Củng cố lòng tin để gia tăng gắn kết

Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã được diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Mục đích của hội nghị lần này là xem xét tiến độ về các đề xuất chính sách và mục tiêu đã được công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 thường niên được tổ chức tại New Delhi vào tháng 9 vừa qua, đồng thời xác định cách thức đẩy nhanh tiến độ hướng tới các mục tiêu.

Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần này có Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida… cùng nhiều nhà lãnh đạo quốc gia, quốc tế khác. Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Narendra Modi đã bày tỏ lòng biết ơn và nêu bật những thành tựu đáng kể trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ trong năm qua. Ông đã nhấn mạnh cam kết của G20 về tính toàn diện khi đồng loạt nhất trí vai trò thành viên chính thức của Liên minh châu Phi (AU) tại Hội nghị thượng đỉnh của khối hồi tháng 9, qua đó thể hiện thông điệp đoàn kết và hợp tác.

Quan điểm của G20 về những vấn đề "nóng"

Thủ tướng Ấn Độ cho biết, sau khi lắng nghe mọi quan điểm về tình hình nghiêm trọng ở Trung Đông, G20 đã có sự đồng thuận về nhiều vấn đề. Nhóm đều lên án mạnh mẽ chủ nghĩa khủng bố, bạo lực và không có sự khoan dung nào đối với chủ nghĩa khủng bố. Hơn nữa, viện trợ nhân đạo phải được cung cấp nhanh chóng, hiệu quả và an toàn nhất có thể.

Hôm 22.11, Israel và Hamas đã nhất trí tạm dừng giao tranh trong 4 ngày để hai bên trao đổi con tin. Theo đó, Hamas sẽ thả 50 con tin bị giam giữ ở Gaza bắt đầu từ ngày 23.11, đổi lại 150 người Palestine trong các nhà tù của Israel được tự do. Tuy nhiên, Israel đã thông báo hoãn thực thi thỏa thuận và trao đổi con tin sang ngày 24.11.

Ngay sau khi thỏa thuận được công bố, cộng đồng thế giới đã bày tỏ sự hoan nghênh, và xem động thái này là bước đột phá lớn đầu tiên trong các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột ở Dải Gaza. Nhóm G20 đã kêu gọi lãnh đạo các quốc gia giàu có và đang phát triển hợp tác để bảo đảm xung đột Israel - Hamas không lan rộng. Ông lưu ý rằng, để có thể nhanh chóng khôi phục hòa bình, ổn định trong khu vực đòi hỏi một giải pháp lâu dài giữa hai nhà nước, ngoại giao và đối thoại là cách duy nhất để giải quyết căng thẳng địa chính trị. Thủ tướng Ấn Độ cũng nhấn mạnh, G20 sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ có thể về vấn đề Trung Đông.

Bên cạnh xung đột Israel - Hamas, chiến sự Nga - Ukraine cũng là đề tài được thảo luận tại hội nghị lần này. Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận rằng bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào cũng là “thảm kịch” và điều các nước cần làm là tìm cách ngăn chặn thảm kịch đó. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh về việc Nga ủng hộ việc khôi phục tinh thần hợp tác kinh tế quốc tế cởi mở và cùng có lợi, dựa trên các quy tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, cũng như các nguyên tắc làm việc nhóm mang tính tập thể và tôn trọng lẫn nhau.

Điều quan trọng là đạt được sự tối ưu hóa hiệu quả của hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu, cần tăng cường vai trò của các nền kinh tế đang phát triển trong các tổ chức tài chính quốc tế, bao gồm IMF và Ngân hàng Thế giới (WB). Đồng thời sử dụng nguồn lực của các tổ chức này vì lợi ích của các nước và khu vực đang phát triển. Tổng thống Nga cho biết, quốc gia này sẽ sẵn sàng hợp tác để giải quyết những vấn đề cấp bách này trong khuôn khổ G20 cũng như các tổ chức quốc tế khác, bao gồm cả BRICS.

Nguồn: Getty Images

Nguồn: Getty Images

Ưu tiên vấn đề y tế, an ninh lương thực và phát triển bền vững

Ông Narendra Modi kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 thúc đẩy thực hiện hiệu quả các quyết định đã được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 9 ở New Delhi, bao gồm tài trợ khí hậu, cải cách các ngân hàng phát triển đa quốc gia, nỗ lực tạo ra khuôn khổ cho trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như phát triển khuôn khổ chung cho cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số. Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã kêu gọi Mỹ tăng nguồn tài trợ của WB thêm hơn 25 tỷ USD. Trong khi đó, Đức cũng đã cam kết 331 triệu USD vốn kết hợp mà WB có thể sử dụng để tăng cường cho vay trong 10 năm tới.

Ngoài ra, các vấn đề về hiệu quả sử dụng tài nguyên hay an ninh lương thực cũng cần được quan tâm hơn nữa. Hiện nay, Nam Bán cầu là khu vực đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như nghèo đói, bất bình đẳng và các thách thức về môi trường. Ông đã kêu gọi cải cách khẩn cấp cơ cấu quản trị và kinh tế toàn cầu để giải quyết tốt hơn những vấn đề nêu trên. Theo đó, Thủ tướng Narendra Modi đã đề xuất thành lập Quỹ tác động xã hội để triển khai Cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số tại các quốc gia thuộc Nam Bán cầu, với khoản đóng góp ban đầu là 25 triệu USD, đồng thời kêu gọi các quốc gia tích cực tham gia vào sáng kiến này.

Bên cạnh đó, việc bảo tồn môi trường chiếm vị trí trung tâm với các cuộc thảo luận về khái niệm và sáng kiến Tín dụng Xanh như Liên minh Nhiên liệu Sinh học Toàn cầu và phong trào Lối sống vì môi trường toàn cầu (Mission LiFE). G20 công nhận tầm quan trọng của hydro sạch và tăng cường tài chính cho khí hậu, với các bước đi cụ thể được mong đợi tại COP28 sẽ diễn ra vào cuối tháng 11 này, tại Các tiểu vương Ảrập thống nhất (UAE).

Trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của AI thu hút sự quan tâm của toàn thế giới, Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh về mức độ nghiêm trọng của DeepFake (một loại kỹ thuật sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để tạo ra hình ảnh, âm thanh và video giả mạo, sai sự thật), mối nguy từ loại kỹ thuật này đối với xã hội và mỗi cá nhân. Vì vậy, các nước cần xây dựng một môi trường sử dụng công nghệ có trách nhiệm và đề xuất thành lập quy định toàn cầu về AI, nhằm mang đến sự an toàn cho xã hội. Ngoài ra, Ấn Độ sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác AI toàn cầu vào tháng 12 tới.

Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này có thể coi là sự kiện khép lại năm Chủ tịch của Ấn Độ. Phát biểu bế mạc hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ bày tỏ tin tưởng rằng G20 sẽ tiếp tục tiến lên với cách tiếp cận “lấy con người làm trung tâm”, khi Brazil tiếp quản ghế chủ tịch luân phiên từ ngày 1.12 tới, và các thành viên của nhóm sẽ ưu tiên cho vấn đề an ninh lương thực, y tế và phát triển bền vững.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/cung-co-long-tin-de-gia-tang-gan-ket-i351369/