Củng cố lực lượng hòa giải viên cơ sở: Tăng niềm tin của người dân

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 315/QĐ-TTg ngày 17-4-2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 'Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030' (gọi tắt là Đề án 315) và hướng dẫn việc thực hiện Đề án 315 của Bộ Tư pháp, UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 315 trên địa bàn TPHCM.

Xây dựng đội ngũ hòa giải viên vững pháp lý

Phường 15, quận 10, TPHCM có tỷ lệ hòa giải thành trong hòa giải cơ sở đạt trung bình 90% từ năm 2014 đến 6 tháng đầu năm 2024.

Mới đây, vào đầu tháng 8-2024, tổ hòa giải cơ sở đã hòa giải thành một vụ mâu thuẫn giữa các hộ dân ở khu phố 6, xuất phát từ việc để rác trong hẻm gây cản trở lối đi. Tổ hòa giải đã nhanh chóng nắm bắt vấn đề, mời các hộ lên hòa giải tại trụ sở khu phố.

Buổi hòa giải có sự tham gia của hòa giải viên, cán bộ tư pháp UBND phường 15, cảnh sát khu vực… Sau khi nghe hòa giải viên phân tích, các hộ dân đã đồng thuận và tự nguyện khắc phục.

 Một buổi hòa giải tranh chấp lối đi chung tại khu phố 6, phường 15, quận 10, TPHCM

Một buổi hòa giải tranh chấp lối đi chung tại khu phố 6, phường 15, quận 10, TPHCM

Theo ông Bùi Tây Giang, cán bộ tư pháp UBND phường 15, quận 10, hòa giải viên đóng vai trò rất quan trọng đối với kết quả của buổi hòa giải. Như trong sự việc tại khu phố 6, hòa giải viên là bà Nguyễn Thị Tồn, một người rất có uy tín trong cộng đồng dân cư tại đây. Nhờ vậy, sự phân tích, giải thích vấn đề của bà được các hộ dân rất tôn trọng và đồng thuận.

Ông Bùi Tây Giang cho biết, hiện phường 15 có 15 tổ hòa giải với 75 hòa giải viên. Bên cạnh những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, UBND phường đã vận động đội ngũ luật sư, luật gia, hội thẩm nhân dân, cán bộ, công chức hưu trí… tham gia các tổ hòa giải.

Với đội ngũ hòa giải viên như hiện nay, phường 15, quận 10 đã đáp ứng được yêu cầu mới của Đề án 315, đó là trong việc kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở cần huy động cán bộ, công chức, hội viên các tổ chức đoàn thể (như luật sư, luật gia), lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, lực lượng công an nhân dân, bộ đội biên phòng, người công tác trong lĩnh vực pháp luật, người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên... tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở.

Theo bà Hoàng Anh Nga (nguyên kiểm sát viên Viện KSND TPHCM, hiện là luật sư - hòa giải viên tại tòa án), bà rất ủng hộ điểm mới của Đề án 315 khi đã mở rộng đối tượng cần huy động tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở. Điều này không chỉ nâng tỷ lệ hòa giải thành, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật, mà bản thân những người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên... khi tham gia làm hòa giải viên cũng được tự trau dồi, cập nhật kiến thức pháp luật, những quy định pháp luật mới.

Nâng cao vai trò của cấp ủy Đảng

Bên cạnh việc xây dựng đội ngũ hòa giải viên, Đề án 315 cũng đặt ra yêu cầu nhân rộng mô hình “cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở”. Cụ thể hóa yêu cầu này, Kế hoạch 4174 của TPHCM xác định: xây dựng 6 mô hình “cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở” cấp thành phố từ nay đến năm 2030, trong đó có phường 15, quận 10.

Ông Lê Tuấn Huy, Phó Chủ tịch UBND phường 15, quận 10, cho biết, để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch của thành phố và quận, Đảng ủy phường đã phân công đảng ủy viên phụ trách từng khu phố theo sát nội dung, kế hoạch của quận và thành phố, phối hợp cán bộ tư pháp khu phố để rà soát, giới thiệu người có uy tín trong cộng đồng dân cư, người có hiểu biết về pháp luật tham gia tổ hòa giải. Sau khi thành lập tổ hòa giải, Đảng ủy - UBND phường luôn theo sát chỉ đạo và giúp đỡ các thành viên tổ hòa giải trong giải quyết từng vụ việc cụ thể.

Ngoài ra, khoảng 6 tháng/lần, các tổ trưởng tổ hòa giải sẽ họp cùng Đảng ủy phường, cán bộ tư pháp, các ban ngành, đoàn thể và Ủy ban MTTQ phường nhằm tháo gỡ các khó khăn trong công tác hòa giải, đề xuất, kiến nghị giải quyết những vướng mắc.

Hàng năm, UBND phường đều xây dựng kế hoạch tập huấn, tuyên truyền các văn bản pháp luật mới cho lực lượng hòa giải viên, tổ chức tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải.

TPHCM đặt ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn thành phố đạt từ 85% trở lên; đối với các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm của thành phố và điểm của các địa phương, tỷ lệ này là trên 90%; mỗi quận, huyện và TP Thủ Đức có ít nhất từ 2-4 đơn vị cấp xã đạt yêu cầu của mô hình “cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở”, chiếm tỷ lệ từ 14%-28% trở lên.

Bà Trần Việt Thái, Trưởng Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp TPHCM, nhận định, hòa giải ở cơ sở là một bộ phận của công tác dân vận. Thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở là góp phần thực hiện tốt công tác dân vận, và ngược lại. Kết quả của công tác hòa giải là một phần của kết quả công tác dân vận. Vì vậy, sự quan tâm, sâu sát của cấp ủy cơ sở đối với công tác hòa giải chắc chắn sẽ mang đến hiệu quả rõ rệt.

Trong thời gian tới, Sở Tư pháp TPHCM sẽ tập trung khảo sát, đánh giá năng lực, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở. Đồng thời, Sở Tư pháp căn cứ tình hình thực tiễn của TPHCM để cập nhật, biên soạn, biên tập, phát hành các tài liệu về kiến thức pháp luật, kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố.

THÀNH CHUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cung-co-luc-luong-hoa-giai-vien-co-so-tang-niem-tin-cua-nguoi-dan-post756959.html