Củng cố hệ thống thư viện trường học hỗ trợ học liệu cho học sinh
Những năm qua, các thư viện trường học trong tỉnh đã phát huy vai trò, tác dụng trong việc thông tin - giáo dục - chia sẻ kiến thức, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh củng cố hệ thống và mở rộng kiến thức. Các thư viện không chỉ là không gian học tập chung của nhà trường mà còn là
Những năm qua, các thư viện trường học trong tỉnh đã phát huy vai trò, tác dụng trong việc thông tin - giáo dục - chia sẻ kiến thức, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh củng cố hệ thống và mở rộng kiến thức. Các thư viện không chỉ là không gian học tập chung của nhà trường mà còn là “trung tâm” của các hoạt động kết nối và làm việc nhóm của học sinh, nơi diễn ra các hoạt động sáng tạo và phát huy trí tưởng tượng của học sinh, nhằm xây dựng và phát triển năng lực tự học, giao tiếp, vốn ngôn ngữ và sáng tạo cho người học. Đây cũng là tinh thần mà chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 hướng tới khi chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, trong đó cốt lõi là năng lực tự học, tự chủ.
Xác định việc phát huy hiệu quả hoạt động thư viện trường học sẽ góp phần không nhỏ thực hiện thành công chương trình GDPT 2018, Sở GD và ĐT, các địa phương và các nhà trường đã đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống thư viện, bổ sung nguồn học liệu để phục vụ các hoạt động học tập và giảng dạy trong các nhà trường. Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho thư viện trường học, hàng nghìn đầu sách các chủng loại sách như sách tham khảo, sách bổ trợ các kỹ năng cho học sinh cũng được nhiều nhà trường quan tâm đầu tư hoặc luân chuyển để phục vụ nhu cầu đọc của học sinh. Sở GD và ĐT cũng quan tâm đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên thư viện về các nội dung: Thiết lập và quản lý thư viện, kỹ thuật, nghiệp vụ thư viện trường học, tổ chức các hoạt động thư viện trường học hoặc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong các hoạt động thư viện trường học. Sở GD và ĐT phối hợp tranh thủ các chương trình tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước xây dựng các mô hình Thư viện thân thiện, Thư viện xanh, Thư viện nhỏ…, kêu gọi các chương trình thiện nguyện hỗ trợ để gia tăng nguồn sách cho thư viện như các chương trình: “Tủ sách nhân ái”, “Sách hóa nông thôn”, “Làm bạn với sách”…, Các nhà tài trợ đã tài trợ cho các trường kinh phí sửa chữa, nâng cấp thư viện; trang thiết bị (bàn ghế, giá sách, tủ sách…), sách báo; tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ cho cán bộ thư viện; hướng dẫn các nhà trường xây dựng không gian thư viện xanh nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động đọc của học sinh. Từ nỗ lực trên, rất nhiều thư viện trường học kiểu truyền thống đã thay đổi phương thức hoạt động sang các hình thức đa dạng thư viện lớp học (đặt ngay ở cuối phòng học); thư viện di động (loại hình thư viện có thể di chuyển được mọi lúc, mọi nơi trong khuôn viên trường học); thư viện xanh (thư viện được thiết kế trong vườn cây xanh hay sân trường giữa không gian xanh thoải mái); thư viện thân thiện ở trường tiểu học theo mô hình Room to Read giúp học sinh tiếp cận sách dễ dàng, sách được phân loại theo trình độ đọc tương ứng với trình độ đọc của từng lứa tuổi... Các hình thức đổi mới thư viện này đã tạo không gian mở tối đa, giúp học sinh tiếp cận và đọc sách một cách tự nhiên. Bên cạnh đó, Sở GD và ĐT phối hợp với Sở VH, TT và DL tổ chức các chuyến xe ô tô “Thư viện lưu động” của Thư viện tỉnh tới hàng trăm điểm trường học, tổ chức các hoạt động phục vụ đọc sách, góp phần phát triển và nâng cao văn hóa đọc, phát huy hiệu quả công tác dạy và học trong các nhà trường, qua đó giúp các em thu nhận được nhiều thông tin bổ ích từ sách để phục vụ cho việc học tập và rèn kỹ năng sống, phát triển phẩm chất, năng lực.
