Cùng hành động chống rác thải nhựa
Pepsico Việt Nam và Trung tâm Giáo dục và phát triển (CED) vừa phối hợp cùng Trường đại học Xây dựng Miền Trung tổ chức Hội thảo Nâng cao nhận thức về quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.
Với mục đích nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên và cộng đồng về rác thải nhựa, khuyến khích thay đổi hành vi giảm sử dụng nhựa một lần, hiểu biết thêm về nhựa và rác thải nhựa, đặc biệt là có các hành động cụ thể để thu gom và xử lý rác thải nhựa, biến rác thải nhựa thành tài nguyên hữu ích, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, các đại biểu tham gia hội thảo đã đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp thiết thực để thực hiện vấn đề này.
BÀ TÔ KIM LIÊN, GIÁM ĐỐC CED: Tạo ra các giải pháp thay thế sáng tạo từ nhựa
Dự án Tăng cường nhận thức về quản lý rác thải nhựa được tài trợ bởi Quỹ Pepsico thông qua Tổ chức Give2Asia, do CED phối hợp với các đối tác tại Việt Nam thực hiện trong hơn 2 năm từ tháng 1/2020-6/2022 tại một số tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Phú Yên.
Ngoài việc nâng cao nhận thức của giới trẻ và các nhà lãnh đạo trẻ, CED còn hợp tác với doanh nghiệp nhỏ và vừa để nâng cao nhận thức về vấn đề ô nhiễm nhựa đang ngày càng tăng và khuyến khích họ giảm thiểu rác thải nhựa. Chúng tôi cũng hợp tác với hiệp hội doanh nghiệp để giúp các doanh nghiệp thay đổi công nghệ, tạo ra các giải pháp thay thế sáng tạo để nhựa luôn được giữ trong một vòng tuần hoàn.
Trong tháng 12/2020, dự án đã tổ chức một hội thảo với đại diện 100 doanh nghiệp và các tổ chức khu vực miền Trung thảo luận về tác động của rác thải nhựa và các biện pháp giảm thiểu, thu gom tái chế rác thải nhựa trong doanh nghiệp và trong sinh hoạt hàng ngày.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo và tọa đàm chính sách với các doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách để thảo luận những chính sách cụ thể nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm các giải pháp thu gom, tái chế, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ra môi trường.
PGS.TS NGUYỄN VŨ PHƯƠNG, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC XÂY DỰNG MIỀN TRUNG: Hình thành thói quen tốt ở mỗi nhân
Kiến thức về nền kinh tế tuần hoàn, trong đó các tài nguyên được tận dụng lại hoặc tái chế thành đầu vào để tiếp tục sản xuất luôn được nhà trường quan tâm, trang bị cho sinh viên. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng, biến đổi khí hậu, tiến bộ công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng, trong khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn, vậy nên cán bộ, giảng viên, sinh viên của trường cam kết giảm sử dụng nhựa dùng một lần, đồng thời ủng hộ những sáng kiến tái sử dụng, thu gom, tái chế rác thải nhựa thành nguyên liệu đầu vào mới.
Trường đại học Xây dựng Miền Trung đang phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trường đại học kỹ thuật đa ngành theo định hướng ứng dụng, có uy tín trong lĩnh vực xây dựng, từng bước hội nhập với các trường đại học tiên tiến trong khu vực ASEAN. Để thực hiện được điều này, song song với công tác đào tạo, nhà trường cũng đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục sinh viên về bảo vệ môi trường.
Vì vấn đề chống rác thải nhựa không thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn cho nên các hoạt động liên quan cần có những kế hoạch cụ thể, lâu dài để đi sâu vào ý thức, hình thành thói quen tốt ở mỗi cá nhân và cùng với đó cần đẩy mạnh tuyên truyền rộng khắp để những người trẻ thấy được tác hại của việc sử dụng sản phẩm nhựa một lần đối với môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân về lâu dài.
TS NGUYỄN HOÀNG NAM, CHUYÊN GIA TƯ VẤN CHÍNH SÁCH, TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN: Kinh tế tuần hoàn và cơ hội giảm rác thải nhựa
Việc quản lý chất thải nói chung, nhất là chất thải nhựa, chất thải từ bao bì sau khi sử dụng đang là một vấn đề thách thức đối với môi trường và sức khỏe của người dân. Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành những cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức áp dụng kinh tế tuần hoàn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh để xây dựng tương lai bền vững cho doanh nghiệp theo tinh thần làm thế nào để sử dụng tốt hơn nguồn tài nguyên, sử dụng nguồn nguyên liệu từ chất thải tái chế, dùng nguyên liệu sinh học.
