Cùng học trò vùng biên thực hiện ước mơ tới trường
Dang rộng vòng tay yêu thương, những người lính Đồn Biên phòng Mường Lạn, BĐBP Sơn La đã đồng hành với những cô, cậu học trò vùng biên thực hiện ước mơ tới trường trong suốt những năm qua. Dưới mái nhà thân thương của những người lính, nhiều con em của đồng bào dân tộc thiểu số đã được nuôi dưỡng, tạo điều kiện học hành đầy đủ để gây dựng tương lai.
Sau 5 năm về sống dưới mái nhà mang tên Đồn Biên phòng Mường Lạn, cô bé Sậm Thị Dở, người dân tộc Mông gầy gò, ốm yếu ngày nào giờ đã phổng phao, mạnh khỏe, nhanh nhẹn, tháo vát. Cô bé là con thứ 7 trong gia đình có 8 anh chị em, mồ côi bố từ khi mới 2 tuổi. Một mình mẹ của Dở tần tảo nuôi 8 người con nên rất vất vả. Cái đói, cái nghèo bủa vây khiến cho cuộc sống của gia đình em luôn thiếu ăn, thiếu mặc. Con đường đến trường của anh chị em Dở vì thế cũng gian nan, vất vả vô cùng. “Chúng con phải đi bộ rất xa mới tới trường học. Các anh chị của con mỗi lần xuống trường đều mang theo 1-2 cân gạo để nấu ăn. Con cứ nghĩ cũng sẽ phải đi học xa, phải chịu khổ như các anh chị của mình” - cô bé Dở kể.
Năm nay, Sậm Thị Dở học lớp 8. Được sự rèn giũa, động viên của những người lính, cô bé có kết quả học tập tốt hơn. Dở cho hay: “Bằng tuổi con đã có bạn bỏ học đi lấy chồng, nhưng con sẽ không thế. Con ước mơ sau này làm cô giáo để dạy học cho các em ở bản”.
Nỗi lo sợ của cô bé đã được những người lính Đồn Biên phòng Mường Lạn xóa bỏ. Sau khi thảo luận đi đến thống nhất, năm 2016, chỉ huy đơn vị đã tới nhà đặt vấn đề với mẹ của Dở nhận đón em về nuôi dưỡng. Cô bé 8 tuổi được bố trí ở cùng với những anh chị học trò mà đồn đã nhận nuôi dưỡng trước đó để có thể hòa nhập nhanh hơn. Dở tâm sự: “Những ngày đầu, con hay khóc vì nhớ nhà. Các anh chị và các chú, các bác đã động viên, giúp đỡ con rất nhiều”.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, cô bé đã thích nghi được với cuộc sống của bộ đội. Dở dậy sớm theo kẻng của đơn vị, biết tự giặt quần áo, quét dọn nhà cửa, chăm sóc vườn rau...
Đồn Biên phòng Mường Lạn đã thực sự trở thành mái ấm gia đình đối với Dở. Cô bé tâm sự: “Các anh chị cũng giúp đỡ con học tập, giảng cho con những chỗ con chưa hiểu. Bài tập nào khó hơn, các anh chị không giúp được, các bác sẽ giảng giúp con. Ở nhà con chỉ có cơm trắng và rau thôi, còn ở đây, con được ăn cơm với thịt, được các chú, các bác mua cho rất nhiều áo ấm. Các bác còn tặng cho con rất nhiều đồ dùng. Con rất vui vì giờ đây, con có rất nhiều bố nuôi” - cô bé chia sẻ.
Chiều tối thứ 7, tôi theo chân các cán bộ của Đồn Biên phòng Mường Lạn đưa Dở về thăm gia đình. Chị Lầu Thị Sọ, mẹ cô bé vui mừng ra mặt khi thấy con mình khỏe mạnh, trắng trẻo ra. Chị bộc bạch: “Nếu không được bộ đội nuôi dưỡng, con bé chắc không được như ngày hôm nay. Ở nhà chỉ có cơm trắng và muối, còn ở với bộ đội bữa nào con cũng được ăn cơm với cá, thịt. Tôi rất biết ơn bộ đội. Chồng tôi mất sớm, tôi lại không biết chữ nên rất khổ. Vì thế, tôi phải cố hết sức để các con được đi học. Trước đây, con trai tôi cũng đi nghĩa vụ quân sự tại Đồn Biên phòng Mường Lạn. Nhờ bộ đội, các con tôi trưởng thành hơn. Tôi luôn bảo con cố gắng học để có tương lai tốt đẹp”.
Đến nay, Đồn Biên phòng Mường Lạn đã thực sự trở thành mái nhà thân thương của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, giúp các em thực hiện ước mơ đang theo đuổi. Trung tá Vì Văn Chương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Lạn cho biết: “Từ năm 2016 đến nay, chúng tôi đã và đang nuôi dưỡng 5 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn và đỡ đầu 1 học sinh người Lào. Trong đó, cháu Giàng Đậu Tủa đã học hết lớp 12. Năm 2021, cháu thi đỗ ngành Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Cháu Giàng Bả Hợ đã tốt nghiệp trung học phổ thông. Hiện còn cháu Dở đang học lớp 8 vẫn sinh sống trong đơn vị. Còn hai anh em cháu Thào Tra Pó (lớp 12) và Thào Thị Dâu (lớp 10) đang học ngoài huyện Sốp Cộp. Hằng tháng, chúng tôi đều chu cấp sinh hoạt phí cho các cháu”.
Có một điều khá đặc biệt, chị Vàng Thị Pạ Dê, mẹ cháu Dâu và Pó lại chính là học viên lớp xóa mù chữ do Đồn Biên phòng Mường Lạn mở khóa đầu tiên vào năm 2015. Có lẽ vì thế mà chị Vàng Thị Pạ Dê luôn dành tình cảm yêu quý đặc biệt mỗi khi nhắc đến cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lạn.
Chúng tôi hỏi về chuyện nhận nuôi các cháu học sinh, Trung tá Vì Văn Chương chia sẻ: “Dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng hằng tháng, cán bộ, chiến sĩ cùng chia sẻ một phần lương, phụ cấp của mình để nuôi dưỡng các con, làm cho Đồn Biên phòng Mường Lạn thực sự là gia đình thứ hai của các con. Ở xã Mường Lạn, chưa có phụ nữ Mông nào được học hành đến nơi, đến chốn, vì vậy, chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất và động viên các con nuôi của mình học tập, thực hiện được ước mơ tới trường. Các con thành công sẽ lan tỏa được tinh thần học tập và làm gương cho người khác noi theo. Tôi nghĩ rằng, khi các con được giúp đỡ để tiến bộ và trưởng thành, lớn lên các con sẽ lại giúp đỡ các em nhỏ khác”.
Ngoài việc nuôi dưỡng học sinh nghèo, Đồn Biên phòng Mường Lạn còn kêu gọi các nhà hảo tâm tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, trao tặng quần áo, chăn ấm, đồ dùng học tập cho trẻ em nơi biên cương. Trao yêu thương, truyền hy vọng, lan tỏa những việc làm tốt đẹp hướng tới trẻ em là điều mà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lạn đã và đang thực hiện. Tôi biết rằng, dù khó khăn, vất vả, nhưng những người lính ở đây vẫn luôn đồng hành cùng với trẻ em nghèo thực hiện ước mơ. Điều đó thật đáng trân trọng.