Cùng em viết tiếp ước mơ

Nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm sóc trẻ em đang được các cấp, ngành, đoàn thể trong tỉnh triển khai đã góp phần giúp nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đến trường, có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cháu Ngọc được một doanh nghiệp nhận đỡ đầu với số tiền 500.000 đồng/tháng trong 8 năm

Cháu Ngọc được một doanh nghiệp nhận đỡ đầu với số tiền 500.000 đồng/tháng trong 8 năm

Thời gian qua, trẻ em hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, giúp các em viết tiếp ước mơ, trở thành người có ích cho xã hội.

Vượt qua bóng tối

Ở thị trấn Thanh Hà ai cũng biết đến hoàn cảnh của em Nguyễn Chiến Thắng (sinh năm 2013), là con út trong gia đình có 3 chị em. Bố Thắng mắc bệnh ung thư gan. Mẹ em phải xoay xở, vay mượn khắp nơi để chữa bệnh nhưng chồng không qua khỏi và mất cách đây khoảng 3 năm. Chồng mất, nợ nần nhiều, gánh nặng nuôi các con quá lớn, mẹ em bị trầm cảm, năm 2020 thì tự tử. Gia đình chỉ còn 3 chị em nương tựa nhau trong ngôi nhà tình nghĩa đã được các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ xây dựng trước đó. Ngày ấy, chị cả của Thắng vẫn đang học THPT. Nỗi đau quá lớn, nhiều lúc 3 chị em Thắng tưởng như không gượng qua nổi.

Hai năm nay, lần nào khi có đoàn đến thăm, động viên, chị em Thắng đều không kìm được nước mắt khi nhớ đến bố mẹ. Dù vậy, nhờ có sự quan tâm chia sẻ, động viên của chính quyền địa phương, các cấp Hội Phụ nữ và các đoàn thể khác, 3 chị em Thắng đã dần vực lại tinh thần để sống tốt hơn. Đến nay, chị cả của Thắng đã tốt nghiệp THPT, đi làm công ty để hỗ trợ 2 em ăn học. Trước hoàn cảnh éo le của 3 chị em Thắng, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh đã kết nối với các nhà tài trợ nhận đỡ đầu em Thắng trong 9 năm 9 tháng (kể từ quý II năm nay), mỗi tháng 500.000 đồng. Đây là trẻ mồ côi được đỡ đầu trong thời gian dài nhất tỉnh.

“Nếu không có sự chia sẻ của các cấp, ngành, đoàn thể, chị em tôi không có nhà để ở. Nay Thắng tiếp tục được các cấp Hội Phụ nữ kết nối đỡ đầu, tôi rất vui. Số tiền hỗ trợ này giúp hai em vững bước đến trường", chị Nguyễn Hải Hậu (chị gái Thắng) chia sẻ.

Một hoàn cảnh éo le khác là em Trần Quốc Ngọc (sinh năm 2011) ở khu 2, thị trấn Gia Lộc. Mẹ Ngọc (sinh năm 1978) bị câm, điếc bẩm sinh. Hai mẹ con phải ở nhờ gian bếp của bác ruột, chỉ rộng khoảng 10m2, ngày nắng thì bức bối, ngày mưa dột hết chỗ nọ đến chỗ kia. Mẹ Ngọc được nhận khoản hỗ trợ hằng tháng của người khuyết tật hơn 600.000 đồng. Để có tiền nuôi con, chị rửa bát thuê ở các đám cưới, đám giỗ. Chị còn bị bệnh ung thư vú, thường xuyên phải đi xạ trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Hiểu hoàn cảnh gia đình khó khăn, Ngọc đã nỗ lực học tập để mang lại niềm vui cho mẹ. Nhiều thầy cô đánh giá cháu có ý thức tốt, hòa nhã với bạn bè, vượt khó học giỏi. Từ tháng 4 năm nay, qua sự kết nối của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh, Ngọc được một doanh nghiệp nhận đỡ đầu với số tiền 500.000 đồng/tháng trong 8 năm.
Dù hoàn cảnh éo le nhưng nhiều trẻ mồ côi, trẻ hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh đã nỗ lực vượt lên hoàn cảnh. Với sự kết nối của các cấp, ngành, đoàn thể, các em đã được hỗ trợ tiền hằng tháng để tiếp tục được đi học, có cuộc sống tốt hơn.

Quan tâm hỗ trợ

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 470.526 người dưới 18 tuổi (chiếm 24,8% số dân), trong đó có 13.957 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hải Dương hiện có 2.717 trẻ đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng, 178 trẻ mồ côi cả cha và mẹ.

Ông Vũ Hồng Quân, Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết thời gian qua, Hải Dương đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp để thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách về trẻ em với 4 mục tiêu chính là phát triển toàn diện, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em; bảo vệ trẻ; giáo dục, văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ; sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.

Năm 2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, đối tượng và chế độ đối với một số đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo nghị quyết, mức trợ cấp của tỉnh được nâng lên thành 380.000 đồng/người/tháng, cao hơn 20.000 đồng/tháng so với mức trợ cấp chuẩn mức thấp nhất để các cơ quan có thẩm quyền căn cứ trợ cấp xã hội của Chính phủ.

Thời gian qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cũng duy trì nhiều chương trình hỗ trợ, chăm sóc trẻ em như khám sàng lọc phát hiện sớm các bệnh về tim, mắt, vận động, dị tật vùng hàm mặt cho trẻ em; hỗ trợ phẫu thuật tim bẩm sinh; kết nối nhận đỡ đầu, tặng sổ tiết kiệm, học bổng, xe đạp… nhân các dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì trẻ em, Tết Thiếu nhi 1.6, Tết Trung thu... Các cấp, ngành, đoàn thể đã tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà, hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19...

Đặc biệt, đầu tháng 4 vừa qua, Hội Phụ nữ tỉnh phối hợp tổ chức Chương trình “Mẹ đỡ đầu-Kết nối yêu thương”. Đến nay có trên 700 trẻ mồ côi, trẻ khó khăn được các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nhận đỡ đầu từ 1-5 năm (cá biệt có những trường hợp thời gian dài hơn) với tổng số tiền hỗ trợ hơn 16,3 tỷ đồng.

BÌNH AN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/cung-em-viet-tiep-uoc-mo-207540