Củng cố niềm tin của người dân
Chưa tới 3 ngày, 2 nghi can dọa nạt 2 cháu bé 'khóc thét', cướp iPad ở Biên Hòa đã bị bắt. Việc bắt 2 nghi can này đã giúp xã hội tin tưởng hơn vào lực lượng công an trong việc bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Đồng Nai.
Có thể khẳng định, trong vụ việc này, chính quyền, lực lượng công an của phường Long Bình Tân, Công an thành phố Biên Hòa nói riêng, Công an tỉnh Đồng Nai nói chung đã vào cuộc thật sự nhanh chóng, quyết liệt với tinh thần trách nhiệm được giao.
Lâu nay, nếu theo dõi và quan sát, nhiều người đều có chung cảm nhận rằng các vụ mất trộm, cướp giật với tài sản lớn hoặc liên quan đến án mạng thường được cơ quan công an nhanh chóng truy tìm và thường bắt được thủ phạm rất nhanh.
Tuy nhiên, các vụ việc người dân bị mất trộm hay bị đe dọa cướp tài sản nhưng không lớn hoặc không gây thương tích hoặc gây thương tích không lớn thường xảy ra tình trạng chưa được quan tâm đúng mức và có những vụ việc đã bị bỏ qua.
Trong thực tế, một lỗ thủng nhỏ có thể làm đắm một con tàu lớn, một đốm lửa nhỏ có thể gây ra một trận hỏa hoạn thiêu cháy cả khu rừng. Vì vậy, nếu những việc được coi là nhỏ này mà không giải quyết triệt để sẽ thật sự nguy hiểm; kẻ phạm tội nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và không có tính chất răn đe, cảnh báo đối với những kẻ đang nuôi ý đồ xấu.
Không biết có phải vì suy nghĩ ấy không mà trong câu chuyện này, người nhà của 2 cháu nhỏ cũng đã không trình báo cơ quan công an, đó là một điều đáng buồn. Buồn ở đây không phải là buồn vì việc người nhà không báo công an mà buồn vì niềm tin vào cơ quan công an trong việc giải quyết những vụ việc tương tự như câu chuyện này đối với người dân là không cao. Rất may, trong câu chuyện này, cơ quan công an các cấp ở Đồng Nai đã vào cuộc trách nhiệm, nhanh chóng và đã tóm gọn 2 kẻ phạm tội kia.
Nhà tâm lý học nổi tiếng Abraham Maslow đã đưa ra lý thuyết về tâm lý học được gọi là Hệ thống nhu cầu của Maslow. Nhu cầu này được mô tả theo hình dạng của một kim tự tháp với những nhu cầu cơ bản nhất, lớn nhất ở phía dưới và nhu cầu tự thể hiện và siêu việt ở phía trên. Theo đó, nhu cầu cần thiết, cơ bản nhất của con người bao gồm những nhu cầu về ăn, uống, nghỉ ngơi, nhu cầu được an toàn…
Trong bối cảnh Việt Nam vừa gánh chịu những tổn thất lớn do đại dịch Covid-19 gây ra, chắc chắn tới đây, trong đời sống xã hội sẽ xuất hiện nhiều vấn đề về an ninh trật tự, các vấn đề xã hội cần giải quyết, trong đó có thể sẽ xuất hiện nhiều hơn những vụ trộm cắp, cướp giật với tính chất ngày càng manh động, nguy hiểm hơn. Vì vậy, người dân sẽ chỉ cảm thấy an tâm khi lực lượng công an nhanh chóng truy tìm và đưa những kẻ phạm tội ra trước pháp luật.
Viết đến đây, người viết chợt nhớ câu chuyện xưa rằng Tử Cống đẩy xe cho thầy mình là đức Khổng Tử. Tử Cống hỏi thầy mình rằng một quốc gia cần phải có những điều kiện gì để bảo đảm cho sự phát triển và cường thịnh. Đức Khổng Tử trả lời cần phải có 3 điều: thứ nhất, phải có đủ lương thực cho dân ăn; thứ hai, phải có quân đội đủ mạnh để bảo vệ đất nước; thứ ba, phải có niềm tin của nhân dân.
Tử Cống hỏi tiếp thầy mình rằng, trong 3 điều ấy nếu phải bỏ một điều thì bỏ điều nào? Đức Khổng Tử nói bỏ quân đội. Tử Cống hỏi tiếp nếu bất quá phải bỏ tiếp điều thứ hai thì đó là điều kiện nào? Đức Khổng Tử nói bỏ lương thực. Đức Khổng Tử nói rằng nếu không có lương thực thì nhân dân trong nước ấy tất sẽ chết đói, song một chính quyền mà không có niềm tin của nhân dân thì chính quyền ấy khó mà tồn tại.
Việc nhanh chóng tóm gọn 2 kẻ tình nghi trong vụ đập cửa dọa nạt, cướp iPad đã mang lại hiệu ứng xã hội vô cùng lớn, làm cho người dân cảm thấy được an toàn hơn, an tâm hơn vì an ninh trật tự và an toàn xã hội được bảo đảm. Đây là cái được lớn nhất từ sự kiện này, đó là đã củng cố thêm niềm tin của người dân vào lực lượng công an!
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/cung-co-niem-tin-cua-nguoi-dan-681410/