Củng cố niềm tin của mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và châu Âu
Nhiều ý kiến cho rằng, sau gần 5 tháng ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ, châu Âu vẫn còn khá hoài nghi về cam kết của chính quyền Mỹ với các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương...
Châu Âu chờ đợi gì từ chuyến công du của Tổng thống Biden
Cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo châu Âu chắc chắn sẽ là dịp để thảo luận rất nhiều vấn đề mang tính chiến lược không chỉ đối với quan hệ Mỹ-Âu mà còn đối với bàn cờ địa chính trị toàn cầu. Sau 4 năm rạn nứt vô cùng nghiêm trọng dưới thời ông Donald Trump, đây là thời điểm mà Mỹ và châu Âu cần làm sống lại mối quan hệ đồng minh truyền thống bằng những hành động cụ thể, sau khi đã có rất nhiều tuyên bố tốt đẹp thể hiện thiện chí từ cả hai phía kể từ khi ông Joe Biden đắc cử và nhậm chức Tổng thống Mỹ đầu năm 2021.
Cách tốt nhất để xóa bỏ các hoài nghi là bằng hành động. Châu Âu chờ đợi chính quyền của ông Joe Biden cụ thể hóa các cam kết về hợp tác chống biến đổi khí hậu, tăng cường chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy quan hệ thương mại, đồng thời hoạch định một chiến lược chung về các vấn đề địa chính trị, như quan hệ với Nga, Trung Quốc, hồ sơ hạt nhân Iran.
Ngay trước mắt, một trong các hồ sơ mà châu Âu cần Mỹ hành động nhanh nhất là đẩy mạnh việc phân phối vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu, đặc biệt là cho các nước nghèo ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latin. Hai bên đang có những bất đồng nhất định trong chủ đề này, khi ông Joe Biden muốn xóa bỏ bản quyền vaccine còn châu Âu lại cho rằng ưu tiên cấp bách hơn là phải bãi bỏ các lệnh cấm xuất khẩu vaccine hoặc các thành phần để sản xuất vaccine, điều mà Mỹ vốn duy trì từ đầu đại dịch. Ngoài ra, châu Âu cũng muốn Mỹ đưa ra cơ chế phối hợp tốt hơn, tôn trọng châu Âu hơn, tham vấn châu Âu trước khi đơn phương ra các chính sách, như việc ông Joe Biden muốn bãi bỏ bản quyền vaccine hay đánh thuế các tập đoàn toàn cầu.
“Mối đe dọa và đối thủ thời hiện đại” mà Mỹ và châu Âu có thể chia sẻ cách tiếp cận chung
Ưu tiên chính sách đối ngoại của các chính quyền Mỹ trong vài năm qua là rất rõ ràng: ngăn chặn sự vươn lên cạnh tranh của Trung Quốc với ngôi vị số 1 thế giới của Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã công khai tuyên bố “Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất của Mỹ trong thế kỷ 21” còn Tổng thống Joe Biden thì cũng khẳng định sẽ không cho phép Trung Quốc vượt qua Mỹ trong nhiệm kỳ của ông. Vì thế, ngay khi nhậm chức, ông Joe Biden một mặt vẫn duy trì các chính sách cứng rắn với Trung Quốc từ thời ông Donald Trump, mặt khác đang giơ cao ngọn cờ dân chủ, nhân quyền, giá trị của xã hội tự do để tập hợp đồng minh chống lại các đối thủ mà Mỹ cho là đại diện cho thế giới độc tài, là Nga, và đặc biệt là Trung Quốc.
Kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh thì đây là thời điểm mà lá bài ý thức hệ được Mỹ sử dụng nhiều nhất, và tất nhiên, để tập hợp lực lượng, để tuyên truyền thì Mỹ sẽ gắn cho các đối thủ này cái mác là “mối đe dọa”. Ngay trước khi ông Joe Biden đặt chân đến châu Âu, chính quyền Mỹ, bao gồm cả lưỡng đảng ở Quốc hội, đã thể hiện rất rõ điều này khi thông qua khoản ngân sách 240 tỷ USD với mục tiêu công khai là ngăn cản Trung Quốc chiếm ưu thế công nghệ, kinh tế.
