Cung cầu hàng hóa: 'Bình ổn niềm tin' chính là 'bình ổn thị trường'
Nguồn cung hàng hóa không thiếu nhưng điều quan trọng lúc này là truyền thông để 'bình ổn niềm tin'. Đây là giải pháp hữu hiệu để 'bình ổn thị trường' đảm bảo cung cầu hàng hóa.
Như VOV.VN đã thông tin, sẽ có 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 0h00 ngày 19/7/2021 để phòng chống dịch Covid-19. Việc có đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu chính là điều kiện vô cùng quan trọng.
Cùng với rất nhiều văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, ngay trong sáng 18/7, hai Bộ trưởng của Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các Sở, ngành của 19 tỉnh, thành phố này để bàn các giải pháp, phương án về nguồn hàng, phương thức cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa bàn dân cư và hỗ trợ tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch.
Theo các chuyên gia, nguồn cung hàng hóa không thiếu, điều quan trọng lúc này là truyền thông để “bình ổn niềm tin”, và đây chính là giải pháp hữu hiệu để “bình ổn thị trường”, đảm bảo cung cầu hàng hóa.
Theo ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - đồng thời là Phó trưởng ban thường trực - Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã thừa nhận, trong thời gian vừa qua có việc giá cả tăng và khan hiếm hàng cục bộ ở một số nơi, một số thời điểm… và đây là điều không hề mong muốn của các doanh nghiệp (DN), các thương nhân phân phối. Bởi sức ép của các loại chi phí trong quá trình vận chuyển cũng như sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng, tăng mua tích trữ của nhiều người dân…
Từ thực tế nhu cầu tiêu dùng của người dân TP.HCM là rất lớn, nên trong ngày 18/7, 2 chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức đã thí điểm cho phép một số hộ mở lại mua bán mặt hàng thiết yếu như rau, củ, quả, thịt, trứng... Việc vận chuyển thực phẩm tươi sống vào thành phố đã được thuận lợi hơn…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, việc mở lại chợ truyền thống ở TP.HCM với điều kiện bảo đảm quy định phòng, chống dịch là điều kiện tiên quyết, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa.
“Nếu chúng ta không làm tốt, không mở lại các chợ truyền thống cũng như 3 chợ đầu mối ở TP.HCM thì chắc chắn sẽ thiếu hàng mà không thể khắc phục được. Đề xuất của Bộ Công Thương với TP.HCM là tiếp tục mở lại các chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối nhưng với điều kiện đảm bảo đáp ứng được điều kiện y tế là hết sức quan trọng. Đây là điều kiện tiên quyết và quyết định cho việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho không những TP.HCM mà còn các tỉnh thành khác. Qua kinh nghiệm của TP.HCM vừa qua, các tỉnh, nhất là 19 tỉnh mới áp dụng từ 0h00 ngày 19/7 cũng đề nghị không đóng cửa tất cả các chợ truyền thống và các chợ đầu mối, phải tăng cường việc đảm bảo các điều kiện chống dịch. Bộ Công Thương rất mong tất cả hệ thống siêu thị tất cả các tỉnh, thành phố, trung tâm thương mại phải tăng giờ bán. Cùng với đó là tăng các điểm bán hàng lưu động vì đây là phương án rất hiệu quả…”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Thế nhưng, vấn đề quan trọng là để có đủ hàng hóa cung ứng vào các chợ, các trung tâm phân phối như siêu thị, cửa hàng bán lẻ… thì lại nằm ở khâu vận chuyển.
Mặc dù Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định sẽ hình thành hệ thống “luồng xanh” quốc gia dựa trên cơ sở các quốc lộ. Tuy nhiên, trước các yêu cầu “lái xe đi giữa các vùng phải có kết quả xét nghiệm âm tính covid theo xét nghiệm nhanh hoặc PCR và có giá trị trong vòng 3 ngày thì họ có thể hoạt động liên tục không bị không bị cách ly…
Theo nhiều chuyên gia, cũng cần tính toán lại sao cho phù hợp hơn. Bởi thời gian qua, việc chen chúc chờ đợi để có được giấy xét nghiệm cũng rất có thể đã tạo thêm các nguy cơ lây nhiễm, cũng như làm hạn chế việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho vùng dịch.
