Cùng con đón Trung thu online đầu tiên ở TP.HCM
'Một mùa Trung thu đúng nghĩa Tết đoàn viên khi cả nhà cùng bên nhau. Mong đây sẽ là những ký ức tuổi thơ đẹp của 2 con', chị Thanh Hương nói.
Thay vì được xem múa lân, rước đèn, vui chơi cùng bạn bè, nhiều em nhỏ sẽ quây quần bên người thân, cắt bánh Trung thu và tham dự những bữa tiệc online trong mùa Trung thu năm nay.
Phải ở nhà lâu, các bữa tiệc Trung thu trực tuyến là dịp giúp các em giải tỏa căng thẳng và thể hiện được tài khéo tay khi tự tay làm lồng đèn.
Chia sẻ với Zing, 5 bà mẹ ở TP.HCM đã kể về những kỷ niệm đón Trung thu khác biệt của năm nay so với những năm trước, trong bối cảnh các con phải ở nhà nhiều tháng liền.
Xem múa lân online
Huyền Châu (30 tuổi, quận Bình Thạnh)
Năm ngoái, vào trước ngày Trung thu, vợ chồng tôi sẽ dẫn các con đi mua lồng đèn, coi múa lân ở trường hay tham gia các chương trình được tổ chức gần nhà. Các con rất vui khi được tham gia những hoạt động như thế.
Sinh sống ở thành phố nên chưa có nhiều những trải nghiệm như trẻ em vùng quê, tôi luôn cố gắng để tuổi thơ con có những kỷ niệm thật đẹp, thông qua những lúc vui chơi lễ hội.
Năm nay dịch bệnh nên không ra ngoài được. Tôi đã cố gắng mua lồng đèn để các con phần nào cảm nhận được mùa Trung thu đã đến. Không đi xem múa lân trực tiếp như mọi năm thì đành xem online vậy.
Điều đặc biệt của năm nay là cả chung cư sẽ cùng đón Trung thu online. Việc này giúp cả nhà cùng tham gia chứ không chỉ riêng các con nên ai cũng háo hức với hoạt động này.
Vợ chồng tôi trước đây rất bận rộn, không có quá nhiều thời gian dành cho các con. Mùa dịch, cả nhà bày ra đủ trò chơi để tham gia cùng nhau. Cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi với con giúp tôi hiểu con hơn trước.
Gia đình được bên nhau trong dịch là điều rất biết ơn. Việc nhận ra những điểm tích cực của dịch bệnh đã giúp tôi bình tâm và nhẹ nhàng bước qua thời kỳ khó khăn này và truyền được năng lượng lạc quan cho các con.
Lần đầu tiên con tự làm lồng đèn
Thanh Hương (32 tuổi, quận Bình Thạnh)
Năm ngoái, tôi dẫn 2 con đi công viên Lê Thị Riêng chơi trò chơi, rồi tụ họp nhóm bạn của con để tổ chức chơi bốc thăm, tặng quà cho nhau. Có năm, các con tôi còn làm lồng đèn tặng các học sinh kém may mắn.
Năm nay vì dịch bệnh nên gia đình tôi nghĩ ra ý tưởng đón Trung thu rất khác. Trước lễ 1 ngày, con tổ chức tiệc online với các bạn trong trường, do cô giáo tổ chức.
Ngay đêm Rằm Trung thu, tôi cùng bạn của mình lập một nhóm trên mạng để các con trò chuyện, chơi trò chơi cùng nhau qua màn hình. Thật ra các con đã biết nhau từ lâu nên hoạt động qua trực tuyến sẽ rất tự nhiên và vui vẻ chứ không có sự ngượng ngùng.
Vì không mua được lồng đèn, tôi sử dụng bình nước suối, hộp bánh, thùng carton để các con tự tay làm lồng đèn handmade theo hướng dẫn trên mạng.
Bố sẽ chịu trách nhiệm cắt phần thô, bà ngoại giúp làm những chi tiết tỉ mỉ còn nhiệm vụ của 2 con là cắt dán và tô màu. Các con rất vui và háo hức vì lần đầu tiên trong đời được tự làm lồng đèn cùng gia đình.
Một mùa Trung thu đúng nghĩa Tết đoàn viên. Mong đây sẽ là những ký ức tuổi thơ đẹp của 2 con.
