Cung đường tình yêu

Sa thầm nghĩ, sau này khi những đứa con lớn lên, Sa sẽ đưa chúng đến những cung đường mà Thuần đã làm, bởi đó là cung đường tình yêu của họ.

Thuần gấp lại bản báo cáo giám sát thi công, quản lý chất lượng công trình, ngước lên nhìn cuốn lịch treo tường đã thấy tháng chạp về. Giờ này chắc Sa đang nhích từng bước một trên đường, nhìn dòng người tắc nghẽn phía trước mà buông tiếng thở dài. Đã có lúc Thuần ước ao bình dị, được về đèo Sa đi qua những con phố chật chội vào giờ tan tầm. Để Sa ngồi đằng sau có tấm lưng dựa vào, bình yên nghe một bản nhạc nào đó mà chẳng cần bận bịu đến những xô bồ, bon chen ở xung quanh. Rồi sẽ dừng lại bên đường mua ít hạt dẻ nóng gói trong giấy báo cho người con gái mình yêu. Nhưng thứ hạnh phúc giản đơn ấy Thuần ít khi làm được. Những công trình trên khắp mọi miền Tổ quốc kéo tuột Thuần đi miên man ngày tháng. Lúc đi hứa sẽ về vào cuối thu, mua tặng Sa một bó cúc họa mi nhưng đến tận bây giờ mà Thuần vẫn còn ở phương xa. Vậy nên hôm qua lúc Thuần gọi điện nói “ra giêng mình cưới nhau” hình như Sa có chút sững sờ. "Anh đang cầu hôn em đấy à?". "Phải".

Không nhẫn. Không hoa. Không cả cái nắm tay hay hơi ấm kề bên. Sa chỉ nghe thấy tiếng gió rít buốt tai qua điện thoại. Thường những vùng đất mà Thuần đến sẽ hiện ra qua từng cuộc gọi. Khi thì tiếng sóng biển rì rào, tiếng đập đá bên đường chát chúa, tiếng thổ ngữ ở một vùng nào đó xa xôi. Khi thì tiếng chim líu lo trên một vòm trời tự do. Cũng có khi thinh lặng, chỉ nghe thấy tiếng thở của nhau để biết là mình còn xao xuyến. Thuần đi mở những con đường mới, có khi xẻ núi, có khi cắt rừng, có khi băng qua những cánh đồng trĩu bông, có khi là cây cầu bắc ngang qua sông nối hai bờ phù sa bên lở bên bồi. Tầm này năm ngoái, Sa gọi rủ về quê ra mắt gia đình nhưng Thuần mắc kẹt trên một chiếc cầu vượt biển. Theo đúng kế hoạch, cầu phải được hoàn thành trước Tết để nối liền huyện đảo và thành phố là hạng mục chào mừng năm mới. Quá trình thi công được giám sát chặt chẽ nhưng vẫn còn nhiều khó khăn nên Thuần cùng các anh em phải nhanh chóng khắc phục để dự án đạt chất lượng tốt nhất. Chiều 29 Tết, mọi thứ mới xong xuôi. Thuần định bắt xe về quê Sa thì nhận được dòng tin: “Em lên biên giới làm phóng sự về các cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng. Anh ở lại đón Tết vui”. Thuần gọi cho Sa đã thấy ngoài vùng phủ sóng.

Sa nói đó là một chuyến đi ý nghĩa. Không chỉ được đón Tết cùng các chiến sĩ đồn biên phòng nơi địa đầu Tổ quốc mà Sa và đồng nghiệp còn có những trải nghiệm đáng nhớ về mảnh đất và con người nơi đây. Trải qua cả một quãng đường dài vất vả Sa mới hiểu được nỗi khổ của bà con dân tộc khi việc đi lại hết sức khó khăn. Người lớn đi chợ, trẻ con đến trường đều phải thức dậy từ lúc sương còn đọng trên tán cây để trèo đèo lội suối. Sa thương những đôi dép mòn vẹt hở cả gót chân đã chai cứng vì đá sỏi. Lúc vén màn sương trên từng vạt cây rừng Sa đã ước sẽ có những con đường mềm mại vắt qua lưng núi để cuộc sống của bà con nơi đây bớt vất, hành trình đi tìm con chữ của những đứa trẻ bớt nhọc nhằn hơn.

