Cùng chủ động phòng, chống
Từ đầu năm 2021 đến nay, trong khi cả nước phải tập trung phòng, chống dịch Covid-19 thì một số bệnh lưu hành hằng năm vẫn âm thầm phát triển và có dấu hiệu gia tăng, nhất là bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết. Trong đó, tại Hà Nội đã ghi nhận 82 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, 56 trường hợp sốt xuất huyết.
Đáng lo ngại là theo chu kỳ, 4 năm 1 lần dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát mạnh ở miền Bắc. Năm 2021 đúng vào chu kỳ đó, tiềm ẩn nguy cơ lớn sốt xuất huyết sẽ bùng phát thành dịch.
Cùng với nguy cơ trên, hiện nay thời tiết đã bắt đầu chuyển sang mùa hè, nhiệt độ môi trường thay đổi liên tục, độ ẩm không khí lớn tạo điều kiện để các dịch bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, thủy đậu, tiêu chảy do vi rút Rota… phát triển, lây lan. Trong khi đó, nhiều loại bệnh lại chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu như tay chân miệng, sốt xuất huyết. Mặt khác, công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn chủ yếu dựa vào sự tham gia của cộng đồng, ý thức tự phòng bệnh của người dân. Đặc biệt, một số nơi còn chưa vào cuộc quyết liệt, có lúc còn phó mặc cho ngành Y tế; một bộ phận người dân chưa hợp tác, thiếu ý thức phòng bệnh...
Nhằm ngăn ngừa hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh mùa hè, không để “dịch chồng dịch” đòi hỏi sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và người dân. Trong đó, ngành Y tế cần thực hiện tốt Công văn số 2289/BYT-DP ngày 1-4-2021 của Bộ Y tế về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè; đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch. Bên cạnh đó là tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.
Về phía chính quyền địa phương cần tập trung chỉ đạo các lực lượng có liên quan, nhất là cán bộ thôn, tổ dân phố, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh; bảo đảm đủ kinh phí, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị, hóa chất đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch tại địa phương mình. Đồng thời, thường xuyên phát động các chiến dịch vệ sinh môi trường, chủ động phòng, chống dịch bệnh như diệt muỗi, bọ gậy,... tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức để người dân nâng cao ý thức vệ sinh phòng, chống dịch bệnh.
Việc ngăn ngừa, hạn chế dịch bệnh, bên cạnh nỗ lực của ngành Y tế, chính quyền địa phương là chưa đủ mà cần có sự tham gia tích cực của người dân. Đối với những bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin phòng bệnh, người dân nói chung nhất là bà mẹ có con trong độ tuổi tiêm ngừa nói riêng nên đến các điểm tiêm để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Cùng với đó, người dân cần nêu cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa, vật dụng bằng chất diệt khuẩn; thực hiện ăn chín, uống sôi. Với bệnh tay chân miệng, cần thường xuyên rửa tay và nhắc trẻ rửa tay với xà phòng diệt khuẩn sau khi chơi đùa, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh…
Với sự chủ động chung tay góp sức của cả cộng đồng, có thể tin tưởng, công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè sẽ đạt được hiệu quả cao và Hà Nội cũng như cả nước sẽ không xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch”.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/996242/cung-chu-dong-phong-chong