Ra ban công đón Trung thu tập thể
Ngọc Thắm (35 tuổi, quận Bình Thạnh)
Mọi năm, tôi lựa cẩn thận để chọn cho con những mẫu lồng đèn mới, đẹp. Dưới sảnh chung cư đêm Trung thu sẽ xuất hiện những nhân vật hóa thân chú Cuội, chị Hằng, chú hề làm ảo thuật,… rồi cả các bạn tự thể hiện năng khiếu với nhau khiến các con rất vui.
Năm nay do dịch bệnh nên không thể tổ chức như mọi khi. Nhưng tại chung cư tôi đang sống, mọi người cũng nghĩ ra những kế hoạch đón Trung thu theo cách đặc biệt.
Tòa nhà đã phát cho gia đình tôi lồng đèn để mọi người tự lắp ráp. Đêm rằm tháng 8, cả chung cư sẽ cùng bật nhạc, cùng hát vang những ca khúc quen thuộc.
Đây không phải lần đầu tiên chung cư tổ chức những chương trình tập thể trong mùa dịch. Cả nhà đã cùng ra ban công để hát mừng Quốc khánh hay cổ vũ các y bác sĩ tuyến đầu. Con tôi rất hào hứng khi tham gia những chương trình thế này.
Dịch bệnh mới thấy tình làng nghĩa xóm thật đáng quý.
Dạy con tìm hiểu về văn hóa Việt Nam
Thanh Tuyền (33 tuổi, TP Thủ Đức)
Con của tôi mang hai dòng máu Việt - Nhật. Trong văn hóa của người Nhật không có tết Trung thu. Những năm nước, hai cháu thường xuống sảnh chung cư để tham gia chương trình chung của cư dân. Vợ chồng tôi không tổ chức tại nhà mà để các cháu hòa chung vào không khí cùng các bạn nhỏ khi sinh hoạt tập thể.
Năm nay chung cư không tổ chức được các chương trình như thế nên tết Trung thu ở gia đình tôi sẽ rất khác.
Một tuần trở lại đây, tôi sẽ mở những bài hát Trung thu quen thuộc. Lời bài hát làm không khí gia đình rộn ràng hơn những ngày giãn cách. Tâm trạng của cả nhà cũng vì thế mà tốt hơn.
Tôi tập cho con hát những bài hát bằng tiếng Việt. Đây là dịp các con hiểu hơn về văn hóa của Việt Nam và học tiếng Việt qua lời bài hát. Nếu nhìn mặt tích cực, tôi thấy dịch bệnh khiến tôi có thời gian bên cạnh con nhiều hơn. Tôi hiểu hơn những suy nghĩ giản đơn của con trẻ mà ngày thường do bận rộn có khi tôi đã quên đi.
Con đón Trung thu xa bố
Kim Xinh (37 tuổi, TP Thủ Đức)
Những năm trước, vợ chồng tôi tranh thủ dịp Trung thu để dẫn các con đi mua lồng đèn, xem múa lân hay tham gia các hoạt động ở trường, ở khu phố. Thời điểm Trung thu cũng là lúc vừa tựu trường, các con được gặp bạn bè, thầy cô và tham gia đón tết Trung thu vui vẻ sẽ có nhiều động lực cho năm học mới.
Năm nay, các con của tôi có chút thiệt thòi khi vừa không được đón tết Trung thu cùng các bạn, vừa phải xa bố. Chồng tôi đang làm việc 3 tại chỗ ở cơ quan nên chưa thể về nhà những ngày này.
Tôi đã đặt qua mạng bánh Trung thu và đang chờ giao để cắt cho các con ăn. Con gái lớn của tôi tự mày mò trên mạng vẽ, cắt dán làm lồng đèn khiến tôi rất bất ngờ. Tôi cảm thấy con lớn hơn.
Điều quan trọng nhất lúc này là sức khỏe nên tôi mong cả gia đình bình an vượt qua mùa dịch. Sẽ có nhiều tết Trung thu trong suốt tuổi thơ con, nhưng đây sẽ là cái tết ấm áp và đáng nhớ nhất.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cung-con-don-trung-thu-online-dau-tien-o-tphcm-post1264210.html