Cùng hành động để nâng cao chất lượng dân số
Tại Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển lần đầu tiên được tổ chức năm 1994 ở Cairo (Ai Cập), thế giới đồng ý rằng dân số không chỉ là đếm số người dân mà còn cần đảm bảo rằng mọi người đều được quan tâm.
Đến nay sau 25 năm, công tác dân số trên thế giới đã có nhiều bước tiến tích cực. Riêng tại Việt Nam, công tác này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
* Những thành tựu đạt được
Mục tiêu của chương trình hành động Dân số và phát triển trong thời gian tới là khai thác hiệu quả cơ cấu dân số vàng, xây dựng một xã hội công bằng và không ai bị bỏ lại phía sau - một xã hội mà thanh niên và vị thành niên được sống khỏe mạnh, hữu ích; người cao tuổi và người khuyết tật cảm thấy mình không bị xa lánh hay cô lập tại cộng đồng, họ cảm thấy mình đang sống có ích; một xã hội không tồn tại sự kỳ thị và phân biệt đối xử; một xã hội luôn thúc đẩy, tôn trọng và bảo vệ công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục.
Cụ thể, tốc độ gia tăng dân số bình quân hằng năm giảm từ 1,7% giai đoạn 1989-1999 xuống còn 1% giai đoạn từ năm 2010 đến nay. Số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 2,33 con năm 1999 xuống còn 2,05 con vào năm 2018. Tại Đồng Nai, mức sinh đã giảm mạnh từ 6,5 con/cặp vợ chồng xuống còn 1,9-2 con/cặp vợ chồng.
Dân số nước ta hiện khoảng gần 95 triệu người, ước tính quy mô dân số đã giảm được khoảng 20 triệu người. Cơ cấu dân số có những thay đổi tích cực. Từ năm 1989 đến nay, dân số dưới 15 tuổi giảm từ 39,2% xuống còn 24%; dân số trong độ tuổi lao động tăng từ 56,1% lên 68,4%; dân số trên 65 tuổi tăng từ 4,7% lên 7,6%. Nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh vào năm 2020 với khoảng 70% dân số trong độ tuổi lao động. Giai đoạn dân số vàng dự kiến kéo dài khoảng 30-40 năm.
Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, giảm lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong trẻ em, tử vong mẹ giảm mạnh so với những năm 1990. Đến nay, 25% bà mẹ mang thai và 35% trẻ sơ sinh đã được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp và điều trị sớm một số bệnh tật.
Tầm vóc thể lực của người Việt Nam cũng có bước cải thiện, chiều cao trung bình của nam đạt 164cm và nữ là 153cm. Tuổi thọ trung bình tăng từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 73,5 tuổi năm 2018. Mật độ dân số tăng ở những nơi thưa dân như vùng Tây nguyên và giảm ở nơi đông dân như vùng đồng bằng sông Hồng. Dân số được phân bố đáp ứng nhu cầu lao động của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế - quốc phòng...
* Vẫn còn nhiều thách thức
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, với gần 95 triệu dân, Việt Nam đang đứng thứ 14 trong số các quốc gia đông dân nhất thế giới. Tỷ số giới tính khi sinh giữa bé trai/bé gái vẫn ở mức cao (112 bé trai/100 bé gái), đưa Việt Nam vào nhóm 15 nước có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất trên thế giới, đứng thứ 2 châu Á (chỉ sau Trung Quốc). Điều này ảnh hưởng xấu tới cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn đến tình trạng dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự kiến đến năm 2050, Việt Nam sẽ có từ 2,3-4,3 triệu nam giới không tìm được vợ. Từ đó gây ra nhiều hệ lụy khác như: vấn đề buôn bán phụ nữ, mại dâm...
Với đặc điểm là tỉnh công nghiệp, những năm qua Đồng Nai thu hút một lượng lớn lao động ngoại tỉnh đến làm việc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Song, số lượng dân nhập cư quá đông, đặc biệt là công nhân lao động đang trong độ tuổi sinh đẻ lớn đã ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng dân số của tỉnh.
Tại một số địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp như: TP.Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch, nhiều gia đình công nhân phải sống trong các phòng trọ chật hẹp, không đủ điều kiện sinh hoạt tối thiểu. Do dân số tăng cơ học quá nhanh, ở một số xã, phường trong tỉnh không có đủ trường học cho học sinh, để xảy ra tình trạng học sinh tiểu học phải học ca ba, mượn phòng học của nhà thờ, nhà văn hóa, phòng học dành cho sinh viên đại học. Có những lớp học diện tích, bàn ghế chỉ vừa đủ cho khoảng 35-40 học sinh nhưng có đến 60 học sinh.
Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh cũng diễn ra tại Đồng Nai và hiện đang là một trong những khó khăn lớn trong công tác dân số. Mặc dù tỷ số bé trai/bé gái đã giảm từ 119/100 vào năm 2006 xuống còn 107/100 vào năm 2018 nhưng qua 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy tỷ số này có nguy cơ tăng trở lại ở mức 111 bé trai/100 bé gái. Mục tiêu giảm sinh vẫn chưa thực hiện được vì nửa năm 2019 có hơn 19,4 ngàn trẻ được sinh ra, tăng 185 trẻ so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó có hơn 1,2 ngàn trẻ được sinh ra là con thứ 3 trở lên.
* Hành động để nâng cao chất lượng dân số
Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết, nhằm đạt được những mục tiêu đã cam kết với thế giới, Việt Nam nói chung và Đồng Nai xác định sẽ tiếp tục tập trung duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số một cách chủ động, phân bổ dân số hợp lý, từng bước nâng cao chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội.
Để người dân, đặc biệt là các cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ hiểu rõ hơn về các chính sách liên quan đến dân số, 6 tháng đầu năm 2019, Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã cấp miễn phí hơn 2 ngàn vòng tránh thai, 15 ngàn chiếc bao cao su cho người dân tại 60 xã vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao trong tỉnh.
Thực hiện dự án Tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, các bệnh viện trong tỉnh đã thực hiện sàng lọc trước sinh cho hơn 16,3 ngàn thai phụ, chiếm 84% số phụ nữ mang thai; sàng lọc sơ sinh cho hơn 13,7 ngàn trẻ. Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh phối hợp với các tổ chức, đoàn thể chính trị trong tỉnh tổ chức tư vấn trực tiếp, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng... đến đông đảo người dân về quy định nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi; xây dựng, duy trì hoạt động của các câu lạc bộ không sinh con thứ 3, câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau phát triển.
Trong 6 tháng cuối năm 2019, Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh sẽ phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh và các trường dạy nghề, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh để tuyên truyền mạnh về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân trong tỉnh, đặc biệt là đối tượng công nhân lao động.
Chủ đề của Ngày Dân số thế giới năm 2019 là: 25 năm sau Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển: Thúc đẩy tiến độ nhằm đạt được những nội dung đã cam kết.
Việc lấy ngày 11-7 hằng năm là Ngày Dân số thế giới nhằm nhắc nhở các quốc gia và mỗi người sống trên trái đất về nguy cơ dân số tăng quá nhanh sẽ khiến con người không đủ điều kiện sống với đầy đủ quyền chính đáng như: quyền học hành, có việc làm, đủ dinh dưỡng, nhà ở, bảo vệ sức khỏe... Qua đó để kịp thời đưa ra những hành động đúng, lấy con người làm trung tâm để nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng dân trí và cải thiện môi trường sinh thái.