Củng cố tổ chức cơ sở đảng địa bàn khó khăn, đặc thù

Khảo sát tại một số tỉnh vùng Tây Bắc, cùng tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa cho thấy các cấp ủy nhiều địa phương đã và đang tập trung, dồn sức cho việc củng cố tổ chức cơ sở đảng (TCCSÐ) địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng đông đồng bào dân tộc, giáo dân, một số địa bàn ven biển... được gọi là địa bàn khó khăn, đặc thù.

Già làng Bàn Văn Chiêu (xóm Dướng, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) mở lớp dạy chữ Dao, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống. Ảnh: VIỆT KHOA

Già làng Bàn Văn Chiêu (xóm Dướng, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) mở lớp dạy chữ Dao, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống. Ảnh: VIỆT KHOA

Khảo sát tại một số tỉnh vùng Tây Bắc, cùng tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa cho thấy các cấp ủy nhiều địa phương đã và đang tập trung, dồn sức cho việc củng cố tổ chức cơ sở đảng (TCCSÐ) địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng đông đồng bào dân tộc, giáo dân, một số địa bàn ven biển... được gọi là địa bàn khó khăn, đặc thù.

Cùng với thành tựu nổi bật trong công tác xây dựng đảng, thực tế đang đặt ra yêu cầu cao, mang tính cấp thiết trong củng cố TCCSÐ và phát triển đảng viên tại các địa bàn này...

Lượng và chất

"Từ nhiều diễn đàn của Trung ương và các tỉnh Tây Bắc, khẳng định TCCSÐ cùng đội ngũ đảng viên các đảng bộ vùng Tây Bắc về cơ bản hoàn thành vai trò lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước góp phần phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, xét về thực tế và yêu cầu lâu dài, quá trình xây dựng TCCSÐ tại nhiều địa bàn vẫn còn hạn chế, bất cập.

Trước thực tế đó, nhiều tỉnh trong vùng như Lào Cai, Ðiện Biên, Hòa Bình, các huyện phía tây của hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An... đã nỗ lực tập trung tạo nguồn và kết nạp đảng viên mới, nhất là tại các thôn, bản vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiều số, đồng bào có đạo. Các cấp ủy vào cuộc với nhiều giải pháp nhằm sớm khắc phục tình trạng thôn, bản "trắng đảng viên", chi bộ dân cư sinh hoạt ghép.

Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Ðề án số 01-ÐA/TU (ngày 10-8-2016) về "Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ đến năm 2020" và triển khai đồng bộ, sâu rộng trong toàn Ðảng bộ. Theo đó, các cấp ủy đảng thuộc đối tượng Ðề án có chương trình lãnh đạo phát triển đảng viên mới. Các giải pháp của tỉnh bảo đảm mục tiêu đến năm 2020: Có hơn 50% xóm chưa có đảng viên, chưa có chi bộ kết nạp được đảng viên mới; giảm 50% số xóm chưa có chi bộ và 50% số xóm có nguy cơ không còn chi bộ. Thực hiện Ðề án, mỗi năm tỉnh Nghệ An kết nạp đảng viên bình quân tăng so trước đây từ 350 đến 500 đồng chí/năm. Huyện Quỳnh Lưu là một trong ba đơn vị được Tỉnh ủy chọn làm điểm để triển khai Ðề án 01 (cùng với các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên). Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳnh Lưu, Lê Xuân Kiên chia sẻ: Hiện nay, điều quan trọng nhất trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở là việc phát triển đảng viên tại chỗ để các xóm đều có đảng viên và thành lập chi bộ độc lập, bảo đảm vai trò hạt nhân lãnh đạo ở cấp này. Trước nguy cơ tại ba bản trắng đảng viên, hai năm qua, các TCCSÐ huyện Quỳnh Lưu đã phát hiện, bồi dưỡng nhận thức về Ðảng được 16 đoàn viên, quần chúng ưu tú, đã kết nạp được 10 đồng chí. Hiện nay, các cấp ủy tiếp tục bồi dưỡng, rèn luyện bốn quần chúng ưu tú đưa vào danh sách cảm tình Ðảng, nhằm tạo nguồn kết nạp đảng viên trong thời gian tới. Tình trạng các thôn, bản của huyện có nguy cơ không còn chi bộ đã được khắc phục.

Nhiệm kỳ trước, tỉnh Hòa Bình còn 82 chi bộ sinh hoạt ghép. Sau nhiều năm cố gắng, hiện nay chỉ còn 23 chi bộ khu dân cư sinh hoạt ghép.

