Cùng hành động, góp sức bảo vệ môi trường

Các hộ nuôi trồng thủy sản ở phường Xuân Yên bắt đầu hình thành thói quen mang rác từ vùng nuôi lên điểm tập kết trên bờ. Ảnh: MINH DUYÊN

Sau khoảng 1 năm đi vào hoạt động, đến nay mô hình thu gom rác thải ở vịnh Xuân Đài, phường Xuân Yên (TX Sông Cầu) đã thu hút được nhiều hộ dân tham gia, bước đầu hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường trong sinh hoạt của người dân và những người nuôi trồng thủy hải sản ở đây.

Đáp ứng mong mỏi của người dân

Ông Nguyễn Văn Tỉnh ở khu phố Lệ Yên Đông, cho biết: Bao lâu nay, tôi cũng như nhiều người dân vẫn quen vứt rác ra biển. Tới khi được tuyên truyền bảo vệ môi trường, bản thân cũng muốn mang rác tới đúng nơi quy định nhưng không thấy chỗ tập kết rác. Nhiều lúc rác mang từ lồng bè vô bờ cũng chỉ biết tiện chỗ nào để chỗ đó, rồi thủy triều lên cũng cuốn lại ra biển. Giờ thì khác rồi, khi mô hình thu gom rác thải được triển khai, trên bờ đã có điểm tập kết rác, bố trí thùng đựng rác tại chỗ rất vệ sinh nên tiện cho người dân chúng tôi.

Còn theo ông Lê Tấn Thành ở khu phố Long Hải Bắc, rác ở bờ biển nhiều do người dân ở đây đổ bỏ và do gió biển, mỗi lần thủy triều lên tấp vô. “Người dân cũng muốn thu dọn nhưng ngặt nỗi không có phương tiện chở đi xử lý, nếu dồn lại thành đống để đốt thì khói bụi, và nhiều loại rác không đốt bỏ được như xác hải sản, vụn xà bần… vẫn còn lại, rất mất vệ sinh. Cho tới khi mô hình đi vào hoạt động, có đội vệ sinh đưa xe đẩy chở ra đường lớn đi xử lý thì bà con chúng tôi rất mừng”, ông Thành cho biết.

Bà Nguyễn Thị Kim Trang ở khu phố Phước Lý, cũng bày tỏ: Phường Xuân Yên nói riêng và vịnh Xuân Đài nói chung được thiên nhiên ưu đãi với khung cảnh đẹp và điều kiện nuôi trồng thủy hải sản, đã trở thành nguồn sinh kế của người dân bao đời ở đây. Bà con cũng ý thức được bảo vệ môi trường là bảo vệ nguồn sinh kế nên rất đồng tình với các cơ quan chức năng trong triển khai các giải pháp giúp giữ gìn vệ sinh môi trường nơi đây, trong đó có mô hình thu gom rác thải. Biết chính quyền triển khai mô hình này, gia đình tôi đăng ký tham gia ngay từ đầu và luôn đóng phí vệ sinh đầy đủ. Tôi mong muốn mô hình được nhân rộng hơn nữa để việc giữ gìn vệ sinh trở thành thói quen, thành nếp sống của người dân và những hộ nuôi trồng thủy hải sản.

Bước đầu hiệu quả

Ông Lê Hữu Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Yên, cho biết: Về trang thiết bị, mô hình căn bản có đầy đủ các phương tiện thu gom, giỏ đựng chất thải và đội ngũ công nhân đủ đáp ứng yêu cầu công việc. Cụ thể, 12 xe đẩy tay loại 3 bánh có nắp đậy, 247 giỏ nhựa đựng chất thải cho hộ nuôi do Sở TN-MT hỗ trợ; 140 giỏ nhựa có quai đựng chất thải, dụng cụ cho đội trung chuyển, kinh phí trả lương công nhân vệ sinh do UBND TX Sông Cầu hỗ trợ. Ngoài ra, mô hình còn được hỗ trợ kinh phí tuyên truyền phát tờ rơi và cử cán bộ vận động từng người dân ký cam kết tham gia. Hiện mô hình thu hút được 310 người cam kết và 224 hộ đã thực hiện đóng phí dịch vụ.

Theo UBND TX Sông Cầu, phường Xuân Yên là một trong những địa bàn trọng điểm nuôi trồng thủy sản trên vịnh Xuân Đài với số lồng tôm nuôi gần 9.500 lồng. Ở đây đã từng xảy ra hiện tượng tôm chết hàng loạt, một phần là do rác tích tụ nhiều năm cộng với biến động thời tiết bất thường dẫn đến ô nhiễm môi trường. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết phải giải quyết được bài toán về rác thải. Năm 2019, mô hình thu gom chất thải từ nuôi trồng thủy sản trên mặt nước vịnh Xuân Đài, phường Xuân Yên được khởi động. Đến nay, mô hình đã căn bản hoạt động ổn định với thời gian thu gom rác được ấn định vào 15 giờ các ngày thứ 2, 4 và 6 hàng tuần tại 6 điểm tập kết rác có gắn bảng. Khối lượng rác được thu gom cũng tăng từ 2-3m3/đợt thu lên khoảng 6m3/đợt thu.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết mô hình, đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Đây là mô hình điểm của TX Sông Cầu nói riêng và cả tỉnh nói chung về thu gom rác thải nuôi trồng thủy hải sản. Mặc dù mới hoạt động thời gian ngắn nhưng mô hình đã thu hút trên 80% hộ cam kết và gần 58% hộ tham gia bằng hành động đóng phí vệ sinh. Điều này cho thấy nỗ lực của các sở, ngành, cả hệ thống chính trị địa phương và sự ủng hộ nhiệt tình của người dân phường Xuân Yên. Nhiệm vụ là phải duy trì và nhân rộng mô hình này ở nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh, tạo thành chuỗi hành động thiết thực trong bảo vệ môi trường biển. Muốn vậy, mô hình này cần đặt ra mục tiêu trong thời gian tới là phải đưa được toàn bộ chất thải từ nuôi trồng thủy sản vào bờ; xử lý nghiêm các hành vi thải bỏ rác thải không đúng nơi quy định. Địa phương gắn việc xử lý rác thải, chất thải với công tác quy hoạch, rà soát định kỳ lượng bè nuôi trên địa bàn, giãn đúng khoảng cách giữa các bè, hỗ trợ người nuôi di dời lồng bè vào vùng quy hoạch và khẩn trương sắp xếp lồng bè theo quy hoạch được duyệt.

Biết chính quyền triển khai mô hình này, gia đình tôi đăng ký tham gia ngay từ đầu và luôn đóng phí vệ sinh đầy đủ. Tôi mong muốn mô hình được nhân rộng hơn nữa để giữ gìn vệ sinh trở thành thói quen, thành nếp sống của người dân và những hộ nuôi trồng thủy hải sản.

Bà Nguyễn Thị Kim Trang ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/241411/cung-hanh-dong-gop-suc-bao-ve-moi-truong.html