịu khổ, mắc nợ chồng chất vì cho mình vay tiền. Những bị hại phía dưới hội trường - những người đã từng là bạn bè, hàng xóm, người thân… với bị cáo nay đến tòa với sự bồn chồn, lo lắng vì không biết đến khi nào tiền của mình mới được trả hết.

Bị cáo Oanh tại phiên xử

Bị cáo Oanh tại phiên xử

Oanh là lao động tự do, thỉnh thoảng cùng bạn bè chung vốn mua đất rồi bán lại để kiếm lời nhưng lợi nhuận không cao. Năm 2021, khi giá đất được đẩy lên, tạo thành cơn “sốt” khắp các vùng quê, Oanh với hi vọng sẽ làm giàu từ cơn “sốt đất” nên mạnh dạn dồn tiền vào bất động sản.

Những đồng tiền từ việc “môi giới” đất dễ dàng kiếm được khi thị trường đang lên khiến Oanh càng quyết tâm, mạnh bạo hơn với lĩnh vực này. Từ việc “cò” đất, giới thiệu khách hàng để kiếm thêm ít nhiều, Oanh chuyển sang “ôm” đất. Để có thêm vốn, Oanh bắt đầu vay mượn khắp nơi, chấp nhận trả lãi cao để có dòng tiền xoay chuyển ổn định. Cứ thế, Oanh cũng bắt đầu biến mình thành “con nợ”.

“Người đẻ chứ đất không đẻ”, mặc định với suy nghĩ đó để trấn an mình khi nghĩ đến những khoản nợ đã và đang tiếp tục nhiều lên từ việc “ôm đất” khiến Oanh ngày càng lún sâu vào nợ nần.

“Có những lô đất thời điểm đó bán thì đã có lời, nhưng so với tiền lãi vay để đầu tư thì cũng chưa được bao nhiêu, hơn nữa bị cáo nghĩ thị trường sẽ còn tăng nên không bán. Không ngờ, sau đó thị trường bất động sản nhanh chóng giảm mạnh nên bị cáo rơi vào cảnh “bể nợ” ”, Oanh khai tại phiên xử.

Theo cáo trạng, năm 2021, Oanh vay tiền của nhiều người để đầu tư mua bán đất ở huyện Lộc Hà, song thua lỗ, nợ hơn 6 tỷ đồng tiền gốc, mỗi tháng phải trả 300 triệu đồng tiền lãi. Đến tháng 5/2022, Oanh mất khả năng thanh toán.

Hội đồng xét xử vụ án

Hội đồng xét xử vụ án

Bị nhiều chủ nợ hối thúc, Oanh nảy sinh kế hoạch lừa đảo tiền người khác. Oanh đi gặp người thân, hàng xóm, bạn bè để vay tiền hoặc rủ chung vốn mua đất, hứa trả lãi đúng hạn, ngoài ra còn chia đôi tiền lời sau khi bán đất.

Để tạo sự tin tưởng, Oanh nhận vơ một số miếng đất mặt đường xã Thạch Châu và thị trấn Lộc Hà là của mình rồi dẫn họ đi xem, nói đã có “cò” trả giá cao hơn vài trăm triệu đồng, nếu hùn vốn đầu tư thì chắc chắn vài ngày là có lời.

Phần vì niềm tin, phần vì số tiền lãi có được khi cho mượn cũng như “lợi nhuận” sẽ có như Oanh nói nên nhiều người đã rơi vào “bẫy” của bị cáo, và cũng có thể nói chính họ đã tự rơi vào chiếc bẫy lòng tham của chính mình. Cái vòng luẩn quẩn vì muốn có lợi nhuận nhanh chóng đã tạo ra sự khổ sở cho tất cả.

Từ tháng 5-7/2022, với “chiêu thức” của mình, Oanh đã vay được gần 4,7 tỷ đồng của ba người phụ nữ ở xã Thạch Kim và Thạch Châu, huyện Lộc Hà. Người nhiều nhất cho Oanh vay hơn 2,6 tỷ đồng. Nhận tiền, Oanh đem phần lớn trả nợ, còn lại tiêu xài.

Với cảnh “nóng tay bắt lỗ tai”, làm liều bất chấp pháp luật, Oanh từ người kinh doanh trở thành con nợ, từ con nợ lại đẩy mình vào lao lý. Khổ mình, khổ cả những gia đình người liên quan.

Những đồng tiền phi pháp mà có được đến với Oanh rất nhanh nhưng cũng ra đi rất vội vàng, không có thời gian ở lại… Thoáng chốc đến hẹn, không có tiền trả gốc và lãi, bị hối thúc, Oanh đành nhắn tin cho các chủ nợ cùng nội dung: "Em bị bể nợ rồi, xin lỗi gia đình anh chị".

Tháng 10/2022, Oanh bị công an bắt giữ từ tố cáo của các bị hại.

Các bị hại tại phiên xử

Các bị hại tại phiên xử

"Có thời điểm, bị cáo đã có được nhiều hơn những gì bản thân cần. Nhưng vì lòng tham trỗi dậy, có một lại muốn có 2, có 3 và nhiều hơn nữa nên mới mù quáng, bất chấp và liều lĩnh để làm giàu… bị cáo rất hối hận”, Oanh khai tại tòa.

Khi được nói lời sau cùng, Oanh lấy tay gạt nước mắt, xin lỗi gia đình cùng các bị hại, mong được giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về làm ăn trả nợ, khắc phục hậu quả. Dứt lời, Oanh mệt mỏi, gục xuống bàn xét xử.

Quá trình điều tra, Oanh đã tác động gia đình bán hết tài sản để khắc phục một phần hậu quả cho các bị hại.

Vì lý do sức khỏe của bị cáo nên phải gần một tháng sau, HĐXX mới mở lại phiên xử. Sau khi đánh giá toàn diện vụ án, cân nhắc các tình tiết, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Oanh 14 năm tù về tội danh trên.

Cuộc sống con người vốn dĩ là hữu hạn, của cải tài sản cũng không thể mang theo bên mình mãi được. Đừng vì lòng tham, lợi ích bản thân mà bất chấp pháp luật, chà đạp đạo lý. Không ít gia đình đã lâm cảnh tan cửa nát nhà, thậm chí người chết, kẻ thì tù tội… cũng bởi tại lòng tham. Qua đây cũng là bài học nhãn tiền cho không chỉ riêng ai. Cuộc sống hãy biết đủ, đón nhận hạnh phúc của mình một cách tương đối, bởi ranh giới giữa lòng tham, bất chấp đẩy chính bản thân vào và tù tội không phải lúc nào cũng rõ ràng để có thể nhận ra và dừng lại đúng lúc.

Bá Mạnh

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/cung-boi-tai-long-tham-376172.html