Cùng hành động vì môi trường không khói thuốc

ĐBP - Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe. Hút thuốc lá là nguyên nhân mắc các bệnh như: Ung thư, đột quỵ, các bệnh về đường hô hấp, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngoài ra, khói thuốc lá cũng làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe của những người xung quanh, đặc biệt là người già, phụ nữ và trẻ em. Để bảo vệ sức khỏe, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, thời gian qua, ngành Y tế đã có nhiều hoạt động thiết thực với mục tiêu hướng tới môi trường không khói thuốc.

Đoàn viên, thanh niên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh tìm hiểu về tác hại của thuốc lá.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá cao nhất thế giới, đối mặt với sự tổn thất ngày càng lớn về kinh tế và sức khỏe. Mỗi năm, thuốc lá gây ra khoảng 400.000 ca tử vong sớm, chi phí điều trị bệnh và mất khả năng lao động do thuốc lá gây ra ước tính hơn 1 tỷ USD/năm. Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh, thời gian qua, Sở Y tế đã tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống tác hại thuốc lá; đẩy mạnh truyền thông về tác hại của thuốc lá, đồng thời thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn toàn tỉnh. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh, hàng năm công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá được triển khai rộng rãi ở tất cả các huyện, thị, thành phố với nhiều hình thức tuyên truyền, như: Mít tinh, diễu hành hưởng ứng Ngày Thế giới không hút thuốc lá; Tuần lễ quốc gia không khói thuốc lá, treo băng rôn, pa nô; phát trên loa truyền thanh… Cơ quan chức năng cũng đã tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra và giám sát liên ngành về các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá ở các cơ quan, đơn vị. Nội dung kiểm tra tập trung vào quy định về quảng cáo, khuyến mại, kinh doanh thuốc lá đối với các cơ sở, đại lý bán lẻ; địa điểm cấm hút thuốc lá (hệ thống biển báo, việc tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện theo quy định…). Tại các cơ quan, đơn vị được kiểm tra, giám sát, phần lớn đã treo biển cấm hút thuốc, phổ biến nội quy không hút thuốc lá; một số đơn vị còn đưa việc không hút thuốc lá vào tiêu chí xếp loại thi đua hàng năm…

Bên cạnh những cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc quy định Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, qua kiểm tra, giám sát của ngành Y tế thì vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh chưa tuân thủ các quy định, nhất là hệ thống biển cấm. Cùng với đó, tình trạng hút thuốc ngoài cộng đồng, những nơi công cộng khá phổ biến. Chị Nguyễn Hoàng Hường, tiểu thương ở chợ Mường Thanh chia sẻ: Buôn bán ở đây nhiều năm nay, tôi nghĩ mình bị ảnh hưởng khá nhiều bởi khói thuốc. Dù rất khó chịu nhưng tôi và các chị em quanh đây chỉ biết nhắc nhở những người hút thuốc đứng ra xa hoặc đi chỗ khác hút. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt và tạm thời, tôi rất mong cơ quan chức năng có những biện pháp cứng rắn hơn, quyết liệt hơn để môi trường không còn khói thuốc.

Có thể thấy, thời gian qua, dù cơ quan chức năng đã có nhiều hành động nhằm giảm thiếu tối đa tác hại thuốc lá đối với con người, môi trường, tuy nhiên tình trạng này vẫn còn khá phổ biến. Tại tỉnh ta, tuy chưa có nghiên cứu hoặc thống kê chính xác về số người hút thuốc; nhưng thực tế cho thấy tại nhiều nơi công cộng vẫn có người hút thuốc, mặc cho bên cạnh là người già, trẻ nhỏ, không gian hẹp, thậm chí ngay dưới biển cấm hút thuốc. Để có được môi trường trong lành, không khói thuốc, bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng, cần sự vào cuộc trách nhiệm hơn của cả cộng đồng, xã hội...

Bài, ảnh: Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/197715/cung-hanh-dong-vi-moi-truong-khong-khoi-thuoc