Củng cố 'hạt nhân', xây dựng 'nền tảng' vững chắc cho Đảng (Bài 1): Chú trọng các nhân tố 'chìa khóa'
Sự trưởng thành và lớn mạnh của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó có nhân tố quan trọng là vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về việc củng cố tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và xây dựng đội ngũ đảng viên phù hợp với thực tiễn ở địa phương trong từng giai đoạn cách mạng. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để tạo dựng, vun đắp 'nền tảng' vững chắc cho Đảng.
Lãnh đạo TP Thanh Hóa tặng hoa và quà cho các em học sinh là đảng viên mới. Ảnh: P.V
Chuyển biến rõ nét ở mỗi TCCSĐ
Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa có 31 đảng bộ trực thuộc, gồm 2 đảng bộ thành phố, 2 đảng bộ thị xã, 23 đảng bộ huyện, 4 đảng ủy trực thuộc với 1.403 TCCSĐ, 10.290 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở. Được xem là “nền tảng” của Đảng, là “hạt nhân” chính trị ở cơ sở, Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng đã “dồn sức” để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ, xây dựng mỗi TCCSĐ thực sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị. Vì lẽ đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lựa chọn “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ, tạo chuyển biến rõ nét trong sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ” là 1 trong 6 chương trình trọng tâm để thực hiện. Qua nửa nhiệm kỳ, cấp ủy các cấp trong toàn Đảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa những nội dung liên quan trực tiếp đến ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị mình bằng những việc làm cụ thể, mang lại hiệu quả rõ rệt.
Những mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, trồng thanh long ruột đỏ, trồng ớt xuất khẩu theo chuỗi liên kết, nuôi gà thả vườn, nuôi lươn, ốc, cá... đã tạo nên những “gam màu” tươi mới trong bức tranh kinh tế nông thôn ở xã Đông Phú (Đông Sơn). Bao quanh những ngôi nhà khang trang là con đường bê tông rộng rãi, rực sắc hoa khiến ai đến Đông Phú cũng không khỏi ngỡ ngàng. Ông Mai Hương Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Đông Phú, chia sẻ: “Những năm gần đây, nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội đi vào cuộc sống đã đánh thức được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, mang lại hiệu quả rất nổi bật. Đông Phú đang phấn đấu về đích NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2023. Có được thành quả này, cốt lõi là nhờ việc chú trọng củng cố TCCSĐ và nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ”.
Đảng bộ huyện Đông Sơn có 33 TCCSĐ, với hơn 5.700 đảng viên. Xác định TCCSĐ có mạnh mới đủ sức lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng để tổ chức thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nhân rộng các mô hình, phong trào, việc làm điển hình tiên tiến. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và giải quyết dứt điểm những vấn đề phức tạp nảy sinh. Đồng chí Lê Thị Dung, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đông Sơn, cho biết: “Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ phụ trách cụm, cấp ủy viên phụ trách xã, trưởng hoặc phó các ban xây dựng Đảng, trưởng các phòng, các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện về dự sinh hoạt chi bộ ít nhất 1 lần/quý để trực tiếp theo dõi, hướng dẫn, giúp bí thư chi bộ nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo. Đặc biệt, năm 2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Sơn đã chỉ đạo xây dựng và nhân rộng mô hình sinh hoạt chi bộ khối nông thôn; năm 2022 chỉ đạo xây dựng và nhân rộng mô hình sinh hoạt chi bộ khối trường học; năm 2023 đang xây dựng mô hình sinh hoạt chi bộ điểm ở khối lực lượng vũ trang. Các mô hình này đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong sinh hoạt chi bộ ở cơ sở”.
Đảng bộ huyện Như Thanh có 36 TCCSĐ (trong đó có 14 đảng bộ xã, thị trấn; 22 đảng bộ, chi bộ khối cơ quan) với hơn 4.457 đảng viên; 294 chi bộ dưới đảng bộ cơ sở (trong đó có 234 chi bộ dưới đảng bộ xã, thị trấn và 60 chi bộ dưới đảng bộ cơ quan, đơn vị). Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ nâng cao năng lực điều hành bằng nghị quyết, kế hoạch. Việc ban hành nghị quyết phải sát, đúng với nhiệm vụ của địa phương, đơn vị trong từng thời kỳ, có trọng tâm, trọng điểm; kế hoạch, chương trình hành động phải bảo đảm tính khả thi cao. Mỗi cấp ủy, chi bộ đều nâng cao năng lực tư duy và khả năng dự báo tình hình, từ đó xác định đúng nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Cấp ủy của các TCCSĐ thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng theo quy định, chất lượng có nhiều chuyển biến tích cực. Trước mỗi kỳ họp, nội dung sinh hoạt được chuẩn bị chu đáo; các văn bản thảo luận được gửi trước cho từng cấp ủy viên và đảng viên nghiên cứu để phát biểu ý kiến; kết luận được thống nhất theo ý chí tập thể, làm cơ sở phân công nhiệm vụ cho từng tập thể, cá nhân thực hiện. Công tác thi đua, khen thưởng, đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên ngày càng thực chất. Hàng năm, 100% TCCSĐ trên địa bàn huyện Như Thanh hoàn thành nhiệm vụ trở lên, không có tổ chức đảng không hoàn thành nhiệm vụ.
Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các TCCSĐ, cấp ủy các cấp đã xác định rõ nội dung trọng tâm, trọng điểm, những công việc phải làm trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài; đồng thời đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, có lộ trình, bước đi phù hợp, gắn với phân công trách nhiệm cho từng tập thể, cá nhân thực hiện. Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện, số lượng, mô hình TCCSĐ tiếp tục được sắp xếp, hoàn thiện, điều chỉnh về quy mô, hình thức tổ chức và phương thức hoạt động phù hợp với thực tế. Tỷ lệ TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt cao, năm 2020 đạt 96%, năm 2021 đạt 95,5% và năm 2022 đạt 97% (vượt mục tiêu đạt 80% trở lên theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra).
