Củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Trong những ngày qua, các ấp, khu phố trong toàn tỉnh nô nức tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, ý nghĩa.
Năm 2019, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục ghi nhận sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo ở Trung ương và lãnh đạo tỉnh về các địa phương trực tiếp chứng kiến sự đổi thay tích cực trong đời sống người dân, nhất là những kết quả từ cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
* Xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung khẳng định, thành quả lớn nhất qua hơn 3 năm
(2016-2019) thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh do Trung ương MTTQ Việt Nam phát động chính là sự đổi thay rõ nét ở từng ấp, khu phố trong toàn tỉnh.
Phát huy tốt truyền thống đoàn kết trong mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư
Chung vui tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở ấp Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu), Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao tình đoàn kết gắn bó để xây dựng cuộc sống hạnh phúc, ấm no của nhân dân trong ấp. Phó thủ tướng đề nghị, mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng, cùng cấp ủy Đảng và chính quyền vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
“Những ngôi làng bình yên, miền quê đáng sống hay đô thị văn minh, an toàn; nhiều đường hoa sáng - xanh - sạch - đẹp… đã minh chứng rõ việc huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” - ông Vũ Đình Trung khẳng định.
Tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ấp Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu), người dân nô nức có mặt từ rất sớm ở Khu di tích Bia lưu niệm nơi thành lập Chi bộ Cộng sản Bình Phước - Tân Triều và Nhà văn hóa xã để đón Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo tỉnh, huyện về dự, chung vui cùng nhân dân nơi đây.
Ông Phan Hoàng Dũng, Trưởng ấp Tân Triều cho hay, toàn ấp hiện có 534 hộ dân sinh sống ở 4 khu dân cư. Từ một ấp nhiều khó khăn trong kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, Ban Công tác Mặt trận ấp đã vận động toàn dân thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng thành công nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 68 triệu đồng/năm; 100% hộ gia đình thực hiện tốt nếp sống văn minh, có công trình vệ sinh đảm bảo tiêu chí nông thôn mới; 100% trẻ em đến tuổi được đến trường…
Linh mục Nguyễn Đức Hiệp, Chánh xứ Giáo xứ Tân Triều, đại diện cho hơn 2,1 ngàn giáo dân của Giáo xứ Tân Triều khẳng định: “Hơn 6 năm đến và làm việc ở đây, tôi nhận ra mình là người thật hạnh phúc khi được sống trên vùng đất giàu truyền thống lịch sử. Hạnh phúc đó còn được nâng lên khi xã Tân Bình vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nhân dân đồng thuận một lòng”.
Những ngày này, KP.2, phường Phú Bình (TP.Long Khánh) như bừng sáng với cờ hoa, khẩu hiệu rực rỡ. Bà con các dân tộc trong khu phố tề tựu đông đủ về Trường tiểu học Phú Bình dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Trưởng KP.2 cho hay, năm 2019 KP.2 bình xét được 918/925 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa (chiếm 99,24%) đồng thời giữ vững danh hiệu khu phố văn hóa nhiều năm liền. “Câu chuyện giảm nghèo, đoàn kết chung tay xây dựng phường văn minh được bà con nơi đây đồng thuận bởi sự minh bạch, dân chủ, công khai trong thu, chi. Nhờ đó đến nay, các con hẻm trong khu phố đều được bê tông, cứng hóa; 99% hộ có mức sống từ trung bình khá trở lên” - bà Nguyệt cho biết.
* Tích cực giảm nghèo bền vững
Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Đồng Nai đã phát huy vai trò giám sát tại cộng đồng, tổ chức trên 5,9 ngàn cuộc giám sát liên quan các lĩnh vực của đời sống xã hội và gửi 492 kiến nghị để các cơ quan thẩm quyền xử lý.
Theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung, đến cuối năm 2018, Đồng Nai được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cấp bằng ghi công hoàn thành chương trình xây dựng nhà đại đoàn kết, xóa nhà dột nát cho người nghèo. Thành quả to lớn này đã hỗ trợ, tạo thuận lợi để hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên, không ai bị bỏ lại phía sau.
Gia đình anh Thổ Dũ (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) đã 6 năm được sinh sống trong căn nhà đại đoàn kết khang trang nhưng không quên được cảnh nhà ở dột nát trước đây. Anh Thổ Dũ tâm sự: “Nếu không được quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước không biết đến khi nào gia đình tôi mới có cuộc sống ổn định hôm nay”.
Theo ông Vũ Đình Trung, trong cuộc vận động Vì người nghèo, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các mạnh thường quân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân… trong và ngoài tỉnh.
Bà Lê Thị Kim Tuyền, đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam chi nhánh Khu công nghiệp Biên Hòa chia sẻ: “Hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững của đơn vị luôn gắn với thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và cam kết cộng đồng. Vì vậy, 10 năm qua, ngân hàng đã hỗ trợ, xây dựng trên 1 ngàn căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp như: Changshin Việt Nam, Hwaseung Vina, Đồng Tiến, Vedan, Taekwang Vina Industrial, ôtô Trường Hải… cùng nhiều tập thể, cá nhân khác đã chung tay xóa nhà dột, nhà tạm, trao vốn sản xuất, hỗ trợ học bổng… cho người nghèo.
