Củng cố tam giác Mỹ - Nhật - Hàn bên lề G7
Mặc dù không phải thành viên của Nhóm các nước phát triển G7 nhưng Hàn Quốc sẽ tham dự với tư cách khách mời và có cuộc họp cấp cao quan trọng với Nhật Bản và Hàn Quốc bên lề G7 tại Hiroshima vào cuối tuần này.
Đây sẽ là cơ hội để nhấn mạnh tình đoàn kết ngày càng tăng của ba nước, cũng như cam kết chung của họ đối với an ninh khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, các nhà phân tích cho rằng, Nhật Bản sẽ quan tâm đến việc tham gia vào nhóm cố vấn hạt nhân lâu đời Mỹ - Hàn Quốc và điều này rất có thể dẫn tới việc mở rộng Tuyên bố Washington.
Mắt xích yếu trong liên minh ba bên được củng cố
Phần lớn thời gian của cuộc họp ba bên kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ ngày 19.5, chắc chắn sẽ diễn ra với những cái bắt tay và những lời có cánh khẳng định sự ủng hộ lẫn nhau trước những thách thức an ninh ở khu vực mà cả ba nước cùng quan tâm như sự trỗi dậy của Trung Quốc hay vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên
Đây sẽ là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Joe Biden thấy nhẹ nhõm khi các đối tác an ninh thân cận nhất của Washington ở Đông Bắc Á một lần nữa hòa thuận với nhau thay vì đứng ở hai chiến tuyến.
Phải nói là từ năm 2018 cho đến gần đây, ý tưởng về một cơ chế hơp tác ba bên Mỹ - Nhật - Hàn thường bị cho là không mấy hiệu quả do quan hệ không thuận thảo giữa Seoul và Tokyo, mặc dù hợp tác của từng nước với Mỹ đều rất tốt. Tuy nhiên, từ khi lên làm tổng thống Hàn Quốc vào giữa năm ngoái, ông Yoon Suk Yol đã chủ động cải thiện quan hệ với Nhật Bản, qua đó củng cố điều có thể gọi là mắt xích yếu trong liên minh giữa Washington, Tokyo và Seoul.
Không phải là ngẫu nhiên mà từ sau ngày ông Yoon Suk Yol lên cầm quyền tại Seoul, Hoa Kỳ đã liên tiếp thúc đẩy việc hình thành cơ chế hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn, đánh dấu bằng cuộc họp cấp ngoại trưởng của ba nước ngày 22.9.2022 bên lề khóa họp của Đại hội đồng LHQ tại New York, và đặc biệt sau đó là Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị liên quan tại Phnom Penh, Campuchia.
Không chỉ có Mỹ là quan tâm đến việc phát huy liên minh ba bên Mỹ Nhật Hàn, mà cả hai nước đồng minh trong nhóm cũng rất tâm đắc với công cuộc hợp tác này, đặc biệt về hiệu quả đối phó với mối đe dọa Bắc Triều Tiên.
Và trong khi mối quan hệ giữa Seoul và Tokyo chắc chắn đã được cải thiện trong 14 tháng kể từ khi ông Yoon trở thành Tổng thống, thì những khác biệt trong lập trường về lịch sử vẫn tiếp tục ám ảnh mối quan hệ giữa hai nước cũng như là sức ép chính đối với hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản đối với dư luận trong nước. Thế nhưng, Tổng thống Hàn Quốc Yoon từng kết luận rằng: “Thật vô nghĩa khi cứ tiếp tục giữ chân Nhật Bản trong đống than lịch sử” trong khi mối nguy hiểm trước mắt đến từ các nhân tố khác trong khu vực.
Ông Jeff Kingston cho biết, với mong muốn xây dựng lại quan hệ với Nhật Bản, ông Yoon đã nỗ lực hết mình và chắc chắn kỳ vọng vào các động thái hòa giải có đi có lại nhiều hơn từ phía Nhật Bản, mặc dù cho đến nay, Thủ tướng Fumio Kishida vẫn chưa thể hiện rõ “trái tim ông đau đớn” như thế nào khi ông nghĩ đến sự đau khổ của người Hàn Quốc dưới 35 năm đô hộ của Nhật Bản, điều mà ông phát biểu trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc hồi đầu tháng 5 vừa qua.
Nhiều khả năng Thủ tướng Nhật Bản Kishida Funio sẽ nhân cuộc gặp 3 bên lần này để bày tỏ sự tiếc nuối đó. Dự kiến, ông và Tổng thống Yoon cũng sẽ cùng tới thăm một đài tưởng niệm các nạn nhân người Triều Tiên trong vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima năm 1945. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Hàn Quốc tới thăm địa điểm này.
