CỦNG CỐ QUAN HỆ HỢP TÁC TOÀN DIỆN, SÂU RỘNG GIỮA NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG HAI NƯỚC VIỆT NAM - LÀO
Tại cuộc làm việc với Phó Chủ tịch Quốc hội cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Lào, báo cáo tình hình hợp tác giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng và dành mọi ưu tiên trong củng cố và tăng cường quan hệ truyền thống với Ngân hàng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Phó Chủ tịch Quốc hội Lào: Không ngừng vun đắp quan hệ hai quốc hội tương xứng với quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào
Năm 2022 đánh dấu 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (05/9/1962-05/9/2022), 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào (18/7/1977 – 18/7/2022), đây cũng là năm được hai nước thống nhất lựa chọn là Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào. Mối quan hệ gắn bó bền chặt giữa hai nước được thể hiện trên nhiều phương diện từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thương mại, an ninh – quốc phòng, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Từ nhiều năm qua, ngân hàng trung ương hai nước đã thiết lập cơ chế hợp tác chặt chẽ và hiệu quả. Định kỳ hàng năm, ngân hàng trung ương hai nước tổ chức Hội nghị song phương ở cấp Thống đốc để chia sẻ kinh nghiệm về điều hành chính sách tiền tệ, quản lý, giám sát khu vực ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô cũng như định hướng kế hoạch của hai ngân hàng trung ương trong thời gian tiếp theo. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát để hỗ trợ chống chịu với các tác động tiêu cực của đại dịch và phục hồi tăng trưởng kinh tế với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Tại cuộc làm việc với Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Lào, báo cáo tình hình hợp tác giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng và dành mọi ưu tiên trong củng cố và tăng cường quan hệ truyền thống với Ngân hàng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Hai ngân hàng trung ương đã thiết lập khuôn khổ hợp tác toàn diện, sâu rộng với thông qua việc ký kết các văn bản hợp tác trên hầu hết các lĩnh vực nghiệp vụ của hai bên, cụ thể gồm: Hiệp định Thanh toán (năm 2007); Bản Ghi nhớ về trao đổi thông tin thanh tra giám sát ngân hàng (năm 2008); Bản Ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực Phòng chống rửa tiền (năm 2011); Bản Ghi nhớ hợp tác về hỗ trợ đào tạo giữa Học viện Ngân hàng của Việt Nam và Học viện Ngân hàng Lào (năm 2015); Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Nhà máy In tiền Quốc gia Việt Nam và Nhà máy In tiền Ngân hàng Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (năm 2015); Bản Ghi nhớ về Hợp tác chung (năm 2017); Bản ghi nhớ về hợp tác trao đổi thông tin tín dụng giữa Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) và Ngân hàng Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (năm 2019); Bản ghi nhớ về Hợp tác đào tạo giữa Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh và Học viện Ngân hàng Lào (năm 2019); Bản ghi nhớ hợp tác các nhiệm vụ trọng tâm ngành ngân hàng giai đoạn 2019-2024 giữa Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (năm 2019).
Trong đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà nêu rõ, Bản Ghi nhớ về trao đổi thông tin thanh tra giám sát ngân hàng ký năm 2008 chỉ giới hạn phạm vi hợp tác về trao đổi thông tin, chưa bao gồm khuôn khổ hợp tác trong quá trình thực hiện thanh tra các hiện diện xuyên biên giới của các tổ chức tín dụng Việt Nam tại Lào và ngược lại. Vì vậy, đơn vị đầu mối của hai Ngân hàng Trung ương đã thống nhất việc xây dựng dự thảo Bản ghi nhớ về hợp tác và trao đổi thông tin thanh tra, giám sát ngân hàng thay thế Bản ghi nhớ ký năm 2008. Hiện, đơn vị đầu mối của hai bên đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục nội bộ của mỗi bên để báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hai nước phê duyệt việc ký kết.
Đối với các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ các Bản ghi nhớ đã ký, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, quan hệ hợp tác giữa hai ngân hàng trung ương luôn được duy trì chặt chẽ thông qua các hoạt động: tổ chức hội nghị cấp cao, trao đổi đoàn ở cấp kỹ thuật, cử chuyên gia tư vấn, tiếp nhận cán bộ thực tập, tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo chuyên ngành, tổ chức giao lưu văn hóa thể thao với các nội dung phong phú và thiết thực, tạo điều kiện cho các cán bộ ngân hàng trung ương hai nước trao đổi về chuyên môn và có cơ hội gắn bó, hỗ trợ nhau.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã và đang tư vấn cho Chính phủ Lào trong lĩnh vực Ngân hàng, cụ thể, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ Lào và Ngân hàng Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Tổ chuyên gia do Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm Tổ trưởng để cùng tổ chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành tư vấn cho Chính phủ Lào về kinh tế vĩ mô. Thông qua các Đoàn Công tác của Tổ Chuyên gia Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tham gia vào quá trình xây dựng và hoàn thiện “Báo cáo nhanh thực trạng kinh tế vĩ mô Lào: Một số vấn đề và giải pháp” của Tổ Chuyên gia Việt Nam (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đầu mối tổng hợp) gửi Tổ Chuyên gia Lào tháng 5/2019; gửi Báo cáo “Lào: Một số vấn đề nổi lên trong quản lý tiền tệ, ngoại hối và kiến nghị giải pháp” (tháng 9/2019) để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp vào Đề án “Những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô tạo nền tảng tăng trưởng bền vững cho Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào đến năm 2025” và Báo cáo “Một số giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô cho Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và các biện pháp thi hành” trình Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thông qua để gửi Chính phủ Lào.
Về hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho Ngân hàng Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hàng năm, triển khai các Bản Ghi nhớ đã ký kết, trên cơ sở nhu cầu của Ngân hàng Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Ngân hàng Nhà nước đã tôe chức nhiều đợt chia sẻ kinh nghiệm tại Việt Nam và Lào. Trong năm 2021, do không thể thực hiện trao đổi đoàn trực tiếp, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 04 tọa đàm trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm về nghiệp vụ thanh toán của ngân hàng trung ương, quản lý tài chính kế toán ngân hàng trung ương, nghiệp vụ quản lý tài sản của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và kinh nghiệm xây dựng chính sách tỷ giá của Ngân hàng nhà nước.
Ngoài ra, chia sẻ về hoạt động của các tổ chức tín dụng Việt Nam tại Lào, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, các tổ chức tín dụng Việt Nam có hiện diện tại Lào đều khẳng định được vị thế của mình tại thị trường Lào và có những đóng góp đáng kể vào việc phát triển kinh tế Lào cũng như có những đóng góp tích cực vào hoạt động an sinh xã hội và góp phần phát triển mối quan hệ truyền thống hữu nghị đặc biệt giữa 2 nước Việt Nam và Lào trong thời gian vừa qua.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng lớn do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng các Ngân hàng thương mại Việt Nam tại Lào vẫn tiếp tục duy trì hoạt động ổn định và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế mà Chính phủ, Đảng và Nhà nước Việt Nam giao phó, đồng thời tích cực hỗ trợ Chính phủ Lào ứng phó với tác động bất lợi của đại dịch Covid-19, đóng góp không nhỏ vào mối quan hệ bền chặt, gắn bó giữa hai nước.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=66766