Từ thực tế ở TP.HCM và khu vực phía Nam những ngày qua, ông Nguyễn Duy Minh - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng, các lái xe vẫn phải có xét nghiệm theo văn bản 868 của Bộ Y tế. Các DN vận tải phải đăng ký với Sở GTVT địa phương về lộ trình di chuyển và được cấp một mã QR Code. Tuy nhiên, hoạt động vận tải là một hoạt động liên vùng nên nó sẽ rất là khó đồng bộ giữa các chốt của tỉnh khác nhau và mỗi đơn vị vận tải sẽ hiểu khác nhau.
“Để tạo thuận lợi thương mại, tạo thuận lợi vận tải nên phải miễn, giảm giấy phép. Công văn 868 của Bộ Y tế đã là giấy thông hành rồi, giờ lại phải xin Sở GTVT 1 tờ giấy QR Code nữa là giấy thông hành phụ không biết nó sẽ có giá trị bao lâu cũng không biết nó có đồng bộ giữa các tỉnh hay không… Vì vậy, Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam vẫn kiên trì đề nghị lãnh đạo các cấp, Bộ, ngành tháo gỡ điểm này cho lái xe, để đồng bộ hóa các quy định để có một “luồng xanh” thực sự...”, ông Minh đề xuất.
Rõ ràng, những vướng mắc trong lưu thông hàng hóa thời gia qua rất cần được nghiên cứu để đơn giản hóa nhưng phải đảm bảo điều kiện an toàn phòng dịch. Những kinh nghiệm từ thực tế chống dịch tại Bắc Giang và sự vào cuộc của các DN và các tổ chức xã hội qua chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty CP BaGiCo rất đáng được quan tâm.
“Cần thiết phải huy động nguồn lực của mọi người dân để sử dụng vào công việc chống dịch. Bắc Giang lập toàn bộ phương án kết nối cung cầu và phân cấp trách nhiệm từ tỉnh đến xã, thôn thiết lập phương án cung cầu thiết yếu. Đội tình nguyện cũng rất quan trọng huy động từ đội ngũ giáo viên, đoàn viên. Đơn vị để kết nối nông sản tốt nhất không phải là Bộ NN&PTNT, cũng không phải là Bộ Công Thương mà chính là Hội nông dân, vai trò của Hội nông dân kết nối cung cầu là tốt nhất, còn ở những nơi thành thị thì là từng tổ dân phố, tổ Covid cộng đồng…”, bà Thực nêu kinh nghiệm.
Bộ Công Thương khẳng định, Tổ công tác Tiền phương về đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam được Bộ lập ra ngày 17/7 với 27 thành viên - sẽ có trách nhiệm cập nhật thông tin và điều phối, đưa ra các hình thức cung ứng hàng hóa phù hợp.
Tuy nhiên, trước những thông tin xấu và tâm lý lo ngại của một bộ phận không nhỏ người dân nên tăng tích trữ hàng hóa…, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng, cùng với việc mở lại/khôi phục lại các chợ đầu mối, chợ dân sinh thì cung cần tính tới việc lập các “chợ đầu mối dã chiến” càng sớm càng tốt ở các khu vực đông dân cư.
Cùng với đó là tạo “luồng hàng xanh” từ các đầu mối phân phối đến các chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ, coi trọng thương mại điện tử, mở rộng kênh bán hàng trực tiếp đến người dân… Nhưng quan trọng hơn lúc này, đó chính là việc chia sẻ những kinh nghiệm từ các nước cũng như cung cấp thông tin đúng đắn, kịp thời tới nhân dân. Và “bình ổn niềm tin” cũng đồng nghĩa với “bình ổn thị trường”.
“Bài toán quan trọng nhất hiện nay chính là bài toán về bình ổn niềm tin từ người dân và niềm tin của người tiêu dùng. Bởi việc tích trữ lương thực khi có việc khẩn cấp là một thói quen từ xưa tới nay, và bây giờ thói quen đó không phải chỉ ở TP.HCM nữa mà hoàn toàn có thể lan tỏa ra các tỉnh khác. Cho nên việc tuyên truyền từ các cấp lãnh đạo cấp cao qua truyền thông đại chúng về việc không nên tích trữ hàng sẽ gây áp lực rất lớn cho hệ thống phân phối”, ông Nguyễn Duy Minh nhận định./.