Củng cố quan hệ Đối tác chiến lược, tạo xung lực mới hợp tác kinh tế Việt Nam - Philippines
Là hai nền kinh tế đang phát triển năng động, Việt Nam-Philippines còn nhiều cơ hội để mở rộng hợp tác kinh tế thương mại, nhất là những lĩnh vực còn tiềm năng.
Cột mốc thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam - Philippines
Trong hai ngày 29 và 30/1/2024, nhận lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr. và Phu nhân sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos Jr. đến Việt Nam kể từ khi nhậm chức.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr. và Phu nhân được kỳ vọng sẽ tạo thêm xung lực mới mạnh mẽ đưa quan hệ hai nước phát triển sâu rộng và hiệu quả hơn nữa, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân cũng như đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Nhận định, đánh giá về ý nghĩa chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr. và Phu nhân tới đây, Đại sứ Philippines tại Việt Nam Meynardo Los Banos Montealegre cho rằng, đây sẽ là cột mốc trong quan hệ song phương Việt Nam - Phillipines và sẽ mở ra rất nhiều cơ hội để hai nước làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ gắn bó hữu nghị vững chắc.
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Việt Nam và Philippines thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976 và xác lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2015. Trong những năm qua, lãnh đạo cao cấp của hai nước đã có nhiều chuyến thăm, hoạt động trao đổi đoàn quan trọng như: Vào tháng 7/2022 Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự Lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.. Gần đây nhất vào tháng 11/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã thăm chính thức Philippines.
Bên cạnh các hoạt trao đổi đoàn quan trọng, từ năm 1976 đến nay, hai nước đã ký kết nhiều văn kiện quan trọng như: Hiệp định Thương mại Việt Nam - Philippines (1/1978); Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Philippines (2/1992); Hiệp định thành lập Ủy ban Hỗn hợp về Thương mại và Kinh tế Việt Nam - Philippines (2/1992); Thỏa thuận lập Ủy ban Hợp tác song phương (3/1994); Bản Thỏa thuận về Hợp tác xúc tiến Thương mại (8/2007); Chương trình Hành động Việt Nam - Philippines giai đoạn 2007-2010 (8/2007); Chương trình Hành động Việt Nam - Philippines giai đoạn 2011-2016 (10/2011)…
Cùng đó, vào ngày 30/12/2010 hai nước đã ký kết Bản ghi nhớ thương mại gạo giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Philippines giai đoạn 2011-2013; ký Nghị định thư sửa đổi gia hạn Bản ghi nhớ năm 2010 cho giai đoạn 2014-2016 vào ngày 6/1/2014; ký Nghị định thư sửa đổi Bản ghi nhớ năm 2010 bổ sung Vinafood I cùng Vinafood II thực hiện các hợp đồng gạo tập trung tại thị trường Philippines vào ngày16/11/2015, Công hàm trao đổi gia hạn đến năm 2018 (ký vào tháng 12/2016, hiệu lực đến hết 31/12/2018) (PV- những văn bản về nhập khẩu gạo đã hết hiệu lực do nước bạn cho nhập khẩu gạo tự do); Công hàm trao đổi gia hạn đến năm 2020 (ký vào ngày 11/2/2019, hiệu lực đến hết 31/12/2020). Tháng 3/2019, hai nước đã ký Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2019-2024.
Với những văn kiện hợp tác đã ký kết, thời gian qua, mối quan hệ giữa Việt Nam và Philippines phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, hợp tác thương mại là điểm sáng. Philippines hiện là đối tác thương mại đứng thứ 16 của Việt Nam trên thế giới và thứ 6 trong ASEAN (sau Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia và Singapore) và là một trong những thị trường Việt Nam xuất siêu trong những năm gần đây.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Philippines đạt 7,8 tỷ USD, giảm 0,1% so với năm 2022, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Philippines đạt hơn 5,1 tỷ USD, tăng 1%. Nhập khẩu của Việt Nam từ Philippines đạt 2,7 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Các nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Philippines bao gồm: Gạo (đạt 1,8 tỷ USD, tăng 17,6%); Clanhke và xi măng (đạt 358,3 triệu USD, giảm 1,2%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (đạt 352,1 triệu USD, giảm 22%); Phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 221 triệu USD, tăng 65,7%); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 193,7 triệu USD, tăng 3.2%); Điện thoại các loại và linh kiện (đạt 153,2 triệu USD, giảm 25,9%); Cà phê (đạt 152,9 triệu USD, tăng 7,8%); Hàng thủy sản (đạt 133,9 triệu USD, tăng 9,5%); Hàng dệt, may (đạt 125,9 triệu USD, giảm 9,7%); Sắt thép các loại (đạt 111,4 triệu USD, giảm 64,8%); Giày dép các loại (đạt 104,7 triệu USD, tăng 40,2%); Xơ, sợi dệt các loại (đạt 82,7 triệu USD, giảm 16%); Sản phẩm hóa chất (đạt 79,2 triệu USD, giảm 7,7%); Dây điện và dây cáp điện (đạt 71,8 triệu USD, giảm 6,4%); Sản phẩm từ chất dẻo (đạt 60,8 triệu USD, giảm 13,9%); Kim loại thường khác và sản phẩm (đạt 60,2 triệu USD, giảm 25,7%); Xăng dầu các loại (đạt 59,6 triệu USD, tăng 5139%....
