Củng cố nâng cao năng lực cán bộ Quỹ Tín dụng nhân dân đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa
Nâng cao chất lượng nhân lực của các Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) được xem là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ QTDND đủ mạnh, vừa có chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, điều hành, vừa có đạo đức nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu công việc. Vì vậy, thời gian qua, việc nâng cao chất lượng nhân lực của các QTDND... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Nâng cao chất lượng nhân lực của các Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) được xem là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ QTDND đủ mạnh, vừa có chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, điều hành, vừa có đạo đức nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu công việc. Vì vậy, thời gian qua, việc nâng cao chất lượng nhân lực của các QTDND luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của Ngân hàng Hợp tác xã; công tác đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên của các QTDND đã được triển khai mạnh mẽ, chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên.
Nhằm hỗ trợ các QTDND chuẩn hóa về năng lực đội ngũ cán bộ; Chi nhánh NHNN tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên hệ thống QTDND từng bước chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu điều hành, quản lý hoạt động. Công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động QTDND luôn được chú trọng nhằm phát hiện các sai phạm, thiếu sót trong hoạt động, qua đó kịp thời chấn chỉnh, khắc phục đảm bảo hệ thống QTDND hoạt động an toàn, bền vững. Hàng năm, Thanh tra NHNN Chi nhánh tỉnh đều tổ chức kiểm tra, thanh tra tối thiểu 50% số QTDND trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác đôn đốc, thanh tra, giám sát từ xa các QTDND, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ thường xuyên về việc thực hiện Đề án, phương án củng cố hoàn thiện QTDND đã được Chi nhánh NHNN tỉnh phê duyệt. Thực hiện chỉ đạo của NHNN Chi nhánh tỉnh, hiện các QTDND đang khẩn trương kiện toàn bộ máy nhân sự theo hướng nâng cao, tăng tương ứng với quy mô hoạt động của các QTDND. Đồng thời, chủ động quy hoạch 2 vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và Trưởng Ban Kiểm soát của QTDND đảm bảo quy định giữ chức vụ không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp tính từ thời điểm 1-1-2020, đặc biệt là đối với các QTDND có tổng tài sản dưới 200 tỷ đồng. Nhiều quỹ đã có kế hoạch, quy hoạch và xây dựng được đội ngũ cán bộ nguồn giai đoạn 2020-2025 để đảm bảo có đủ nguồn cán bộ trẻ đủ năng lực giúp QTDND phát triển bền vững. Đến nay, tổng số cán bộ nhân viên QTDND toàn tỉnh là 427 người. Trong đó, trình độ đại học là 184 người; cao đẳng là 39 người; trung cấp là 188 người; chưa có bằng cấp là 20 người. Một số QTDND qua rà soát, sắp xếp cán bộ chuẩn hóa theo Thông tư 21/2019/TT-NHNN ngày 14-11-2019 của NHNN đã phát hiện một số hạn chế như Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Trưởng Ban Kiểm soát, thành viên Ban Kiểm soát, Giám đốc chưa đáp ứng đủ điều kiện; một số đơn vị Quỹ thiếu thành viên Ban Kiểm soát… Nguyên nhân chủ yếu do số cán bộ HĐQT đã đến tuổi nghỉ hưu, hết nhiệm kỳ công tác (4 năm) nhưng không đủ tuổi bố trí nhiệm kỳ tiếp theo; sức khỏe không đảm bảo, hoặc do yêu cầu luân chuyển cán bộ; trình độ cán bộ chưa đáp ứng được các tiêu chí. Để nhanh chóng kiện toàn, bổ sung nâng cao năng lực cán bộ, các QTDND đã chủ động tạo điều kiện cử cán bộ nguồn tham gia các lớp, khóa đào tạo, tập huấn trực tiếp hoặc thông qua hình thức trực tuyến. Ngoài việc cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, tập huấn; các Quỹ cũng chủ động mời các giảng viên về tập huấn theo các chuyên đề nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu của Quỹ theo định hướng của NHNN. Ngoài ra, các QTDND cũng tập trung xây dựng các phương án chuyển tiếp theo quy định tại Thông tư 21 về tổng mức nhận tiền gửi; số lượng thành viên của Ban Kiểm soát; việc nhận tiền gửi từ thành viên… Trong 2 năm 2020, 2021 do ảnh hưởng diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam Chi nhánh Nam Định đã phối hợp tổ chức 2 lớp tập huấn, đào tạo về công tác tìm hiểu pháp luật phòng, chống rửa tiền và nghiệp vụ hồ sơ tín dụng, tìm hiểu về pháp luật cho 600 lượt cán bộ các QTDND và cán bộ Ngân hàng. Tại Ngân hàng Hợp tác xã Chi nhánh Nam Định, hàng tuần Chi nhánh đều triển khai các khóa tập huấn trực tuyến về nghiệp vụ công tác kiểm tra các QTDND do Thanh tra, giám sát NHNN đào tạo, hướng dẫn. Năm 2021, Chi nhánh đã thực hiện kiểm tra QTDND Trực Đại (Trực Ninh). Cùng với đó, Chi nhánh phối hợp với QTDND tổ chức đều đặn các cuộc họp trực tuyến với NHNN Chi nhánh tỉnh để đánh giá kết quả đạt được thời gian qua, đề ra phương hướng hoạt động kế tiếp; nhắc nhở các hạn chế, yếu kém, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực, điều hành, trao đổi, thảo luận các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình kinh doanh, từ đó đề ra các biện pháp giải quyết, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý. Duy trì chế độ báo cáo định kỳ, thường xuyên, liên tục đảm bảo kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ từ xa hoạt động của các QTDND. Tăng cường đôn đốc, xử lý và chỉnh sửa sau thanh tra, bảo đảm hoạt động ngân hàng trên địa bàn tuân thủ quy định của pháp luật. Trong quý III-2021, Thanh tra NHNN Chi nhánh tỉnh đã tổ chức 2 cuộc thanh tra đối với QTDND Bạch Long (Giao Thủy); QTDND Nam Vân (thành phố Nam Định); tiến hành 2 cuộc kiểm tra đột xuất đối với QTDND Xuân Trung (Xuân Trường) và QTDND Giao Nhân (Giao Thủy).
Thời gian tới, các QTDND tập trung tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và tinh gọn bộ máy quản lý, nhân sự để nâng cao hiệu quả hoạt động của QTDND, rà soát đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn của Chủ tịch HĐQT, Giám đốc QTDND phù hợp với quy mô hoạt động của các QTDND; đẩy mạnh các biện pháp tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giới thiệu về sản phẩm, hoạt động của QTDND, lợi ích của việc tham gia QTDND và chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với QTDND đến cộng đồng dân cư để thu hút thêm các thành viên mới. Tiếp tục tập trung rà soát các quy định của Thông tư 21, chủ động xây dựng phương án thực hiện các tiêu chí nhằm đáp ứng theo đúng quy định, đảm bảo thời gian, lộ trình thực hiện. Tăng cường đào tạo các nghiệp vụ hỗ trợ như: Dịch vụ ngân hàng phi tín dụng, công nghệ thông tin, quản trị rủi ro, quảng cáo, marketing, nghiên cứu sản phẩm, dịch vụ mới. Từng bước chuyển đổi mô kinh doanh của tổ chức tín dụng từ lệ thuộc hoạt động tín dụng sang mô hình kinh doanh đa dịch vụ; nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tính minh bạch trong hoạt động của tổ chức tín dụng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và quản trị ngân hàng. Đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại đáp ứng yêu cầu quản trị, quản lý tài chính, hạch toán, kế toán của quỹ./.
Bài và ảnh: Đức Toàn