Củng cố niềm tin vào hệ thống

Theo thống kê, sau 7 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần là khoảng 4,5 triệu người, trong đó có gần 1,3 triệu lượt người sau khi nhận một lần tiếp tục quay trở lại thị trường lao động và tham gia bảo hiểm, chiếm gần 28% tổng số lượt người nhận bảo hiểm xã hội một lần giai đoạn 2016 - 2022.

Có trên 476.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có thời gian tham gia trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên. Hơn 53.000 người đã hết tuổi lao động phải nhận bảo hiểm xã hội một lần do chưa đủ 20 năm đóng bắt buộc. Bên cạnh đó, có hơn 20.000 người khi đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng phải đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương.

Qua những "dữ liệu" này có thể thấy tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn đang là vấn đề rất lớn. Thậm chí như ý kiến của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 vừa qua thì đây là thực trạng hết sức day dứt.

Lý do dẫn đến tình trạng này, theo ông Hồi, là do người lao động chưa nhận thức được hết vai trò của bảo hiểm xã hội trong bảo đảm an sinh xã hội trong cả cuộc đời. Do người lao động có thu nhập thấp, tích lũy thấp, khi mất việc làm thì họ cần có một khoản tiền để giải quyết khó khăn trước mắt. Nguyên nhân nữa là nhiều người vẫn nghĩ hệ thống bảo hiểm không quan trọng trong tương lai...

Thực tế, dù bảo hiểm xã hội đóng vai trò rất quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội nhưng tình trạng rút một lần ngày càng gia tăng dẫn đến mức độ bao phủ an sinh ngày càng thu hẹp. Trong tương lai, ngân sách nhà nước phải chi trợ cấp xã hội nhiều hơn cho người già không hưu trí. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.

Ví dụ như trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chính phủ trình 2 phương án. Phương án 1 như luật hiện hành là cho phép rút, nhưng khi luật sửa đổi có hiệu lực sẽ không được rút. Phương án 2 là cho rút 50% số tiền người lao động đã đóng. Chia sẻ quan điểm về các phương án này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho rằng, phương án nào cũng có ưu điểm, nhược điểm, cần đánh giá thật kỹ. Thực tế, khi tham vấn người lao động có rất nhiều ý kiến khác nhau về các phương án này.

Còn trong báo cáo một số ý kiến về việc tiếp thu, giải trình dự án luật, Thường trực Ủy ban Xã hội cũng nhấn mạnh, đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Do đó cần tiếp tục đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng, bao quát nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Bên cạnh đó, tham vấn công chúng rộng rãi hơn về các phương án dự kiến sửa đổi, bổ sung.

Cần nhắc lại rằng, trong báo cáo trước khi trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã nêu các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. Đó là hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường lao động nhằm duy trì việc làm. Sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng thực sự là công cụ hiệu quả hơn.

Tăng cường phát huy hiệu quả các chính sách nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính trước mắt của người lao động như chính sách hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội… Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đóng góp tích lũy cho chế độ hưu trí khi về già. Sửa đổi các quy định nhằm phù hợp, gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Như vậy có thể thấy, những giải pháp cả trước mắt và lâu dài của cơ quan chức năng đều hướng đến mục tiêu là bảo đảm an sinh cho người lao động. Cho nên bên cạnh giải pháp cốt lõi là sửa Luật Bảo hiểm xã hội, cần có các giải pháp thiết thực nhằm tăng cường, củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống bảo hiểm xã hội.

Ninh Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/cung-co-niem-tin-vao-he-thong-i344503/