Hiện tại tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh đều đã có thư viện, trong đó 3/4 số thư viện trường học đã đạt chuẩn, 356 thư viện tiên tiến ở các cấp học (khối tiểu học có 100 thư viện tiên tiến, khối THCS có 215 thư viện tiên tiến, khối THPT có 41 thư viện tiên tiến) là minh chứng cho sự quan tâm của ngành GD và ĐT và các địa phương đối với việc phát triển hệ thống thư viện trong trường học. Tiêu biểu như khối tiểu học với 100% trường tiểu học có thư viện, trong đó có 100/241 thư viện trường tiểu học đã đạt “Thư viện tiên tiến”. Hệ thống thư viện trong khối học đã đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của cán bộ, giáo viên, học sinh thông qua việc các trường tổ chức xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, các hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu dạy học, phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; chuẩn bị tốt nhất cho học sinh lớp 5 chuyển sang học lớp 6 theo chương trình GDPT 2018. Trong năm học 2020-2021, các trường còn tổ chức nhiều hoạt động giáo dục có tính sáng tạo, kích thích tinh thần ham học hỏi, tìm tòi của học sinh nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu phòng dịch như: tổ chức triển lãm tranh; sáng tạo các sản phẩm tái chế qua CLB STEM; thi giới thiệu sách bằng hình thức bình chọn video đặc sắc... Tiêu biểu như Trường Tiểu học Nam Tiến (Nam Trực) tổ chức Ngày hội sách; Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định) tổ chức “Dự án sống xanh” và cuộc thi “Mở sách - mở thế giới”; nhiều trường tổ chức thi “Rung chuông vàng”, “Ngày hội trăng rằm”, “Hội Xuân”, “Hành trang vào lớp 1”, “Kỹ năng tham gia giao thông an toàn”... Các hoạt động đọc sách, tổ chức các tiết dạy trong thư viện cũng được các trường tổ chức định kỳ góp phần nâng cao văn hóa đọc trong các nhà trường.
Hoạt động của hệ thống thư viện trường học đã và đang phát huy được vai trò, tác dụng đối với việc phát triển năng lực, phẩm chất học sinh theo tinh thần mà chương trình GDPT 2018 hướng tới. Song song với các giờ học trên lớp, học sinh có giờ học, đọc tại thư viện với những mô hình dạy học tích cực, phương thức giáo dục mở, thân thiện, giúp học sinh được “thay đổi không khí” nghiêm túc gò bó để tự do, chủ động tìm hiểu, khám phá kiến thức. Các mô hình học tập này rất thu hút học sinh. Tiêu biểu như: mô hình “Thư viện thân thiện” Room to Read tại các trường tiểu học: Nguyễn Văn Trỗi, Chu Văn An (thành phố Nam Định); thị trấn Gôi, B Hiển Khánh, C Thành Lợi (Vụ Bản); Yên Tiến (Ý Yên); Rạng Đông (Nghĩa Hưng); Nam Tiến (Nam Trực); Trực Nội (Trực Ninh); Xuân Hòa (Xuân Trường); Giao Yến (Giao Thủy); Hải Hà, Hải Hòa (Hải Hậu); mô hình “Thư viện xanh” tại các trường: THCS Nam Cường, THCS Nam Hồng, THCS Đồng Sơn, THCS Điền Xá, Tiểu học Nam Tiến (Nam Trực); mô hình “Cảm ơn thư viện nhỏ” (Thank you small Library) tại các trường: THCS Đào Sư Tích, THCS Trực Nội, THCS Trực Hưng (Trực Ninh)...
Bên cạnh các trường đã nỗ lực đổi mới công tác thư viện, tại không ít trường học thư viện vẫn tồn tại một số hạn chế do phát triển chưa đồng bộ. Trang thiết bị cơ sở vật chất và nguồn học liệu chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Một số trường chưa chú trọng công tác bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ thư viện, khiến hoạt động vận hành thư viện chưa phát huy hết hiệu quả. Còn tình trạng trường học chưa thực sự quan tâm nên thư viện mới chỉ là “cái kho” để chứa sách, là nơi cho học sinh và giáo viên mượn sách. Hoạt động thư viện chưa phát huy được hiệu quả, chưa thu hút được nhiều học sinh đến học tập và trải nghiệm.
Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện trong trường học thời gian tới là cần khảo sát nhu cầu của học sinh theo từng trường, từng lứa tuổi, để từ đó xác định nguồn tài liệu phù hợp nhu cầu học tập, giải trí của các em. Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch hoạt động thư viện đảm bảo phù hợp, có hình thức hoạt động linh hoạt, phong phú nhằm tạo hứng thú cho học sinh đến đọc; nghiên cứu để tổ chức thư viện thành không gian mở, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp học liệu. Cán bộ thư viện cần làm tốt công tác tuyên truyền giới thiệu sách để thu hút học sinh đến với thư viện nhà trường, phát huy hiệu quả hoạt động thư viện trong nhà trường, đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT 2018./.
Bài và ảnh: Minh Thuận