Cùng đưa thực phẩm an toàn tới người tiêu dùng

Những năm vừa qua, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã đóng góp không nhỏ vào việc sản xuất, kinh doanh, phát triển chuỗi, kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn tới người tiêu dùng. Qua đó, cải thiện đời sống hội viên và hơn hết là nâng cao nhận thức của người dân về chế biến, sử dụng nông sản, thực phẩm an toàn.

Các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối, tiêu thụ thực phẩm, nông sản an toàn đến người tiêu dùng.

Sản xuất, tiêu thụ thực phẩm sạch

Đến thăm điểm bán hàng của chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ 11, phường Xuân La (quận Tây Hồ) vào buổi chợ chiều, khách mua hàng tấp nập. 4 năm gần đây, cửa hàng của chị Hằng được Hội Liên hiệp phụ nữ phường Xuân La chọn làm nơi giới thiệu và tiêu thụ thực phẩm sạch. “Do hàng hóa của chị Hằng rõ nguồn gốc, giá cả phải chăng nên người nội trợ như tôi rất tin tưởng”, bà Đỗ Thị Hà (phường Xuân La, quận Tây Hồ) một khách mua hàng nói.

Trước đây, gia đình bà Đỗ Thị Nữ, xã Yên Viên (huyện Gia Lâm) trồng rau theo phương thức cũ, năng suất không cao lại nhiều sâu bệnh. Từ khi tham gia mô hình sản xuất rau sạch, bà Nữ đã được tập huấn sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện tổ chức. "Trồng theo phương pháp mới rau đạt chất lượng và năng suất cao, an toàn cho cả người sản xuất và tiêu dùng, đủ tiêu chuẩn cung cấp cho siêu thị. Nhờ đó, thu nhập từ trồng rau của gia đình tôi đã tăng so với trước đó”, bà Nữ nói.

Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội) Nguyễn Thị Hường cho biết: Nhận thấy vai trò quan trọng của phụ nữ trong sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã chú trọng tuyên truyền, khuyến khích hội viên “trồng cây sạch, nuôi con sạch”, tiêu thụ thực phẩm sạch. Hội viên phụ nữ cũng rất ủng hộ.

“Nhờ vậy, nhiều mô hình hay đã hình thành ở nhiều địa phương, như: Tổ liên kết kinh doanh dịch vụ sản xuất và chế biến thực phẩm phường Tương Mai (quận Hoàng Mai), tập hợp các gia đình hội viên phụ nữ kinh doanh dịch vụ hoa tươi, mỹ phẩm, thực phẩm an toàn; Tổ liên kết chăn nuôi gà thả đồi ở xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), với 15 hội viên, mỗi gia đình nuôi từ 500 con gà trở lên…”, bà Nguyễn Thị Hường cho biết.

Hỗ trợ thiết thực

Để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp của thành phố không chỉ giúp hội viên tiếp cận vốn vay ưu đãi mà còn giúp thành lập nhiều tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Đến nay đã thành lập được 13 hợp tác xã, 19 tổ hợp tác, 39 nhóm liên kết kết nối 1.321 thành viên tham gia. Riêng năm 2020 đã hỗ trợ thành lập 5 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác và 14 nhóm liên kết về sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm do hội viên phụ nữ quản lý. Đặc biệt, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố phối hợp với Công ty Thực phẩm sạch Organic Green tổ chức 141 điểm phân phối thực phẩm an toàn tại 12 quận tới người tiêu dùng.

Trong phong trào nói trên, tiêu biểu là Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Gia Lâm. Ngoài việc hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tạo điều kiện để hội viên tham gia các lớp tập huấn, học tập kinh nghiệm, Hội còn tổ chức trưng bày, quảng bá nông sản sạch đến người tiêu dùng. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Gia Lâm Thạch Thị Hoa cho biết: “Huyện có 4 tổ liên kết và 6 tổ hợp tác, thu hút 161 hội viên phụ nữ tham gia. Thu nhập của các thành viên tổ liên kết, tổ hợp tác ổn định 7-10 triệu đồng/người/tháng. Việc tham gia các mô hình tổ liên kết, tổ hợp tác đã giúp sản phẩm rau an toàn của huyện có mặt tại nhiều siêu thị lớn trên cả nước”.

Tương tự, trong 2 năm 2019 và 2020, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Quốc Oai đã chỉ đạo thành lập 9 tổ liên kết sản xuất, kinh doanh tại 8 xã với 117 thành viên tham gia. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Quốc Oai Đỗ Thị Quỳnh Anh thông tin: “Huyện hội đã thành lập thêm mô hình chuỗi liên kết cung ứng nông sản an toàn tại xã Nghĩa Hương, giúp người dân được tiếp cận thực phẩm an toàn. Thời gian tới, Hội sẽ thực hiện mô hình này ở diện rộng hơn”.

3 năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trên địa bàn thành phố đã hỗ trợ 162 doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm qua 137 điểm kết nối tiêu thụ sản phẩm của hội viên phụ nữ. Những hỗ trợ thiết thực này đã giúp tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, cùng trao đổi kinh nghiệm tạo ra sản phẩm sạch, góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương, thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ hội viên mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng các sản phẩm sạch, góp sức vào sự phát triển của Thủ đô.

Dương Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/986059/cung-dua-thuc-pham-an-toan-toi-nguoi-tieu-dung