Lúc xe trôi trên con đường mang tên Hạnh Phúc, Sa tựa đầu vào cửa kính xe nhìn cao nguyên đá và thấy nhớ Thuần da diết lắm. Anh tài xế là dân bản địa, kể cho tụi Sa nghe về lịch sử con đường đẹp như dải lụa giữa núi rừng mùa xuân tươi xanh rực rỡ. Con đường Hạnh Phúc được tạo nên bởi biết bao mồ hôi công sức, gian khổ, hy sinh của cha ông.

Càng đi, Sa càng hiểu vì sao Thuần mải miết đi theo những con đường, những công trình xa lắc, bỏ lại mình Sa cô đơn giữa phố. Đã có lúc Sa cảm thấy bất an nên từng trách giận Thuần. Nghe đâu đó người ta hay kể về những anh chàng kỹ sư “xây nhà trẻ” khắp nơi. Bạn bè có người từng hỏi Sa có sợ Thuần cũng quen cảnh “cơm chợ vợ đường” đi đến đâu là có tình thâm đến đó? Sa đâu thể chạy trốn được phần yếu đuối trong một người đàn bà. Có đêm nằm mơ thấy Thuần dắt tay ai đó đi trên một con đường mới, họ tươi cười rạng rỡ. Có khi mơ thấy mình gào gọi tên Thuần nhưng chỉ nghe thấy tiếng gió hú, bóng Thuần lẫn vào cát bụi và những rặng lau trắng muốt. Đã đôi lần Sa muốn buông tay nhưng kỳ lạ thay, chính những con đường đã níu lại cuộc tình. Bởi lúc buồn, Sa thường đi du lịch đó đây. Được nhìn thấy từng con đường dân sinh đã làm thay da đổi thịt nhiều vùng quê nghèo khó Sa lại nghĩ về Thuần. Nếu không có những người như Thuần thì giấc mơ về những cung đường mở ra tương lai mãi mãi không thành hiện thực.

*

- Em muốn chúng mình chụp ảnh cưới ở đâu? Đà Lạt hay Sa Pa? Lên rừng hay xuống biển?

- Em muốn được ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc trên tất cả những con đường mà anh từng góp sức làm nên. Chúng mình sẽ làm nên một mùa xuân trọn vẹn.

- Vậy chỉ có hai chúng mình mà không cần một ekip nào đi theo cả. Chúng mình sẽ tự chụp cho nhau.

Nhưng chiếc máy ảnh của Thuần đã được đặt lên tay rất nhiều người khác. Đó là anh bạn tên Thắng mà Thuần quen khi về Vĩnh Phúc làm đường. Thắng hiền khô, chịu khó không ai bằng. Hồi đó Thuần mới ra trường vài năm chứ mấy, gặp Thắng cũng trẻ măng. Thắng không được học cao, ở với người mẹ mù, hằng ngày đi làm thuê quanh xã. Hôm Thắng đến xin làm công nhân Thuần ngó cái dáng vẻ thư sinh ấy mà thương. Dân công trình đi đâu cũng phải lo chỗ ăn chỗ ngủ. Thắng bảo: “Cứ kéo hết về nhà tớ mà ở. Nhà chẳng có gì nhưng rộng rãi”. Nhà rộng thật, cây lá lao xao, tiếng chim hót líu lo những buổi sáng bình yên. Bà mẹ mù hay ngồi hát ru trẻ con hàng xóm ngủ. Những lúc rảnh, Thắng thường rủ xuống ao mò cá nấu canh chua. Có khi cùng nhau luồn rừng đi đốt ong về xào lá mướp. Có lần tụi Thuần còn thi nhau bơi qua một con sông sang bờ bên kia ngẩng nhìn bầu trời trong xanh vời vợi mà hét lên thích thú. Rồi công trình hoàn thành, Thuần trở về thành phố tạm biệt mái nhà lá đơn sơ, người mẹ mù và anh bạn có tâm hồn đồng điệu. Giờ quay lại vẫn thấy người mẹ mù ngồi hát ru ngoài hiên, nhưng không phải ru trẻ con hàng xóm mà là cháu nội mình. Ngoài sân cây đào đã chúm chím nụ, lá dong xanh mướt sát hiên nhà. Vợ Thắng cười e thẹn khi pha trà mời khách: “Anh chị cứ ngồi chơi, em còn đang đảo dở chảo mứt dừa”. Thắng đi mổ lợn đụng về gặp bạn cũ vui mừng tí rơi rổ thịt. Chỉ ra đoạn đường mọc đầy hoa trạng nguyên đỏ rực, Thắng nói: “Đưa máy đây mình chụp hình cho, tụi cậu chỉ việc cười hạnh phúc”.

