Củng cố thế trận lòng dân trên địa bàn Tây Bắc
Phong trào 'Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát' không chỉ là hành động mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, mà còn là minh chứng sinh động cho tinh thần 'Vì nhân dân phục vụ' của lực lượng vũ trang. Với sự vào cuộc quyết liệt, chủ động của LLVT Quân khu, hàng chục nghìn căn nhà đã được khởi công, hoàn thành trong thời gian ngắn, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, thắt chặt mối quan hệ máu thịt quân – dân, củng cố nền tảng thế trận lòng dân vững chắc ngay từ cơ sở.

Dân quân xã Phiêng Cằm, tỉnh Sơn La tham gia xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Chủ trương đúng, hiệu quả rõ rệt
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 84/CĐ-TTg ngày 8/6/2025 về việc đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã kịp thời cụ thể hóa thành mệnh lệnh hành động. Các cơ quan, đơn vị LLVT Quân khu xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2025, gắn với công tác dân vận, huấn luyện hành quân dã ngoại và xây dựng cơ sở địa phương vững mạnh toàn diện.
Tính đến đầu tháng 7/2025, LLVT Quân khu đã tham gia hỗ trợ ngày công cùng với địa phương và các lực lượng xây dựng mới 31.955 căn nhà, sửa chữa 11.591 căn nhà, tổng trị giá hơn 2.265 tỷ đồng. Riêng các đơn vị trực thuộc Quân khu đã huy động hơn 40.000 lượt cán bộ, chiến sĩ thường trực, dân quân tự vệ, đóng góp trên 75.000 ngày công, trị giá tương đương 18,7 tỷ đồng; một số đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch và tham gia hỗ trợ có hiệu quả như Bộ CHQS tỉnh Sơn La, Điện Biên, Sư đoàn 316… Ngoài ra, Quân khu còn hỗ trợ xây dựng 54 nhà chính sách, tình nghĩa và đại đoàn kết cho các đối tượng.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, Phó Chính ủy Quân khu chia sẻ: Chúng tôi không chỉ tổ chức cho bộ đội hành quân đến với dân, mà còn giúp dân bằng cả tấm lòng và tinh thần trách nhiệm cao nhất. Mỗi mái nhà hoàn thành là một điểm tựa để củng cố niềm tin Nhân dân, là “pháo đài lòng dân” trong thế trận quốc phòng toàn dân tại khu vực chiến lược Tây Bắc.
Sơn La – điển hình hoàn thành sớm và toàn diện
Trên địa bàn Quân khu, tỉnh Sơn La là địa phương đầu tiên hoàn thành toàn bộ kế hoạch xóa nhà tạm. Cụ thể, tỉnh đã xây dựng 3.058 căn nhà (2.653 căn xây mới, 405 căn sửa chữa), vượt tiến độ trước thời hạn 169 ngày so với mốc 31/8/2025. Thành công này là kết quả của sự chỉ đạo sát sao từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và vai trò chủ công của Bộ CHQS tỉnh Sơn La.
Đại tá Chu Văn Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Sơn La cho biết: Ngay từ khi triển khai, chúng tôi đã xác định xóa nhà tạm không chỉ là nhiệm vụ an sinh xã hội, mà là cơ hội để LLVT tỉnh thể hiện vai trò, trách nhiệm với Nhân dân. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ CHQS tỉnh phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, chia theo cụm xã, cụm bản để tổ chức lực lượng giúp dân làm móng, vận chuyển vật liệu, giám sát thi công. Chính sự gắn bó, đồng hành ấy đã giúp Sơn La hoàn thành toàn diện, đúng tiến độ, không có căn nhà nào để lại phía sau.
Theo thống kê của tỉnh, tổng kinh phí thực hiện trên địa bàn đạt hơn 171 tỷ đồng, trong đó có hơn 20,4 tỷ đồng do Tập đoàn Xuân Thiện hỗ trợ xây dựng 340 căn nhà. Đặc biệt, gần 5.000 ngày công của bộ đội, dân quân tự vệ, các tổ chức đoàn thể và người dân địa phương đã được huy động, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, lan tỏa mạnh mẽ.
Từ mái ấm nghĩa tình đến thế trận lòng dân vững chãi
Phong trào xóa nhà tạm tại tỉnh Sơn La không chỉ đạt hiệu quả về số lượng, chất lượng, mà còn để lại những hình ảnh cảm động về tình quân dân gắn bó, sẻ chia. Tại xã Tô Múa là địa bàn vùng cao còn nhiều khó khăn – nhiều hộ gia đình đã được lực lượng dân quân, bộ đội hỗ trợ từ khâu tháo dỡ nhà cũ đến đổ móng, dựng khung, hoàn thiện nhà mới.
Anh Đỗ Văn Phóng, bản Liên Hưng, xã Tô Múa kể lại: “Khi nghe tin vợ chồng bà Trần Thị Thật và ông Nguyễn Hữu Cường được Nhà nước hỗ trợ làm nhà, cả bản ai cũng mừng. Không cần nhờ, sáng ra ai đến sớm thì 6h, ai muộn thì 7h, mọi người cùng góp công, chuyển gạch, vữa. Có hôm tối mịt mới nghỉ. Không khí như ngày hội, ai cũng thấy ấm lòng.”
Các hoạt động bàn giao nhà mới được tổ chức trang trọng nhưng gần gũi, mang đậm nét truyền thống cộng đồng. Bà con mang theo măng rừng, thịt gác bếp, nếp nương để nấu cơm, gói bánh, chia vui với hộ gia đình. Những mái nhà mới không chỉ mang lại chỗ ở khang trang, an toàn, mà còn tiếp thêm động lực vươn lên thoát nghèo cho hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Không chỉ ở Sơn La, tại các địa phương như Lai Châu, Tuyên Quang… hàng trăm tổ công tác hành quân dã ngoại đã được hình thành, kết hợp giữa huấn luyện – dân vận – xây dựng cơ sở. Cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu đã để lại dấu ấn sâu sắc bằng sự tận tụy, trách nhiệm, lấy việc giúp dân làm tiêu chí rèn luyện phẩm chất, đạo đức người quân nhân cách mạng trong thời bình. Kết quả xóa nhà tạm đã tạo tiền đề vững chắc để các địa phương và các đơn vị LLVT Quân khu tiếp tục củng cố “thế trận lòng dân” trong giai đoạn mới.
Tại hội hội nghị đánh giá kết quả triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát của Quân đội năm 2025 do Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tổ chức, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái đề nghị, thời gian tới các đơn vị trực thuộc Quân khu tiếp tục nắm chắc tình hình địa bàn, kịp thời phát hiện những hộ khó khăn mới sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đề xuất phương án hỗ trợ kịp thời. Cùng với đó, các đơn vị cần lồng ghép công tác dân vận vào huấn luyện, hành quân dã ngoại, đẩy mạnh truyền thông về hiệu quả phong trào, giới thiệu mô hình tiêu biểu, cá nhân điển hình. Việc xây dựng nhà ở cho hộ nghèo cần được kết hợp với hướng dẫn phát triển sinh kế bền vững, giúp bà con ổn định cuộc sống lâu dài.