'Cung điện ký ức', bí quyết ghi nhớ hiệu quả
Nhân vật giả tưởng – thám tử đại tài Sherlock Holmes ghi nhớ mọi thứ bằng cách tưởng tượng rằng anh đang lưu trữ tất cả thông tin trong một 'cung điện ký ức', một kỹ thuật có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại.
Gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng phương pháp này thực sự có tác dụng tạo ra những ký ức lâu dài.
Những người sử dụng kỹ thuật ghi nhớ mang tên gọi là “phương pháp loci” hình dung bản thân dạo quanh một địa điểm quen thuộc, chẳng hạn như một con đường (và trong trường hợp của Holmes là một cung điện).
Để lưu trữ một mảnh thông tin, bạn “thả” nó lại dọc con đường tưởng tượng này và sau đó khi cần nhớ đến nó, bạn quay lại con đường đã đi để “nhặt nó lên”.
Theo nghiên cứu, bằng cách luyện tập theo phương pháp này, những nhà vô địch về trí nhớ tốt nhất thế giới có thể nhớ vô số thông tin, chẳng hạn như danh sách từ, dãy chữ số và bộ bài.
Nhưng cuộc thi Vô địch Trí nhớ Thế giới chỉ kiểm tra trí nhớ ngắn hạn và mới chỉ một số ít các nghiên cứu xem xét đến bộ não khi mọi người sử dụng phương pháp này để cải thiện trí nhớ.
Tác giả chính Isabella Wagner, một nhà khoa học thần kinh nhận thức tại Đại học Vienna, cho biết: “Chúng tôi bị cuốn hút bởi khả năng đạt được trí nhớ phi thường từ phương pháp này như những gì các nhà vô địch thể hiện trong Giải vô địch trí nhớ thế giới”.
Wagner cho biết, phương pháp Loci sử dụng các địa điểm hoặc tuyến đường quen thuộc làm “giàn giáo” hoặc “cấu trúc” để lưu trữ các thông tin mới lạ, không liên quan.
Để đánh giá phương pháp loci, Wagner và nhóm của cô đã tuyển chọn 17 “vận động viên trí nhớ” hay những nhà vô địch được xếp hạng trong số top 50 của các cuộc thi trí nhớ thế giới và 16 người khác tương đồng với các vận động viên về các đặc điểm như tuổi tác và trí thông minh.
Các nhà nghiên cứu đã quét cộng hưởng từ fMRI của những người tham gia trong khi yêu cầu họ học các từ ngẫu nhiên trong một danh sách.
Trong phần thứ hai của nghiên cứu, họ tuyển chọn 50 người không có kinh nghiệm gì về tăng cường trí nhớ và huấn luyện phương pháp Loci cho 17 người trong số họ trong sáu tuần.
Những người tham gia còn lại thuộc nhóm kiểm soát (16 người trong số họ là “kiểm soát chủ động”, nghĩa là họ được đào tạo bằng cách sử dụng một chiến thuật ghi nhớ khác được gọi là “đào tạo trí nhớ hoạt động” và 17 người là “kiểm soát thụ động”, nghĩa là họ không được đào tạo gì cả).
Đúng như mong đợi, những người tham gia đều thể hiện trí nhớ tốt hơn, lâu dài hơn sau khi luyện tập với phương pháp loci so với sau khi luyện tập với kỹ thuật ghi nhớ khác hoặc không luyện tập kỹ thuật nào cả.
Những người tham gia tập luyện theo phương pháp cổ xưa cho thấy có sự gia tăng đáng kể về trí nhớ lâu bền, nhưng không có sự thay đổi đáng kể về trí nhớ yếu (hay ký ức ngắn hạn mất đi sau tầm 20 phút) so với nhóm kiểm soát.
Nhóm nghiên cứu cũng bắt gặp một điều bất ngờ: Trong khi những nhà vô địch thế giới và người tham gia tham gia vào các bài kiểm tra, hoạt động trong não của họ giảm ở các khu vực thường liên quan đến xử lý trí nhớ và trí nhớ dài hạn, Wagner nói với Live Science trong một email.
“Điều này khiến chúng tôi hơi ngạc nhiên, vì sự thể hiện tốt hơn về trí nhớ thường đi liền với sự tham gia của các vùng não khác nhau được tăng cường”, cô nói.
Nói cách khác, họ phát hiện ra rằng việc kích hoạt não ít hơn dẫn đến trí nhớ tốt hơn, điều này có thể là do phương pháp Loci thúc đẩy não hoạt động hiệu quả hơn.
Ngoài ra, trong khi những người tham gia nghỉ ngơi, những người được đào tạo theo phương pháp Loci có sự gia tăng kết nối não giữa các lý do quan trọng khác để lưu trữ trí nhớ dài hạn.