Những năm gần đây, Thanh Hóa cơ bản "phủ kín" chi bộ ở các thôn, bản thuộc 11 huyện miền núi của tỉnh. Phó Bí thư Ðảng ủy xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa Nguyễn Văn Bốn, cho biết: Qua hàng chục năm từ khi thành lập, thôn Ðồng Ðiều vẫn chưa có đảng viên, chi bộ. Trước thực trạng trên, ngày 26-3-2017, Ðảng bộ huyện Hoằng Hóa chỉ đạo Ðảng ủy xã tăng cường ba đảng viên là cán bộ xã để thành lập chi bộ thôn Ðồng Ðiều. Trao đổi về nhiệm vụ này, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trần Quốc Huy chia sẻ: Các cấp ủy trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo việc phát triển đảng viên mới tại vùng miền núi, dân tộc, miền biển. Quá trình sáp nhập hàng nghìn thôn, bản trong toàn tỉnh hai năm qua đã góp phần nâng cao đồng đều số lượng, chất lượng đảng viên và TCCSÐ địa bàn khó khăn, đặc thù. Tuy nhiên, việc xóa "trắng đảng viên" và xóa "ghép chi bộ" ở thôn, bản ở tỉnh chưa thật sự bền vững.

Ðầu nhiệm kỳ 2010-2015, Ðảng bộ tỉnh Lào Cai còn 523 thôn, bản sinh hoạt chi bộ ghép, 12 thôn, bản chưa có đảng viên. Vai trò của tổ chức đảng ở nhiều nơi mờ nhạt... Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU lãnh đạo công tác phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ độc lập ở thôn, bản. Qua bốn năm thực hiện Nghị quyết, đảng bộ tỉnh kết nạp được 3.426 đảng viên ở thôn, bản nâng tổng số đảng viên khu vực này đạt 13.714 đồng chí, chiếm gần 34% số đảng viên toàn tỉnh: Trong đó, tỷ lệ phụ nữ đạt xấp xỉ 40%; dân tộc thiểu số chiếm gần 36%; có gần 58% đảng viên mới kết nạp từ 18 đến 30 tuổi... Ðảng bộ tỉnh đã thành lập mới 751 chi bộ ở thôn, bản. Một số đảng bộ có số lượng chi bộ độc lập ở thôn tăng cao như các huyện Bảo Yên tăng tới 140 chi bộ, Văn Bàn tăng 124 chi bộ, Bắc Hà tăng 116 chi bộ. Hai năm trước, tỉnh Lào Cai đã đạt mục tiêu toàn bộ 1.700 thôn, bản có chi bộ độc lập.

Bên cạnh kết quả đáng khích lệ, công tác phát triển TCCSÐ và kết nạp đảng viên mới địa bàn khó khăn, đặc thù vùng Tây Bắc vẫn còn những hạn chế. Cơ cấu và chất lượng đảng viên mới ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu.

Trao đổi về vấn đề này, các đồng chí lãnh đạo nhiều tỉnh có chung nhận xét: Tính bền vững của một số chi bộ thôn, bản, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa chưa cao, số lượng đảng viên ít biến động. Tại Nghệ An, các huyện có thôn, bản nguy cơ tái "trắng" chi bộ cao như Anh Sơn 20 chi bộ, Nghĩa Ðàn 9 chi bộ... Tại một số huyện miền núi khác, chất lượng sinh hoạt, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các TCCSÐ vẫn còn hạn chế, bất cập.

Quá trình dịch chuyển nhanh nguồn lao động giữa các vùng, thành phần kinh tế khiến việc tạo nguồn phát triển đảng ở khu dân cư, thôn, bản ngày càng khó khăn. Một số đảng viên ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tôn giáo rời quê hương đi làm ăn xa, xin thôi hoặc bỏ sinh hoạt Ðảng nên nguy cơ tái "trắng" đảng viên, chi bộ còn cao. Tại nhiều đảng bộ, tỷ lệ đảng viên từ 51 tuổi trở lên đang chiếm trên dưới 30%. Hiện, Lào Cai có 11.311 đảng viên từ 51 đến hơn 60 tuổi, chiếm 25,5% số đảng viên toàn Ðảng bộ. Số đảng viên hơn 61 tuổi, xin miễn sinh hoạt Ðảng vì lý do tuổi cao, sức yếu tăng. Theo Phó Bí thư Ðảng ủy thị trấn Sa Pa Hồ Sĩ Hải, Ðảng bộ thị trấn hiện có hơn 50% số đảng viên là cán bộ hưu trí xin miễn sinh hoạt. Ðây là một nguyên nhân khiến năng lực lãnh đạo của nhiều TCCSÐ khu dân cư suy giảm.

Trước tình hình trên, cấp ủy các cấp cần tạo được sự thống nhất về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Các cấp ủy cần coi trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, gắn với thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới. Xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ.

Vai trò "đầu kéo" từ cấp ủy

Thời gian qua, các tỉnh vùng Tây Bắc đã tập trung, dồn sức quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết của Trung ương về xây dựng Ðảng, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị các tỉnh Tây Bắc luôn được gắn liền với quá trình nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Ðảng, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSÐ toàn vùng nhiều năm qua được nâng lên.

