Cùng hướng đến 'Những chân trời tăng trưởng mới'

Sáng 25/6, Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới đã khai mạc tại Đại Liên, Trung Quốc (WEF Đại Liên). Với chủ đề 'Những chân trời tăng trưởng mới', hội nghị thu hút sự tham dự của hơn 1.700 đại biểu đến từ 80 quốc gia, tổ chức quốc tế. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu đặc biệt tại phiên khai mạc toàn thể cùng với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.

Đổi mới, sáng tạo và hội nhập

Đây là lần thứ ba liên tiếp lãnh đạo Diễn đàn Kinh tế thế giới- WEF mời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị thường niên, không chỉ thể hiện sự coi trọng của WEF đối với Việt Nam mà còn là sự đánh giá cao của WEF với vai trò của Việt Nam trong đóng góp vào các thảo luận về các vấn đề toàn cầu cũng như chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng về đổi mới, hội nhập và phát triển.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đưa ra 4 đề xuất: Tăng cường hợp tác phát triển và chia sẻ công nghệ trên tinh thần cùng thắng; phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên, thực hiện các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; thúc đẩy thị trường mở, tăng cường mở cửa, tương tác, phá bỏ các rào cản hướng đến chân trời mới; phát triển bao trùm, cùng có lợi, hợp tác đào tạo, nâng cao năng lực cho người lao động, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda chia sẻ công thức thành công để đất nước này trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh trong Liên minh châu Âu nhờ vào các chính sách đầu tư hạ tầng cơ sở, tận dụng vị trí địa lý thuận lợi là trung tâm của châu Âu để kết nối với châu Á, thúc đẩy quá trình kết nối kinh tế giữa EU và châu Á, trong đó có Trung Quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Nhật Bắc

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ nhận định sâu sắc về 5 đặc điểm nổi bật của kinh tế thế giới cùng 3 yếu tố chủ đạo tác động, ảnh hưởng tới thế giới hiện nay và 3 lĩnh vực tiên phong định hình thế giới tương lai. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò đầu tầu của kinh tế Trung Quốc đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Việt Nam vui mừng trước sự phát triển và sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong điều kiện thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, thách thức. Việt Nam tin tưởng Trung Quốc tiếp tục phát huy vai trò, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới…

Chia sẻ câu chuyện của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sự thành công của Việt Nam trong gần 40 năm qua gắn liền với những từ khóa then chốt: Đổi mới, sáng tạo và hội nhập. Từ một nước bị tàn phá sau nhiều năm chiến tranh và bao vây cấm vận, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việt Nam được cộng đồng quốc tế coi là hình mẫu trong hàn gắn, khôi phục vết thương chiến tranh, gác lại quá khứ, tôn trọng sự khác biệt, hướng tới tương lai, biến thù thành bạn, thực hiện thành công các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.

Những thành tựu đạt được khẳng định sự đúng đắn của các chủ trương, quan điểm phát triển của Đảng, Nhà nước Việt Nam với 3 nền tảng, 6 chính sách trọng tâm, 3 đột phá chiến lược cùng quan điểm mang tính nguyên tắc xuyên suốt là: Giữ vững ổn định chính trị; lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thực hiện “3 cùng”

Để hướng tới “Những chân trời tăng trưởng mới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bên cùng xây dựng, củng cố lòng tin, đề cao đối thoại, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, hợp tác và phát triển, giải quyết hiệu quả các vấn đề dựa trên luật lệ và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan; không chính trị hóa và phân biệt đối xử với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mang tính toàn cầu.

Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận với các nhà lãnh đạo (IGWEL) về “Hợp tác để hướng tới tăng trưởng kinh tế”. Để hợp tác hướng đến tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh 5 giải pháp ưu tiên, gồm: Xây dựng, đổi mới hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu theo hướng hiệu quả, minh bạch, bao trùm; xây dựng khuôn khổ phối hợp chính sách vĩ mô; thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư; tăng cường hợp tác huy động nguồn lực cho phát triển; chú trọng thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.

Thủ tướng đề nghị WEF và các đối tác thúc đẩy hợp tác công tư, phát huy vai trò của những nhà tiên phong trong dẫn dắt, định hướng sự phát triển và quá trình tái cấu trúc kinh tế của các quốc gia, khu vực, toàn cầu, nhất là trong ba lĩnh vực quan trọng: Một là, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nhất là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia; Hai là, tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng xã hội, hạ tầng y tế, giáo dục; Ba là, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các động lực tăng trưởng mới, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Đặc biệt, Việt Nam đề nghị tăng cường hợp tác quốc tế trong xây dựng, hoạch định và thực thi chính sách trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Tăng cường hợp tác, ưu tiên cho tăng trưởng, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là giảm mặt bằng lãi suất, ổn định tỷ giá…

Cuối bài phát biểu, Thủ tướng đề nghị thực hiện “3 cùng”: Cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển, với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, vì một thế giới tốt đẹp, công bằng, bình đẳng, phát triển hài hòa, bền vững, cùng nhau hướng đến “Những chân trời tăng trưởng mới”.

LUÂN DŨNG (từ Đại Liên, Trung Quốc)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cung-huong-den-nhung-chan-troi-tang-truong-moi-post1649389.tpo