Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân

Đảng ta luôn xác định, đoàn kết là giá trị cốt lõi, đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhiều quyết sách phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc

Đoàn kết là cái gốc rễ của mọi thắng lợi. Trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số (DTTS) năm 1946, Bác Hồ viết: “Đồng bào Kinh, Thổ, Mông hay Mán, Gia Rai, Ê Đê, Xơ Đăng, hay Ba Na và các DTTS khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt”.

Thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta, từ xưa tới nay, đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng đã luôn đoàn kết một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Bao thế hệ đồng bào các DTTS trong đó có đồng bào Mông đã không tiếc máu xương, đóng góp sức người, sức của cho cách mạng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta làm nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương đất nước hôm nay.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vùng miền núi, dân tộc, vùng có đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Những dự án xóa đói, giảm nghèo, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm; xóa bỏ hủ tục lạc hậu, nâng cao trình độ dân trí cho người dân tại khu vực này luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm đầu tư một cách đồng bộ. Đó là sự cần thiết, hay gọi nôm na là trang bị các điều kiện cần thiết, “cần câu” để đồng bào các dân tộc miền núi có động lực vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Nhờ động lực đó, sự chịu thương, chịu khó của cộng đồng các dân tộc mà cuộc sống của đại đa số người dân, bộ mặt ở khu vực miền núi đã có sự khởi sắc và đang từng bước tiến kịp khu vực miền xuôi.

Đặc biệt với Thanh Hóa là tỉnh có địa bàn gồm 11 huyện miền núi (chiếm 3/4 diện tích tự nhiên, gần 1/3 dân số toàn tỉnh), là địa bàn sinh sống của 7 dân tộc anh em (Mông, Thái, Dao, Mường, Thổ, Khơ Mú và Kinh), có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh, là “phên dậu” của Tổ quốc, với đường biên giới dài 213,604 km giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào). Nhiều chương trình, chính sách lớn được triển khai nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền núi, dân tộc như: Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 (theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX) và các chương trình, dự án, chính sách dân tộc khác, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đạt được những kết quả tích cực.

Đến giữa năm 2023, địa bàn 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa có tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt hằng năm luôn ổn định từ 130 nghìn đến 140 nghìn ha, sản lượng lương thực có hạt đạt trên 385.000 tấn (tăng 4,21%) so với năm 2020. 100% đường giao thông đến trung tâm các xã đã được nhựa hóa, hoặc bê tông hóa; 100% trường lớp đạt kiên cố; 89,7% trạm y tế xã được xây dựng kiên cố; 93,1% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 91,4% trạm y tế có bác sĩ; 93,6% hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi giảm từ 19,9% xuống còn 15,19%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 21% xuống còn 17,07%; tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS giảm từ 27,23% xuống còn 19,86%...

Riêng khu vực có đồng bào Mông sinh sống cũng đang được thụ hưởng chính sách, có tác động rất lớn đến đời sống của đồng bào. Tỉnh Thanh Hóa đã chủ động, sáng tạo cụ thể hóa và ban hành nhiều đề án, dự án, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ sản xuất, xóa đói giảm nghèo, quy hoạch dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu với nhiều chương trình, đề án như: Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình 167 của Chính phủ, Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Mông huyện Mường Lát” ; Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội các bản dân tộc Mông huyện Quan Sơn”, Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”…

Từ năm 2015 đến nay, thông qua các chương trình, dự án, đề án, Nhà nước đã đầu tư xây dựng 115 công trình kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc Mông ở Thanh Hóa; giai đoạn 2016-2020, tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng 42 công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế; hỗ trợ 8 mô hình phát triển sản xuất... với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng.

Từ những chính sách đó, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các lực lượng vũ trang, cùng sự nỗ lực của đồng bào dân tộc Mông, kinh tế - xã hội ở các bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống đã có bước phát triển đáng kể, kết cấu hạ tầng được đầu tư, đời sống Nhân dân được cải thiện, nhiều hộ gia đình đồng bào Mông đã xóa được nhà tạm, nhà dột nát, có đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt từng bước cải thiện, ổn định nơi ở, sản xuất và đời sống. Trong giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong vùng dân tộc Mông đạt trên 5,1%; tốc độ giảm nghèo bình quân giai đoạn 2016-2020 giảm 4,02%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: Tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản năm 2020 là 34,4% (giảm 3,4%); tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng là 34% (tăng 3,0%); ngành dịch vụ là 31,6%. Tổng diện tích trồng lúa trong vùng đồng bào Mông gần 800 ha (Mường Lát 675,6 ha, Quan Hóa 141,19 ha, Quan Sơn 107,4 ha)…

Những con số trên cho thấy, Đảng và Nhà nước, trực tiếp, thường xuyên là cấp ủy chính quyền các địa phương luôn quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi một cách đồng bộ với nhiều chủ trương, quyết sách lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ sản xuất, xóa đói giảm nghèo, qui hoạch dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở vùng miền núi, dân tộc.

