Củng cố hệ thống phục hồi chức năng

Phục hồi chức năng (PHCN) là một trong các trụ cột của hệ thống y tế, tiếp cận dịch vụ PHCN có chất lượng góp phần nâng cao sức khỏe toàn dân, phát triển xã hội bền vững.

Bệnh viện PHCN tỉnh là bệnh viện chuyên khoa hạng III với quy mô 80 giường bệnh, 4 phòng chức năng, 11 khoa lâm sàng, cận lâm sàng và gần 70 cán bộ, nhân viên. Với nhiệm vụ khám, chữa bệnh PHCN, tổ chức an dưỡng cho người bệnh và các đối tượng khác có nhu cầu, những năm qua bệnh viện đều hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao. Nổi bật là triển khai khám, chữa bệnh, điều dưỡng, PHCN và triển khai chương trình dựa vào cộng đồng, thu dung khoảng 10.000 bệnh nhân/năm. Ngoài tăng cường đào tạo chuyên môn, nâng cao y đức, xây dựng môi trường thân thiện, bệnh viện đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, chuyên về vật lý trị liệu kết hợp với sử dụng nguồn nước khoáng nóng thiên nhiên, góp phần tăng hiệu quả điều trị.

Người bệnh điều trị tại Khoa phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Người bệnh điều trị tại Khoa phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về khám, chữa bệnh, quy định chuyên môn kỹ thuật được ban hành, áp dụng hiệu quả giúp lĩnh vực PHCN trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến. Mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ rộng khắp, ngoài Bệnh viện PHCN tỉnh, bệnh viện các tuyến đều có khoa PHCN, 100% trạm y tế xã có nhân viên phụ trách công tác PHCN. Ngoài ra còn có hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ PHCN tư nhân, lồng ghép với Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền. Qua rà soát, toàn tỉnh hiện có gần 10 nghìn đối tượng khuyết tật, trong đó, trên 4 nghìn trẻ em, 90% số người khuyết tật là dân tộc thiểu số và gần 40% thuộc hộ nghèo. Tích cực trợ giúp người khuyết tật PHCN, các ngành, địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ và thực hiện các quy định về chăm sóc, tạo điều kiện để họ cải thiện sức khỏe, vươn lên hòa nhập xã hội.

Thực hiện vai trò chính trong triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả PHCN, Sở Y tế tăng cường chỉ đạo, quản lý điều trị, chăm sóc người khuyết tật và người bệnh. Tổ chức điều tra, phát hiện khuyết tật, phân loại và lập kế hoạch can thiệp sớm tại địa phương, chuyển tuyến điều trị và PHCN theo quy định. Quan tâm PHCN cho các đối tượng, đặc biệt là người có công với cách mạng, nạn nhân chất độc da cam, người cao tuổi, người tâm thần và trẻ em tự kỷ. Phát triển chuyên môn kỹ thuật, tăng cường ứng dụng phương pháp, kỹ thuật mới, chuyên sâu và phối hợp điều trị, chuyển tuyến trong lĩnh vực PHCN. Ngành đảm bảo nguồn nhân lực thông qua đào tạo sau đại học, đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhân viên y tế PHCN. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý sức khỏe của người khuyết tật kết nối với hệ thống thông tin quản lý sức khỏe cá nhân. Hiện đã nhập dữ liệu, thông tin hồ sơ, theo dõi sát tình hình sức khỏe trên 7.500 người khuyết tật.

Nhằm củng cố hệ thống PHCN dài hạn, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển PHNC giai đoạn 2024 - 2030. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030 trên 90% trẻ em sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện, can thiệp sớm khuyết tật; 100% xã, phường, thị trấn củng cố, hoàn thiện và phát triển mô hình PHCN dựa vào cộng đồng; Bệnh viện PHCN tỉnh đạt chất lượng 4.0... Các giải pháp triển khai tập trung tăng cường quản lý, chỉ đạo, thực hiện các chính sách pháp luật về PHCN, cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm khuyết tật, quản lý, điều trị, chăm sóc người khuyết tật và người bệnh. Đẩy mạnh truyền thông về thực hiện các chủ trương, chính sách, hướng dẫn chuyên môn, khuyến cáo về phòng ngừa phát hiện sớm khuyết tật.

Bài, ảnh: PHẠM HOAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202409/cung-co-he-thong-phuc-hoi-chuc-nang-4c2798b/