Cùng hành động bảo vệ biển và hải đảo
Ngày Đại dương Thế giới (8/6) hằng năm do Liên hợp quốc thông qua thể hiện sự nỗ lực, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới cùng bảo tồn, phát triển bền vững biển và đại dương; tôn vinh những giá trị của đại dương đối với sự sống và cho sự phát triển thịnh vượng, bền vững của nhân loại. Chính vì vậy, chủ đề Ngày Đại dương Thế giới năm 2024 là: 'Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương' nhằm kêu gọi các quốc gia cùng khám phá, hiểu biết về đại dương; cùng nỗ lực bảo vệ đại dương, vì một đại dương xanh và bền vững.
Ngày Đại dương Thế giới (8/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 8/6 hằng năm là dịp để Việt Nam khẳng định tiềm lực và quyết tâm phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, đồng thời với bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ quyền quốc gia trên biển. Hưởng ứng Tuần lễ Biển, Hải đảo Việt Nam còn là dịp để tuyên truyền, vận động mọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị của tài nguyên và môi trường biển, đảo; lòng tự hào, ý thức dân tộc đối với chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước.
Để hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị đã chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng; tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền kiến thức pháp luật về lĩnh vực biển và hải đảo; tiến hành ký cam kết thực hiện mô hình “ngư dân mang rác vào bờ” nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến về hành lang bảo vệ bờ biển, phân loại và thu gom rác thải nhựa, quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển thuộc lãnh thổ Việt Nam, trang bị cho chủ tàu cá và ngư dân những kiến thức pháp luật, giúp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật.
Từ ngày 21-22/5/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Hải đội 202-Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2, tổ chức 2 hội nghị tập huấn, tuyên truyền kiến thức pháp luật về lĩnh vực biển và hải đảo năm 2024 tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh và thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh với hơn 200 chủ tàu cá và ngư dân.
Mục đích của khóa tập huấn là giúp cho cán bộ phụ trách công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển của địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, đồng thời phổ biến, tuyên truyền cho ngư dân việc thu gom, xử lý chất thải rắn trên tàu cá và việc khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, đảm bảo an ninh, trật tự trên biển.
Truyền đạt, thông tin chuyên đề về hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Quảng Trị; phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa trên tàu đánh cá; phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Phổ biến nội dung Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, hành lang bảo vệ bờ biển và một số văn bản quy phạm pháp luật khác về biển, đảo. Tuyên truyền về phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa trên tàu đánh cá; phổ biến Nghị định 71/2015/NĐ-CP ngày 3/9/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Thông qua tập huấn, các chủ tàu thuyền, ngư dân có dịp trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong quá trình ra khơi bám biển, giúp các cơ quan quản lý nhà nước về biển, đảo nắm bắt, tham mưu ban hành các văn bản, chính sách về quản lý khai thác biển, đảo sâu sát, cụ thể hơn.
Qua đó, tăng cường công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển, đảo trên địa bàn tỉnh ngày càng có hiệu quả, phát huy các giá trị tiềm năng của biển, hải đảo, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và vị thế về biển của Quảng Trị, gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị sinh thái; đồng thời gắn liền với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng- an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường và Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Vĩnh Linh tổ chức ký kết thực hiện mô hình “Ngư dân mang rác vào bờ” cho ngư dân các xã Vĩnh Thái, Kim Thạch và thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh.
Nội dung cam kết nhằm nâng cao ý thức về vị trí, tầm quan trọng của biển và hải đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển trong cộng đồng dân cư. Nâng cao ý thức về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, bảo vệ hệ sinh thái biển.
Không đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không đánh bắt những loài hải sản có nguy cơ tuyệt chủng; không đánh bắt thủy, hải sản bằng những hình thức sử dụng các chất nổ, xung kích điện.
Tuyên truyền, vận động người dân, ngư dân trên các tàu đánh cá giữ gìn vệ sinh môi trường biển, không vứt rác bừa bãi, không xả rác ra biển; cam kết thu gom rác thải trong quá trình đánh bắt, vận chuyển, mang rác vào bờ để xử lý; thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”.
Tuyên truyền nguy cơ ô nhiễm nhựa và nilon nhằm thay đổi, tiến tới không sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần.
Đặc biệt là giúp ngư dân hình thành nên thói quen không xả rác ra biển, tiến hành thu gom đưa vào bờ, góp phần làm sạch môi trường biển và đại dương.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/cung-hanh-dong-bao-ve-bien-va-hai-dao-186167.htm