Ông Kingston cho rằng, điều quan trọng không chỉ là làm yên lòngWashington về mắt xích yếu nhất trong tam giác quan hệ, mà đó còn là “thống điệp gửi tới Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên, rằng ba quốc gia có chung quan điểm và đang hành động đoàn kết, thống nhất”. “Có thể có những bất đồng trong các cuộc thảo luận ở hậu trường, nhưng trước công chúng, họ sẽ thể hiện sự thống nhất về các mối đe dọa an ninh trong khu vực”.
Một quan chức cấp cao Hàn Quốc cho biết, nhiều khả năng lãnh đạo ba nước sẽ đưa ra Tuyên bố chung về những tiến bộ đạt được, kết quả hợp tác và hướng đi trong tương lai, thay vì ký một thỏa thuận mới. Tuyên bố có thể bao gồm tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin tình báo, phát triển khả năng phòng thủ tên lửa lớn hơn, nhu cầu hợp tác để đảm bảo chuỗi cung ứng và phát triển các vi mạch thế hệ tiếp theo, và bảo vệ các công nghệ tiên tiến như vậy.
Khả năng mở rộng Tuyên bố Washington
Các nhà quan sát cũng dự đoán rằng cuộc gặp ba bên trước hội nghị thượng đỉnh chính có khả năng chứng kiến việc mở rộng Tuyên bố song phương Washington – được ký khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Biden tại thủ đô của Mỹ hồi tháng 4 – thành một Tuyên bố ba bên.
Trong tuyên bố Washington, có hai nội dung quan trọng đặc biệt quan trọng là: Thứ nhất, Mỹ và Hàn Quốc công bố việc thành lập một nhóm tham vấn hạt nhân mới nhằm tăng cường răn đe mở rộng, thảo luận hoạch định chiến lược và hạt nhân, và quản lý mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Và thứ hai, Tổng thống Biden tái khẳng định cam kết vững chắc và lâu dài của Mỹ đối với Hàn Quốc và khẳng định, mọi cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Hàn Quốc sẽ bị đáp trả một cách nhanh chóng và quyết đoán. Ông Biden cũng nhấn mạnh cam kết răn đe mở rộng của Mỹ đối với Hàn Quốc được hỗ trợ bởi các năng lực của Mỹ bao gồm cả hạt nhân.
Ông Ryo Hinata-Yamaguchi, trợ lý giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Tokyo, cho biết ông sẽ đặc biệt chú ý đến khả năng mở rộng nhóm tham vấn hạt nhân Mỹ-Hàn về các vấn đề hạt nhân để nhóm này sẽ bao gồm cả Nhật Bản.
Ông nói: “Vẫn còn một số khoảng cách nhưng tôi nghĩ rằng Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây đã làm rất tốt trong việc sắp xếp lại mối quan hệ của họ cũng như định hình lại vị trí của họ trong tam giác chiến lược với Mỹ. Giờ đây, hai nước sẽ thực sự làm việc với nhau để biến các ý tưởng đã được thống nhất thành hành động, và sau đó duy trì thúc đẩy điều đó trong tương lai, cho dù là chia sẻ thông tin và tình báo, thiết lập các giao thức an ninh, phòng thủ tên lửa hay các lĩnh vực khác”.
Ông Hinata-Yamaguchi cho biết, mặc dù vẫn còn "sự thiếu tin tưởng" nhất định giữa ba chính phủ, khi Nhật Bản lo ngại chính quyền của Tổng thống Yoon có thể sẽ bị thay thế bởi một chính phủ khác thù địch với Tokyo; cũng như có những lo ngại ở Đông Á rằng Tổng thống Biden có thể không tiếp tục tại nhiệm sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm tới. Tuy nhiên, ông Hinata-Yamaguchi dự đoán rằng các cuộc thảo luận của ba nhà lãnh đạo cũng sẽ bao gồm vấn đề hậu cần và nhu cầu thiết lập một thỏa thuận để các lực lượng vũ trang của họ có thể hợp tác dễ dàng hơn, cùng với nhu cầu phát triển các khả năng chiến tranh mạng hiệu quả hơn nữa.
“Tất cả những điều này đều quan trọng theo cách riêng của họ, nhưng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ xem liệu họ có muốn mời Nhật Bản tham gia vào nhóm tư vấn hạt nhân được thành lập trong chuyến thăm Mỹ vừa qua của Tổng thống Hàn Quốc hay không”.
Ông nói, Tokyo đã không công khai thúc đẩy việc gia nhập, nhưng ông tin rằng sẽ có nhiều người quan tâm đến những gì Nhật Bản hiện đang có dưới chiếc ô hạt nhân của Hoa Kỳ”. “Theo nhiều cách, có thể ba Chính phủ sẽ nhận thấy việc mở rộng thành một thỏa thuận ba bên là hợp lý hơn thay vì tồn tại hai thỏa thuận song phương”, ông nói thêm.