* Huy động sức mạnh đoàn kết
Sau 3 năm thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh do Trung ương MTTQ Việt Nam phát động và kết quả 10 năm thực hiện các hoạt động vì người nghèo, toàn tỉnh đã huy động trên 3,1 ngàn tỷ đồng, trong đó quỹ vì người nghèo các cấp vận động được trên 287,4 tỷ đồng, xây dựng mới trên 8,5 ngàn căn nhà tình thương, trị giá trên 196,7 tỷ đồng; sửa chữa 646 căn, trị giá hơn 5,2 tỷ đồng góp phần hoàn thành xây dựng nhà đại đoàn kết, xóa nhà dột, nhà tạm cho người nghèo…
Một kết quả nổi bật trong huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc vào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh chính là thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát của MTTQ các cấp trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Phát huy vai trò giám sát cộng đồng dân cư, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã phối hợp tổ chức hàng ngàn cuộc giám sát liên quan đến việc thực hiện chính sách chăm lo hộ nghèo và công tác xét công nhận hộ nghèo, giảm nghèo bền vững, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm; đền bù, giải tỏa, tái định cư, ô nhiễm môi trường… Qua đó đã kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý, có biện pháp giải quyết nhiều nội dung liên quan đời sống dân sinh.
Ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức được 41 hội nghị phản biện xã hội đối với các dự thảo nghị quyết gồm dự thảo nghị quyết quy định mức hỗ trợ đối với dự án, công trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn; giám sát dự thảo nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn; dự thảo đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2023…
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Trảng Bom Trần Thị Quỳnh nhìn nhận, khi tổ chức giám sát và phản biện xã hội, MTTQ và các đoàn thể phải đứng trên cương vị của người dân để nêu những kiến nghị sát với thực tiễn và vì lợi ích người dân để các cơ quan chức năng nghiên cứu, xử lý… Trảng Bom cũng là điển hình trong tỉnh về hoạt động giám sát và phản biện xã hội.
Việc tổ chức lấy ý kiến của người dân về xây dựng nông thôn mới được thực hiện tốt. Nhờ đó, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thi văn minh có hiệu quả, sát thực tế, huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cùng tham gia.
Ngày 18-11, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức họp mặt kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11-1930 - 18-11-2019). Theo chương trình họp mặt, các đại biểu cùng ôn lại truyền thống 89 năm của MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ; nghe báo cáo kết quả công tác Mặt trận trên địa bàn tỉnh năm 2019. Dự kiến, lãnh đạo Tỉnh ủy sẽ phát biểu chỉ đạo và trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc cho các cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác Mặt trận...
Trước đó, Ủy ban MTTQ các cấp đã tham mưu để các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện đến dự chung vui Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại các ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đến nay, 11/11 đơn vị cấp huyện và 170 đơn vị cấp xã trong tỉnh đều tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm ôn lại truyền thống 89 năm MTTQ Việt Nam đồng hành với sự phát triển của đất nước, quê hương Đồng Nai; thông báo tình hình vận động quỹ vì người nghèo, các hoạt động an sinh xã hội, các công trình nông thôn mới, đô thị văn minh và công tác giảm nghèo tại địa phương; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao nhằm thắt chặt tình đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân...
Nguyệt Hà
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường:
Nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc vận động
Với phương châm hướng về cơ sở, Mặt trận các cấp trong tỉnh cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức ngày hội với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo khí thế thi đua sôi nổi, thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đồng thời nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào như: cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, vận động phát triển quỹ vì người nghèo các cấp, phong trào Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Văn Phước:
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động
Đại đoàn kết toàn dân tộc là cội nguồn sức mạnh của cách mạng Việt Nam nên Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc còn có ý nghĩa tiếp tục xây dựng cơ sở của khối đại đoàn kết. Đây chính là phát huy tinh thần dân chủ xã hội chủ nghĩa trong mọi công việc; thực hiện đúng phương châm Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng; tổ chức tốt hơn nữa giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội...
Ông Phạm Văn Tân, Bí thư Chi bộ ấp Thọ Phước (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc):
Đoàn kết lương - giáo góp phần xây dựng nông thôn mới
Nhờ sự lãnh đạo của Chi bộ ấp, Ban Công tác Mặt trận đã tuyên truyền, vận động hướng dẫn đồng bào có đạo luôn thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương - giáo, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện phương châm sống tốt đời, đẹp đạo; hưởng ứng tích cực phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần để đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện, nâng cao. Hiện ấp đã duy trì tổ, khu dân cư kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu, phấn đấu đến năm 2020 góp phần cùng xã hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.
H.Dung - N.Anh - H.Thảo - M.Ny (ghi)