Cùng doanh nghiệp 'vượt bão', kỳ 2: Đồng lòng gỡ khó

Trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, cùng với việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ các DN.

Trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, cùng với việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) của Trung ương, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ các DN.

Cán bộ Cục Thuế tỉnh tư vấn, hỗ trợ người nộp thuế.

Cán bộ Cục Thuế tỉnh tư vấn, hỗ trợ người nộp thuế.

Tuy nhiên, nói như đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, đối thoại với DN của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh mới đây, vẫn còn những nguyện vọng của DN trên địa bàn chưa thể đáp ứng. Do đó, lãnh đạo tỉnh luôn muốn được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng DN để được trao đổi, giải quyết cho DN.

Cấp ủy, chính quyền cùng vào cuộc

Cũng xuất phát từ quan điểm này nên thời gian qua, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh thực hiện việc rà soát, nắm bắt và tập trung tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc cho DN thuộc thẩm quyền. UBND tỉnh cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn. Quan tâm tổ chức đối thoại, gặp mặt DN bằng nhiều hình thức nhằm lắng nghe, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho DN…

Theo đó, năm 2022, 100% sở, ban, ngành của tỉnh tổ chức đối thoại với DN trên địa bàn. Năm nay, tính đến đầu tháng 6 đã có 9/9 địa phương và nhiều sở, ngành như Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng (NH) Nhà nước Chi nhánh tỉnh, Chi cục Hải quan Thái Nguyên… tổ chức đối thoại với DN.

Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri, đối thoại với đại diện các hội, hiệp hội, DN trên địa bàn tỉnh.

Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri, đối thoại với đại diện các hội, hiệp hội, DN trên địa bàn tỉnh.

Gần đây nhất, chiều 10-7, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri, đối thoại với hơn 170 đại biểu đại diện cho các hội, hiệp hội và DN trên địa bàn tỉnh.

Đây là lần đầu tiên Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh đồng tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, đối thoại với các DN trên địa bàn tỉnh, thể hiện sự đổi mới trong hoạt động, hướng tới mục tiêu cao nhất là xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, phục vụ, kiến tạo sự phát triển.

Với hàng trăm câu hỏi được gửi tới trước và tại Hội nghị này, đến nay, cơ bản các vấn đề thuộc thẩm quyền và có thể quyết đáp ngay đã được UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh trả lời.

Những vấn đề cần thời gian nghiên cứu, tham gia ý kiến của các sở, ngành hoặc xin ý kiến của cấp trên, sẽ được tổng hợp để tiếp tục bàn giải pháp tháo gỡ. Các vấn đề thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương, tỉnh sẽ tổng hợp để báo cáo và gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Những hiệu quả thiết thực

Có thể nói, việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ có ý nghĩa rất quan trọng đối với cộng đồng DN, đặc biệt là các DN gặp khó khăn.

Theo bà Nguyễn Thị Thuận, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: Mặc dù các chính sách giảm thuế của Nhà nước từ đầu năm đến nay khiến số thu ngân sách của tỉnh giảm khoảng 500 tỷ đồng, đồng thời cũng khiến khối lượng công việc của công chức ngành Thuế tăng đáng kể, song nhận thức rõ tầm quan trọng của các chính sách này trong việc hỗ trợ DN vượt qua khó khăn nên toàn ngành Thuế đã, đang nỗ lực hết sức để chính sách được triển khai đúng đối tượng, mang lại hiệu quả cao nhất trong thực tiễn.

Cụ thể, các chính sách được ngành Thuế triển khai từ đầu năm đến nay bao gồm: Giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu; 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước; gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thu nhập cá nhân, tiền thuê đất cho các DN năm 2023; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm mức thuế suất, thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8%...

Về phía NH, toàn Ngành cũng rất tích cực triển khai các chính sách, như: Hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN của NHNN nhằm giúp khách hàng giảm áp lực trả nợ, có khả năng thanh toán đơn hàng, ổn định trở lại hoạt động sản xuất.

Theo đó, đến nay có trên 40 khách hàng được hưởng lợi từ Nghị định số 31, với dư nợ trên 1.400 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất trên 14 tỷ đồng; hơn 20 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, với dư nợ trên 1.000 tỷ đồng. Việc hỗ trợ này đang tiếp tục được các NH thương mại thực hiện. Ngoài ra, các NH cũng đã chủ động giảm lãi suất cho vay bằng nguồn lực của đơn vị.

Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cán thép Thái Trung, cho rằng: Việc được gia hạn nộp thuế trên 2 tỷ đồng và được cơ cấu lại nợ trên 180 tỷ đồng vốn vay trung hạn đã giúp Công ty có điều kiện và động lực để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Xi măng - một trong những ngành đang gặp khó khăn được các cấp, ngành hỗ trợ tháo gỡ. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Xi măng Quán Triều.

Xi măng - một trong những ngành đang gặp khó khăn được các cấp, ngành hỗ trợ tháo gỡ. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Xi măng Quán Triều.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp, sự điều hành linh hoạt của tỉnh, đồng hành, hỗ trợ của các cấp, ngành có vai trò quan trọng, tác động lớn giúp Thái Nguyên đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 5,17% so với cùng kỳ, cao hơn mức bình quân chung cả nước (3,72%); tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 7.657,9 tỷ đồng…

Giải pháp nào trong thời gian tới?

Theo ông Nguyễn Anh Tài, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên - Chuyên gia kinh tế: Kinh tế nước ta ngày càng có độ mở lớn. Do đó, những biến động của tình hình thế giới sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trong nước, trong tỉnh. Trong khi đó, nhiều DN hiện vẫn chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đến thị trường trong nước, nên nhiều mặt hàng chúng ta làm được, xuất khẩu, nhưng lại phải nhập chính những mặt hàng tương tự từ nước ngoài để bán tại thị trường trong nước. Chính vì thế, trong giai đoạn này, việc quan tâm mở rộng thị trường trong nước cần được các DN quan tâm, chú trọng hơn và chính quyền địa phương cũng cần có các giải pháp để hỗ trợ DN trong vấn đề này…

Còn theo bà Dương Phương Hoa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh: Sở đã tham mưu với UBND tỉnh triển khai tốt các quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch cấp dưới đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh. Hiện, cả 9 quy hoạch vùng huyện đang được triển khai thực hiện và phấn đấu hoàn thành trong năm nay.

Cùng với đó, các sở, ngành cũng đã tham mưu với UBND tỉnh thực hiện tốt Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 14/4/2023 UBND tỉnh về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh… Phấn đấu giải ngân 100% vốn kế hoạch được giao trong năm nay.

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trong nhiều cuộc họp với các sở, ngành cũng luôn nhấn mạnh: Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải có tinh thần quyết liệt, sáng suốt, nắm chắc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc của các cơ quan, đơn vị mình để lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt từ trên xuống dưới. Có như thế thì công việc mới không bị ách tắc cản trở, người lãnh đạo phải là tấm gương về giải quyết công vụ cho cấp dưới noi theo. Qua đó giúp giải quyết các vấn đề có liên quan, trong đó có DN, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu đặt ra…

Theo dự báo, những tháng cuối năm sẽ là thời điểm mà các hoạt động sản xuất và xuất khẩu tăng mạnh trước nhu cầu lễ hội cuối năm tại các thị trường phát triển. Đồng thời, đây cũng là thời gian mà các dự án tăng tốc triển khai…

Do đó, dự báo tình hình kinh tế trong nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên sẽ có những khởi sắc trở lại. Đây chính là những yếu tố quan trọng giúp các DN trên địa bàn phát triển trở lại.

Tuy nhiên, để có được điều này thì sự hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của các cấp, ngành hiện vẫn rất quan trọng đối với cộng đồng DN trong thời điểm này. Với những gì DN đã và đang phải trải qua, có thể các chính sách hỗ trợ chưa giúp họ vượt qua khó khăn trong một hoặc một vài tháng, mà có khi phải tính bằng năm, nhưng đây được ví như những “liều thuốc” trợ lực cực kỳ quan trọng giúp DN đứng vững trong giai đoạn hiện nay.

Các chuyên gia Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, có 3 kịch bản tăng trưởng cho Việt Nam trong cả năm 2023 là 5,34%, 5,72%, 6,46%. Ngân hàng Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng ở mức 7,0% trong nửa cuối năm, giúp cả năm 2023 đạt tăng trưởng thấp nhất 5,4%...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202307/cung-doanh-nghiep-vuot-bao-ky-2-dong-long-go-kho-d6f3d4a/