Củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế
Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan chức năng xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án thành lập mới, củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế trực thuộc.
Đội ngũ làm pháp chế chuyên trách giảm
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp đến hết năm 2023, đội ngũ làm công tác pháp chế được Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục quan tâm, chú trọng, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế ở các cấp có đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm với nhiệm vụ đặt ra. Tuy nhiên, số lượng cán bộ pháp chế chuyên trách có xu hướng giảm cả ở Trung ương và địa phương, cụ thể: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 4.681 người làm công tác pháp chế, trong đó có 1.201 cán bộ pháp chế chuyên trách (giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022); hầu hết người làm công tác pháp chế đều có trình độ đại học luật trở lên, một số có trình độ đại học chuyên ngành khác. Các địa phương có 2.916 người làm công tác pháp chế, trong đó có 515 người được bố trí làm công tác pháp chế chuyên trách (giảm 2,65% so với cùng kỳ năm 2022). Tại các doanh nghiệp nhà nước ở Trung ương có 215 người làm công tác pháp chế, trong đó có 187 người làm công tác pháp chế chuyên trách.
Để kịp thời tháo gỡ một số vướng mắc trong thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác pháp chế, ngày 18/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.
Một trong những điểm đáng chú ý Nghị định mới đã quy định về chức danh, tiêu chuẩn ngạch pháp chế viên, pháp chế viên chính, pháp chế viên cao cấp. Nghị định bổ sung quy định chế độ hỗ trợ đối với công chức làm công tác pháp chế.
Nghị định tiếp tục kế thừa quy định về tổ chức bộ máy pháp chế, đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay, một số cơ quan thuộc Chính phủ không thành lập Ban Pháp chế hoặc Phòng Pháp chế mà thành lập Vụ Pháp chế hoặc Vụ Pháp chế, kiểm soát nội bộ. Do đó, để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, Nghị định quy định, cơ quan thuộc Chính phủ có Vụ hoặc Ban hoặc Phòng thực hiện công tác pháp chế.
Rà soát, xét chuyển sang ngạch pháp chế viên
Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 56, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch triển khai Nghị định; Tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai về những điểm mới của Nghị định cho đội ngũ người làm công tác pháp chế ở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước ở Trung ương; công chức Sở Tư pháp và người làm công tác pháp chế các tỉnh khu vực phía Bắc. Đồng thời, thực hiện việc hợp nhất Nghị định số 55 và Nghị định số 56 và xây dựng Dự thảo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, nâng ngạch, chuyển ngạch và xếp lương đối với các ngạch pháp chế; xây dựng Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế cho đội ngũ pháp chế viên.
Về phía các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tư pháp đề nghị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo quan tâm và chỉ đạo xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Nghị định, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả với những giải pháp quyết liệt, có lộ trình rõ ràng; tổ chức truyền thông, triển khai thi hành Nghị định cho đội ngũ người làm công tác pháp chế.
Đặc biệt, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án thành lập mới, củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế trực thuộc, trong đó xác định rõ việc thành lập mới ở những nơi chưa có tổ chức pháp chế; củng cố, kiện toàn các tổ chức pháp chế hiện có; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng tổ chức pháp chế và các biện pháp, giải pháp cụ thể về chế độ, điều kiện bảo đảm cho hoạt động của các tổ chức pháp chế theo quy định của Nghị định số 56.
Bố trí kinh phí năm 2024 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, căn cứ vào vị trí việc làm về pháp chế trong cơ quan để chi hỗ trợ cho người làm công tác pháp chế; Thực hiện việc rà soát, xét chuyển ngạch cho công chức thực hiện công tác pháp chế sang ngạch pháp chế viên tương ứng theo quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định số 56 có hiệu lực. Chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Tư pháp, các cơ quan, đơn vị khác có liên quan tổ chức hướng dẫn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 56, kịp thời có biện pháp hoặc gửi kiến nghị bằng văn bản về Bộ Tư pháp để phối hợp, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.