Về nhập khẩu, trong năm 2023 nhập khẩu từ Philippines của Việt Nam đạt 2,7 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, các nhóm hàng nhập khẩu chính bao gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 1,6 tỷ USD, giảm 6,6%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (đạt 277,7 triệu USD, giảm 0,6%); Kim loại thường khác (đạt 174,3 triệu USD, tăng 8,4%); Dây điện và dây cáp điện (đạt 88,9 triệu USD, tăng 75%); Linh kiện, phụ tùng ô tô (đạt 20,1 triệu USD, tăng 2,2%); Thức ăn gia súc và nguyên liệu (đạt 16,9 triệu USD, giảm 12,5%); Sản phẩm từ chất dẻo (đạt 15,8 triệu USD, tăng 28,4%); Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc (đạt 15 triệu USD, tăng 13,5%); Phân bón các loại (đạt 14,4 triệu USD, giảm 14,4%); Chất dẻo nguyên liệu (đạt 13,3 triệu USD, giảm 60,2%); Chế phẩm thực phẩm khác (đạt 11,5 triệu USD, giảm 46,3%); Sản phẩm hóa chất (đạt 10 triệu USD, giảm 33,7%)...
Trên đà phát triển tích cực đó, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Philippines Lại Thái Bình cho rằng, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước còn rất nhiều dư địa. Bên cạnh các mặt hàng, lĩnh vực truyền thống như: Gạo, cà phê, hạt tiêu... hai nước có thể hướng tới việc mở cửa thị trường các mặt hàng tiềm năng khác của nhau như: Rau xanh, hoa quả tươi, thủy hải sản... Hai bên phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt 10 tỷ USD, trong đó coi trọng thương mại gạo. Đồng thời tăng cường thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp hai nước tìm hiểu cơ hội, mở rộng đầu tư tại thị trường của nhau.
Coi trọng thương mại gạo
Cũng theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, những năm gần đây, Philippines tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines đạt 1 tỷ USD, tương đương với 2,2 triệu tấn gạo, chiếm 65% tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam ra thế giới.
Đến năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines đạt 1,3 tỷ USD, tương đương với 2,5 triệu tấn, tăng 18,5% về kim ngạch và 10,7% về lượng so với năm 2020, qua đó tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.
Tiếp đến, sang năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines đạt 1,49 tỷ USD, tương đương với 3,2 triệu tấn, tăng 19% về kim ngạch và 30,7% về lượng so với năm 2020. Philippines tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Gạo Việt Nam chiếm 85% thị phần nhập khẩu gạo của Philippines.
Trong năm 2023, Philippines nhập khẩu khoảng 3,6 triệu tấn gạo, trong đó có đến 3,1 triệu tấn nhập khẩu từ Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,8 tỷ USD, tăng 17,6% về kim ngạch và giảm 2,5% về lượng so với cùng kỳ năm 2022. Những con số trên cho thấy vị thế và vai trò chiến lược của Việt Nam trong bảo đảm an ninh lương thực của nước bạn.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines Phùng Văn Thành cho biết, gạo là mặt hàng thiết yếu tại Philippines. Philippines nhập 3,5-4 triệu tấn/năm, năm 2024 cũng sẽ tương đương vậy.
Theo ông Thành, dư địa thị trường Philippines còn lớn để Việt Nam có thể khai thác tiếp. Các nhà xuất khẩu Việt Nam cần giữ thị trường Philippines bên cạnh mở rộng thị trường mới. Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Philippines, Tham tán Thương mại Phùng Văn Thành cho rằng, các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhất là sản phẩm gạo cần chú trọng công tác xây dựng thương hiệu ngành hàng, thương hiệu sản phẩm.
Là hai nền kinh tế đang phát triển năng động tại khu vực, hai nước Việt Nam - Philippines có nhiều nét tương đồng về quy mô dân số, trình độ phát triển, đặc điểm văn hóa và thị hiếu người tiêu dùng, có thế mạnh trong sản xuất mang tính bổ sung cho nhau, do vậy, hai nước hiện còn rất nhiều cơ hội để mở rộng hợp tác về kinh tế thương mại nói chung cũng như các sản phẩm nông nghiệp nói riêng.