Có thể khẳng định, kinh tế tuần hoàn là nơi mà giá trị của sản phẩm, vật liệu và tài nguyên được duy trì lâu nhất có thể và chất thải được giảm thiểu. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Để phát triển kinh tế tuần hoàn, trong thời gian tới, mỗi người dân cần thay đổi thói quen trong việc sử dụng sản phẩm từ nhựa, chủ động tham gia phân loại, tái sử dụng hoặc tái chế rác thải; tích cực tham gia các mô hình kinh tế tuần hoàn được triển khai tại cộng đồng…
Đây là những giải pháp thiết thực, lâu dài để mang lại sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân gắn với bảo vệ môi trường.
BÀ ĐÀO THỊ KIM CHI, CHI CỤC PHÓ CHI CỤC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỞ TN-MT PHÚ YÊN): Rác thải nhựa sẽ được kiểm soát tốt hơn trong tương lai
Tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế và chuyển đổi mô hình tiêu dùng - sản xuất, lượng bao bì sử dụng một lần tăng lên nhanh chóng. Xét đến khía cạnh môi trường, công tác thu gom rác thải hiện nay đang thiếu rất nhiều, cả về phương tiện và kinh phí, đặc biệt là tại các vùng nông thôn. Chính vì thế, vấn đề cốt lõi là ý thức không xả rác, phân loại rác tại nguồn, đặc biệt là rác thải nhựa khó phân hủy sẽ giúp các đơn vị thu gom có nhiều lựa chọn để áp dụng các giải pháp tối ưu nhất xử lý.
Tại Phú Yên, thời gian qua, số đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom rác từ 28 đơn vị (năm 2016) đã tăng lên 44 đơn vị. Tỉ lệ rác được thu gom tăng từ 55% lên 85,5%. Khó khăn lớn hiện nay là rác thải chưa được phân loại tại nguồn; chưa tận dụng được nguồn tài nguyên rác thải; rác thải nhựa đang là áp lực môi trường lớn do việc xả thải bừa bãi của người dân, trong khi phương pháp xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp…
Với 80 lãnh đạo trẻ môi trường tại Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng được CED tuyển chọn, tập huấn và hỗ trợ để triển khai các chiến dịch tuyên truyền về rác thải nhựa cho 15.000 thanh thiếu niên và thực hiện các mô hình phân loại, thu gom rác thải nhựa để tái chế tại một số trường học và trong cộng đồng, tôi hy vọng rác thải nhựa sẽ được kiểm soát tốt hơn trong tương lai.
SINH VIÊN NGUYỄN HỮU TÀI, TRƯỜNG ĐẠI HỌC XÂY DỰNG MIỀN TRUNG: Phát huy vai trò là lãnh đạo trẻ môi trường
Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn dân. Lâu nay, sinh viên chúng tôi luôn hưởng ứng các cuộc vận động như Ngày thứ bảy tình nguyện, Ngày chủ nhật xanh và cùng với các ban ngành, đoàn thể thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh nơi công cộng. Tuy nhiên, những việc làm này chưa được lan tỏa mạnh mẽ và trở thành việc làm tự giác trong mỗi sinh viên.
Được tham gia lớp tập huấn lãnh đạo trẻ môi trường lần này, chúng tôi được trang bị các kỹ năng lãnh đạo, tổ chức hoạt động cộng đồng, kiến thức về quản lý rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, xây dựng kế hoạch cho các hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức cho giới trẻ về rác thải nhựa…
Sau tập huấn, tôi sẽ phối hợp với lãnh đạo nhà trường tiến hành các chiến dịch truyền thông và triển khai các hoạt động thu gom rác thải nhựa, trước hết là thực hiện phân loại rác ngay tại trường, bằng cách thiết kế và đặt các thùng rác (có nhiều ngăn) để phân loại rác; hướng dẫn và kêu gọi các bạn sinh viên hưởng ứng việc hạn chế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần…
Ngoài việc nâng cao nhận thức, thông qua hội thảo này, các chuyên gia đã cung cấp thông tin cho sinh viên và các doanh nghiệp về nền kinh tế tuần hoàn, tác động của ô nhiễm rác thải nhựa, tài nguyên từ rác thải, hiện trạng thu gom, xử lý rác thải nhựa tại địa phương và thảo luận các biện pháp giảm thiểu và tái chế rác thải nhựa trong thời gian tới.
THÚY HẰNG (ghi)
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/254671/cung-hanh-dong-chong-rac-thai-nhua.html