Tuy nhiên, do đặc thù nên vai trò TCCSÐ, cấp ủy, đội ngũ đảng viên tại một số địa phương chưa ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ. Cùng trong một huyện, một địa bàn nhưng từ chất lượng TCCSÐ, đội ngũ cán bộ, đảng viên khác biệt, dẫn đến vai trò lãnh đạo, kết quả công tác phát triển đảng cũng khác biệt. Thực tế đó khiến việc triển khai, thể chế hóa một số chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước kém hiệu quả.

Trước tình hình đó, tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa có chủ trương tăng cường cán bộ, đảng viên lực lượng vũ trang về tham gia sinh hoạt đảng tại địa bàn khó khăn. Tại Nghệ An, khi lực lượng này về sinh hoạt, công tác tại 168 TCCSÐ các xã ven biển, vùng công giáo và 53 bản người Mông đã mang nguồn sinh lực mới, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt của TCCSÐ và phong trào quần chúng.

Những năm gần đây, ban thường vụ các tỉnh ủy đã triển khai chủ trương phân công cấp ủy viên phụ trách huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị địa bàn khó khăn, đặc thù. Cấp ủy viên tỉnh ủy và huyện ủy phụ trách địa bàn huyện và xã. Các cấp ủy coi trọng đổi mới phương thức, tác phong lãnh đạo, hướng mạnh về cơ sở, tăng cường chỉ đạo xây dựng TCCSÐ. Bí thư Huyện ủy Bát Xát (Lào Cai) Giàng Thị Dung chia sẻ: Cấp ủy tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo TCCSÐ thông qua việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ toàn diện của đội ngũ cấp ủy viên cơ sở...

Tính tích cực của nhiều địa phương, địa bàn Tây Bắc thể hiện rõ trong phát huy vai trò cấp ủy, chính quyền các cấp, tính gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, các già làng, trưởng bản trong phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều địa phương xóa bỏ tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của cấp trên. Huyện Tương Dương (Nghệ An) gắn liền việc củng cố hệ thống chính trị cơ sở với quá trình xây dựng, triển khai các đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, mở ra hướng phát triển mới có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp ở một số xã, bản vùng cao, biên giới. Nổi bật là chi bộ các bản Huồi Măn và Thằm Thẩm thuộc xã Nhôn Mai. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tương Dương Lữ Văn May cho rằng, để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Ðảng ở cơ sở, nhất là địa bàn TCCSÐ còn mỏng và yếu, các cấp ủy cần coi trọng, có giải pháp tốt trong đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, trước hết là bí thư cấp ủy của TCCSÐ là then chốt.

Ðảng bộ tỉnh Lào Cai, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã ban hành, triển khai mạnh các chương trình, giải pháp nhằm kiện toàn xây dựng bộ máy trong hệ thống chính trị cho tinh gọn, hoạt động hiệu quả, bảo đảm phát huy vai trò lãnh đạo của TCCSÐ khu vực nông thôn.

Hai năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã sáp nhập 3.100 trong số 5.971 thôn, bản, tổ dân phố toàn tỉnh, đồng thời nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ - trưởng thôn tại các huyện, bảo đảm tinh gọn bộ máy, khắc phục tình trạng đảng viên "mỏng", sinh hoạt chi bộ ghép và nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của cấp ủy TCCSÐ.

Các địa phương đầu tư bồi dưỡng cấp ủy viên, đảng viên ở cơ sở. Qua đó, số cấp ủy viên, cán bộ cấp xã của tỉnh Nghệ An có trình độ chuyên môn đại học đã tăng hơn 20% so với ba năm trước. Tỉnh Thanh Hóa hằng năm mở hơn 500 lớp bồi dưỡng chuyên đề, cập nhật kiến thức mới cho hơn 60 nghìn lượt cán bộ, đảng viên cơ sở...

Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều địa phương cũng thẳng thắn chỉ rõ thực trạng: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số TCCSÐ chậm được cải thiện. Chất lượng và tính bền vững của chi bộ độc lập ở thôn bản chưa cao, chế độ sinh hoạt Ðảng bị buông lỏng.

Từ đặc điểm tình hình, nhiệm vụ chính trị tại các địa phương, địa bàn vùng Tây Bắc đặt ra yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Ðảng cần tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn sớm nâng cao vai trò, hiệu quả lãnh đạo của TCCSÐ nhất là ở vùng khó khăn, đặc thù. Xây dựng đội ngũ đảng viên đủ về số lượng, đạt về chất lượng và cơ cấu. Xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý thật sự tiên phong, gương mẫu, tiêu biểu, nhất là người đứng đầu, bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị đề ra.

Lê Mậu Lâm

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/40603602-cung-co-to-chuc-co-so-dang-dia-ban-kho-khan-dac-thu.html