Ở thời điểm hiện tại, thái độ của châu Âu đang thuận lợi cho chính sách của ông Biden, khi quan hệ EU-Trung Quốc cũng đang lao dốc rất nhanh, với các vụ trừng phạt trả đũa hồi tháng 3/2021 và việc Nghị viện châu Âu đầu tháng 5/2021 đóng băng các thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc. Do đó, động lực của thời điểm hiện tại chắc chắn sẽ đẩy Mỹ-EU gần nhau hơn, cùng thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc. Ở một cấp độ thấp hơn, châu Âu cũng sẽ mong đợi một chiến lược rõ ràng hơn của Mỹ đối với Nga, đặc biệt khi ông Joe Biden sẽ có cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Thụy Sỹ, ngay sau Thượng đỉnh G7.
Cuộc họp Ngoại trưởng G7 tháng trước để trù bị cho Thượng đỉnh G7 tuần này đã gần như chỉ bàn về Trung Quốc và Nga và chắc chắn tại các hội nghị Thượng đỉnh G7, Mỹ- châu Âu và NATO trong những ngày tới, các thảo luận về Trung Quốc và Nga sẽ chiếm vị trí áp đảo trong các cuộc họp của các lãnh đạo phương Tây. Cần phải nói rõ rằng đây là hai cường quốc đang nổi lên thách thức quyền lực của Mỹ và phương Tây, xây dựng một trật tự đa cực và do đó bị Mỹ và châu Âu gắn mác “mối đe dọa”, theo góc nhìn của phương Tây.
“Mỹ-EU kiểu truyền thống” sẽ như thế nào sau 4 năm biến động dưới thời Tổng thống Trump?
Từ nhiều thập kỷ qua, trong quan hệ đồng minh chiến lược liên Đại Tây Dương, Mỹ luôn là bên chủ động, dẫn dắt còn châu Âu là bên điều chỉnh, thích ứng theo các chính sách của Mỹ. Hiện tại, về bản chất điều này vẫn chưa thay đổi, nhưng châu Âu không còn theo Mỹ một cách tuyệt đối. Điều này thể hiện rõ nhất trong cách tiếp cận với Trung Quốc. Mỹ muốn châu Âu đi theo đường lối chống Trung Quốc của Mỹ, muốn gia nhập liên minh mà Mỹ đang tạo dựng để bao vây Trung Quốc, vốn đã có các thành viên nhiệt thành nhất như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Anh, Canada. Hiện tại, châu Âu cũng đang căng thẳng với Trung Quốc, nhưng không muốn đối đầu trực diện như Mỹ.
So với Mỹ, châu Âu ở vị thế dễ bị tổn thương hơn trong quan hệ với Trung Quốc bởi khối này thiếu sức mạnh răn đe về kinh tế-quân sự cần thiết, và quan trọng hơn, nhiều nước châu Âu, đặc biệt là cường quốc số 1 - Đức có quan hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc. Vì thế, dù đang rất cứng rắn với Trung Quốc, nhiều lãnh đạo cấp cao của EU như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron… từng nhiều lần khẳng định không muốn EU bị lôi vào một cuộc chiến tranh Lạnh chia phe phái rõ ràng như quá khứ, không muốn là một phần của Liên minh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Phía Mỹ hiểu điều này nên Ngoại trưởng Mỹ, Anthony Blinken từng nói rằng “không bắt châu Âu chọn phe”. Ở đây, mối quan hệ đồng minh truyền thống, chia phe rõ rệt như trước là bất khả thi, nhất là khi châu Âu ngày càng có nhận thức mạnh mẽ hơn về “tự chủ chiến lược”.
Do đó, phía Mỹ cũng cần hiểu rằng, về lâu dài, Mỹ cần đưa ra cho châu Âu các lựa chọn thay thế, chứ không chỉ đơn giản là yêu cầu châu Âu đi theo các chính sách của mình. Câu hỏi đặt ra là nếu châu Âu hy sinh các lợi ích kinh tế của khối này với Trung Quốc thì đổi lại Mỹ sẽ đáp ứng và bù đắp những gì? Các lời lẽ tuyên bố hào nhoáng về “giá trị” hoàn toàn không đủ khả năng thay thế toàn bộ lợi ích kinh tế. Châu Âu cần một cam kết rõ ràng, có lợi ích và đặc biệt là có giá trị trong dài hạn từ phía Mỹ, vì quá khứ rạn nứt nghiêm trọng dưới thời ông Donald Trump vẫn còn rất sống động và không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong quan hệ Mỹ-Âu trong vài năm tới nếu chính quyền Mỹ thay đổi. Rủi ro với châu Âu nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng là hoàn toàn không thể loại trừ./.