Đột phá trong phát triển đảng viên
Đội ngũ đảng viên có vai trò trực tiếp và là nhân tố cơ bản quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ. Với lực lượng đông đảo, Thanh Hóa ưu tiên phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước và trong đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên.
Mỗi năm toàn tỉnh kết nạp từ 3.000 đảng viên mới trở lên là mục tiêu được Đảng bộ tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ mới 2020-2025. Để hiện thực hóa thành công mục tiêu này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 28-5-2021 về “Tăng cường công tác phát triển đảng viên của Đảng bộ tỉnh trong thời gian tới” với phương châm “ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên”. Đồng thời, chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc tiếp tục thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 10-NQ/TU về phát triển Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là đẩy mạnh xây dựng tổ chức đảng, các đoàn thể và kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân, công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập đủ tiêu chuẩn vào Đảng.
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nông Cống lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 quyết nghị chỉ tiêu kết nạp 1.000 đảng viên. Để hoàn thành chỉ tiêu này, Ban Thường vụ Huyện ủy Nông Cống đã tập trung chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ trực thuộc rà soát, nắm bắt đối tượng quần chúng ưu tú ở cơ sở để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tạo nguồn. Khi dư địa phát triển Đảng trong thanh niên ngày càng bị thu hẹp, các TCCSĐ chuyển hướng tạo nguồn, quan tâm nhiều hơn đến đối tượng tân binh và thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, học sinh các trường THPT, sinh viên ra trường, đoàn viên, hội viên năng động, nhiệt huyết và người lao động trong các doanh nghiệp. Huyện cũng mở nhiều hơn các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng so với trước đây để tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người được theo học. Với cách làm bài bản và linh hoạt, năm 2021, huyện Nông Cống đã kết nạp được 206 đảng viên mới, đạt 111,6% so với chỉ tiêu tỉnh giao và đạt 103% so với nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra. Năm 2022 và 7 tháng năm 2023, đã kết nạp được 412 đảng viên mới (vượt chỉ tiêu đề ra).
Khó khăn trong phát triển đảng viên ở Cẩm Thủy không phải là không có. Nhưng bằng sự quyết tâm, dồn lực và huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, Cẩm Thủy đã gặt hái được những kết quả rất đáng phấn khởi. Nhiều xã đã vượt chỉ tiêu đề ra trong năm, điều mà những năm trước đây không thường xuyên làm được. Nhờ chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện một cách chặt chẽ, hiệu quả, năm 2021 Đảng bộ huyện Cẩm Thủy kết nạp được 166 đảng viên, đạt 207%; năm 2022 kết nạp 120 đảng viên, đạt 150%, vượt chỉ tiêu tỉnh giao. 7 tháng năm 2023, toàn huyện đã kết nạp được 160/220 đảng viên (đạt 72,7%).
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo bài bản, đồng bộ, quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò hạt nhân của chi bộ, chi đoàn, chi hội ở khu dân cư, công tác phát triển đảng viên trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả nổi bật. Giai đoạn 2020-2022, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã kết nạp được 12.928 đảng viên mới. Năm 2020 kết nạp 3.516 đảng viên (vượt 5,16% kế hoạch); năm 2021 kết nạp 4.710 đảng viên (vượt 25,6% kế hoạch); năm 2022 kết nạp 4.702 đảng viên (vượt 18,9% kế hoạch). Trong đó, đảng viên là học sinh, sinh viên là 1.764 đảng viên; đảng viên trong các doanh nghiệp là 1.264 đảng viên. Số đảng viên là học sinh kết nạp năm 2022 tăng gần 18 lần so với năm 2020; đảng viên là sinh viên tăng 3,6 lần so với năm 2020.
Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16-8-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường củng cố, xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới giai đoạn 2023-2025 cho từng đảng bộ. Theo đó, bình quân mỗi năm toàn tỉnh kết nạp từ 8.000 đảng viên mới trở lên. Đồng chí Mai Viết Luyến, Trưởng Phòng Huyện, cơ sở Đảng - đảng viên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết: “Để thực hiện được mục tiêu rất cao này, định kỳ hàng tháng, quý, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đều tổng hợp số lượng đảng viên mới kết nạp của 31 đảng bộ trực thuộc, so sánh với chỉ tiêu Tỉnh ủy giao, phân tích thuận lợi, khó khăn để đôn đốc, nhắc nhở các đảng bộ thực hiện, nhất là đối với những đảng bộ chưa đạt kế hoạch. Ở các địa phương, đơn vị, việc khảo sát, tạo nguồn, cử quần chúng ưu tú tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng được thực hiện thường xuyên, liên tục, có linh động về thời gian, địa điểm tổ chức lớp học. Với học sinh, việc mở lớp được tổ chức vào thứ bảy, chủ nhật và học ngay tại trường học để không ảnh hưởng đến thời gian học tập của các em; với công nhân, người lao động, chủ doanh nghiệp, việc mở lớp tổ chức tại doanh nghiệp, vào ngoài giờ làm việc để không ảnh hưởng tới sản xuất. Với nhiều giải pháp đồng bộ, 7 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã kết nạp được 4.686 đảng viên”.
Củng cố TCCSĐ và xây dựng đội ngũ đảng viên bảo đảm tiêu chuẩn được Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ưu tiên thực hiện nhằm xây dựng “nền tảng” vững chắc cho Đảng. Đây chính là “chìa khóa” để Thanh Hóa thực hiện thành công nhiều mục tiêu lớn, quan trọng đã đề ra.