Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS
Nhân Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 với chủ đề 'Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS', PV Báo Lâm Đồng có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa II (BSCK II) Lê Văn Phú - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng xung quanh chủ đề này.
* PV: Thưa BS! Xin ông cho biết chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS” có ý nghĩa như thế nào?
- BSCK II Lê Văn Phú: Chủ đề của Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 là “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS!”. Liên quan đến chủ đề này, Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động mục tiêu 90-90-90, tức là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác, ở cấp độ toàn cầu để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
* PV: Hướng tới mục tiêu 90-90-90, cho đến thời điểm này Lâm Đồng đã thực hiện 3 mục tiêu vừa nêu với kết quả bước đầu như thế nào?
- BSCK II Lê Văn Phú: Về thực hiện chỉ tiêu 90-90-90, tại Lâm Đồng đã thực hiện được 78,2% người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 73,6% người nhiễm HIV diện quản lý được điều trị ARV và đang triển khai xét nghiệm tải lượng vi rút cho bệnh nhân để đánh giá tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng HIV thấp dưới ngưỡng ức chế.
* PV: BS có thể nhận định về tình hình nhiễm HIV tại Lâm Đồng hiện nay?
- BSCK II Lê Văn Phú: Tại Lâm Đồng, tính đến ngày 31/10/2019, đã có 1.590 người nhiễm HIV tích lũy, 284 bệnh nhân AIDS và 577 người tử vong vì các bệnh liên quan đến HIV. Có 740 người hiện còn sống tại địa phương. Trong 10 tháng đầu năm 2019 đã xét nghiệm phát hiện 51 trường hợp nhiễm HIV dương tính, đưa 121 trường hợp nhiễm HIV vào quản lý.
Về phân bố địa bàn dịch, đến năm 2019, người nhiễm HIV đã phân bố khắp cả 12/12 huyện, thành phố trong tỉnh, chủ yếu tập trung ở thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc, huyện Đức Trọng và Lâm Hà, Di Linh và Bảo Lâm. Trong đó, thành phố Đà Lạt và huyện Lâm Hà có số người phát hiện mới cao nhất. Số ca nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn đang ở giai đoạn tập trung trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao, đặc biệt là trong nhóm tiêm chích ma túy (33,0%), nhóm quan hệ tình dục khác giới (8,6%) và bắt đầu xuất hiện ở các nhóm đối tượng khác như nhóm quan hệ tình dục đồng giới (2,5%), nhóm phụ nữ có thai (7,7%). Tập trung ở độ tuổi trẻ từ 25 - 49 tuổi chiếm 74,3% và nhóm từ 15 - 24 tuổi (18,2%), trong đó nam chiếm đa số (68,3%), nữ (31,7%).
* PV: Giải pháp triển khai hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới?
- BSCK II Lê Văn Phú: Trong thời gian tới, Lâm Đồng tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tập trung vào các hoạt động can thiệp giảm tác hại trong nhóm người có hành vi nguy cơ cao, tăng cường công tác xét nghiệm phát hiện các trường hợp nhiễm HIV mới, xét nghiệm đo tải lượng vi rút cho bệnh nhân, tăng cường công tác điều trị cho bệnh nhân thông qua bảo hiểm y tế, đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Tất cả các hoạt động đều hướng đến thực hiện thành công chỉ tiêu 90-90-90 hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
* PV: Xin cám ơn BS đã dành thời gian cung cấp thông tin bổ ích đến bạn đọc!