Đồng bào Mông đã “ổn canh, ổn cư”

Hiện nay, nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự cần cù, chịu khó của nhân dân, người Mông trên địa bàn đã “ổn canh, ổn cư”, không còn du canh, du cư tự do; nhiều tập tục, hủ tục lạc hậu đã được xóa bỏ. Hầu hết các thôn bản, bà con đã biết kiến thiết lại nương rẫy, khai hoang ruộng lúa nước và đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.

Như tại bản Pù Toong, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, một bản có 76 hộ, 338 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Mông. Nhờ ổn canh, ổn cư và chịu khó làm ăn, bà con nơi đây từ chỗ đói ăn, thiếu mặc, đến nay cuộc sống đã thay đổi rất nhiều. Cả bản hiện chỉ còn 6 hộ nghèo, đa số các gia đình đã có nhà kiên cố, có ti vi, xe máy, 100% người dân trong bản được sử dụng điện lưới quốc gia, sử dụng công trình nước sạch hợp vệ sinh; 100% con em trong độ tuổi được đến trường, diện tích lúa nước không ngừng được mở rộng nên cho năng suất cao, lúa, ngô tích trữ đầy nhà…

Nhìn cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở Mường Lát hôm nay, ít ai tưởng tượng được nơi đây từng chịu càn quét của trận lũ lịch sử tháng 8-2019 làm hàng trăm ngôi nhà của đồng bào Thái, đồng bào Mông... bị cuốn trôi, vùi lấp; hàng nghìn người không còn nhà cửa, đói ăn, thiếu mặc. Với tinh thần tương thân, tương ái, cả nước đã dồn sức hỗ trợ, dựng lại hàng trăm ngôi nhà mới kiên cố cho đồng bào.

Như trường hợp gia đình chị Thao Thị Dợ, một gia đình dân tộc Mông ở bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, trong trận lũ quét đó, nhà chị cũng bị vùi lấp, chồng chị là đồng chí Thao Văn Súa, Trưởng Công an xã Nhi Sơn hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Chia sẻ sự mất mát, khó khăn cùng gia đình chị, Đảng, Nhà nước, các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an nhân dân đã luôn đồng hành, sát cánh để hỗ trợ, giúp đỡ gia đình chị vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Đến nay, mặc dù nỗi đau mất mát người thân chưa thể nguôi ngoai, nhưng cuộc sống của gia đình chị đã dần ổn định, đồng chí Thao Văn Súa đã được Đảng, Nhà nước công nhận liệt sĩ, phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Mới đây nhất, năm 2021, phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã có chủ trương và huy động nhà tài trợ là Ngân hàng Vietcombank và tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ “Xây dựng 600 căn nhà ở cho hộ dân nghèo trên địa bàn huyện Mường Lát”. Trong đó, hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Mông đã được hỗ trợ xây dựng nhà mới. Lúc đó, cả huyện Mường Lát như một đại công trường. Ngoài sự hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà, hàng nghìn người là đoàn viên, thanh niên, lực lượng công an, quân đội, biên phòng, bà con lối xóm đã tự nguyện giúp các hộ gia đình xây dựng nhà cửa mà không hề so đo, toan tính…

Hay tại bản Ché Lầu, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, cả bản có 65 hộ với 300 nhân khẩu (đều là người Mông). Được Nhà nước đầu tư đường giao thông, điện thắp sáng, trường, trạm y tế… nên Ché Lầu có điều kiện phát triển kinh tế. Người dân ở đây đã biết trồng lúa nước hai vụ/năm; đưa giống lúa Nhật J02 vào sản xuất cho năng suất cao; thực hiện trồng vầu với diện tích trên 170 ha; nuôi lợn nái sinh sản cho giá trị kinh tế cao. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay trên 28 triệu/người/năm…

Những lúc thiên tai, địch họa như thế, liệu có “vua Mông”, “nhà nước Mông” nào đồng hành, giúp đỡ đồng bào ta?. Đồng bào các dân tộc, đặc biệt là đồng bào Mông ngày càng thấm thía…

Cùng với những chủ trương, chính sách đặc thù phát triển vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa; sự quan tâm, đầu tư về hạ tầng, hỗ trợ đào tạo, điều kiện sản xuất… của chính quyền địa phương, đồng bào người Mông không có con đường thoát nghèo nào khác ngoài chăm chỉ làm ăn, xây dựng kinh tế gia đình.

Những sự lừa phỉnh về một “Nhà nước Mông” là những chiêu trò nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động đồng bào thực hiện “quyền dân tộc tự quyết” bằng cách ly khai, bạo loạn, đòi quyền tự trị, tự quản với nhiều thủ đoạn tinh vi, thâm độc, gây bất ổn về chính trị, an ninh, trật tự và cuộc sống yên bình của người dân.

Mỗi một người Mông cần phát huy vai trò trách nhiệm của mình, tỉnh táo nhận diện, tuyệt đối không nghe, không tin, không làm theo những gì mà các đối tượng phản động, các phần tử xấu lợi dụng mua chuộc, xúi giục, lôi kéo để tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật. Đồng bào Mông đoàn kết, chung tay cùng cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng và cộng đồng các dân tộc trên địa bàn để phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc là con đường tương lai sáng rõ nhất.

Nguyễn Đình Hợp

Phòng Công tác đảng và Công tác chính trị - Công an tỉnh Thanh Hóa

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/cung-co-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-21389