Máy ảnh được đặt lên bàn tay đen đúa nhăn nheo của một ông cụ già nua, nhà nằm bên mặt đường đê chạy dọc sông Hồng. Nhiều năm đã qua nhưng vừa gặp lại là ông nhận ra ngay, chỉ vào Sa hỏi: “Có phải là cô gái mà cháu từng đã kể với ông?”. Ông dẫn Sa vào nhà chỉ góc này ngày xưa Thuần căng màn nằm ngủ. Màn rách nên nửa đêm phải ngồi dậy thức cùng với muỗi. Ông chỉ ra góc vườn bảo chỗ kia Thuần bị rắn độc cắn “tí thì toi”, may mà sơ cứu kịp. Rồi ông chỉ về phía mái nhà thấp thoáng phía xa bảo: “Nhà cháu gái tôi đấy. Ngày xưa nó chết mê chết mệt anh kỹ sư cầu đường mà cậu Thuần không ưng. Cậu ấy nói đã có người chờ mình nơi phố thị”. Sa bỗng thấy rưng rưng hạnh phúc. Những con đường Thuần qua vẫn còn chờ đợi Sa. Ông cụ loay hoay tìm góc ảnh, chọn đúng khoảnh khắc đàn cò trắng bay qua sông Hồng, bấm máy. Sa còn chưa kịp nở nụ cười nhưng Thuần khen bức hình bình yên quá. Cảm giác bình yên còn hơn vạn nụ cười.

Bức ảnh cưới cuối cùng được chụp bên một đoạn đường đèo lên Sa Pa. Thuần nói: “Ngày xưa chỗ này toàn núi đá. Thi công đúng mùa mưa, tụi anh phải ăn dầm nằm dề cực lắm”. Sa nắm chặt tay Thuần lúc máy ảnh giơ lên. Người đi đường vừa dừng chụp ảnh giúp tụi Thuần có để lại lời chúc mừng hạnh phúc. Hai bên đường cây cỏ trổ hoa, lác đác vài tán đào nở sớm trong những khu vườn còn đẫm sương buổi sớm. Không cần mặc váy cưới tinh khôi Sa vẫn thấy mình đã có những bức hình đẹp nhất. Tụi Sa sẽ cưới nhau, những đứa trẻ đáng yêu sẽ lần lượt ra đời. Sau này khi các con lớn lên chúng có quyền tự hào khi đi qua một cung đường nào đó mà Thuần đã góp phần. Sa và các con sẽ là hậu phương đợi Thuần về sau khi hoàn thành một con đường, một cây cầu nào đó trên đất nước này.

Cúc nhà ai nở vàng, hồng nhà ai còn sót lại trong vườn chín đỏ. Xe trôi qua tiếng gà trưa xao xác, tiếng nghé ọ gọi đàn, tiếng bán mua chợ phiên lao xao. Và cả tiếng sum vầy ấm rực trong tim…

Vũ THỊ HUYỀN TRANG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/cung-duong-tinh-yeu-370393.html