Cùng là con trong gia đình vì sao có sự khác nhau về trí tuệ, tính cách?
Cùng là con trong một gia đình nhưng thứ tự sinh của trẻ sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc xác định tính cách và trí thông minh của chúng.
Cùng sinh ra trong một gia đình nhưng mỗi đứa trẻ lại có tính cách và khả năng khác nhau. Nhiều người cho rằng, bên cạnh những yếu tố như giới tính, tình trạng kinh tế - xã hội, trình độ học vấn thì thứ tự sinh ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách và chỉ số IQ của trẻ.
Trên thực tế, một số nghiên cứu chỉ ra rằng thứ tự sinh cũng có tác động đến sự phát triển IQ. Alfred Adler, một bác sĩ, một nhà tâm lý học đã cho ra đời "Lý thuyết thứ tự sinh". Ông tin rằng tính cách và chỉ số IQ của trẻ phụ thuộc một phần vào việc trẻ là con thứ mấy trong gia đình.
Con đầu
Theo Adler, con đầu thường có xu hướng bảo thủ, có khả năng định hướng, có đầu óc của một nhà lãnh đạo. Bởi vì làm anh chị lớn nhất nhà nên trẻ thường phải chịu trách nhiệm với các em của mình, biết chăm sóc em, lo cho em thay giúp cha mẹ, và luôn chủ động trước mọi tình huống.
Họ sẽ có thái độ chủ động và ý thức cao về trách nhiệm trong mọi tình huống. Con đầu cũng là những người chăm chỉ và muốn làm hài lòng cha mẹ hay thầy cô. Đây là kết quả của sự kỳ vọng cao và nghiêm khắc từ cha mẹ.
Con thứ
Con thứ thường rơi vào tình trạng phải "vật lộn" để vượt qua anh chị của mình. Làm con thứ trong gia đình khiến trẻ có nhiều tham vọng, nhưng trẻ không sống ích kỷ. Trẻ cũng biết cách thiết lập mục tiêu cao cho mình, bất chấp điều đó hợp lý hay không hợp lý. Điều này làm trẻ gặp nhiều thất bại, nhưng việc biết làm thế nào để đối phó với những khó khăn trong cuộc sống giúp trẻ ngày càng mạnh mẽ hơn.
Con út
Hầu như trong các gia đình, con út luôn là tâm điểm của sự quan tâm và chú ý của cha mẹ và các anh chị trong nhà. Đó là lý do tại sao trẻ ít có kinh nghiệm và độc lập. Tính cách của con út trong một gia đình có xu hướng rất hòa đồng, mặc dù có đôi lúc trẻ sống vô trách nhiệm, thiếu nghiêm túc hoặc khờ dại hơn anh chị của mình.
Con một
Vì là con một nên trẻ không có ai để cạnh tranh, để noi theo. Đôi khi trẻ được cha mẹ nuông chiều, nâng niu, bảo bọc quá mức. Do đó, một số trẻ trở nên cầu toàn và làm mọi cách để đạt được mục đích của mình.
Vì sao con đầu lòng có trí thông minh cao hơn?
Theo một nghiên cứu với hơn 20.000 ứng viên tại ba quốc gia là Mỹ, Anh và Đức được công bố trên tạp chí khoa học PNAS cho thấy, con đầu lòng có xu hướng đạt điểm số cao hơn trong các bài kiểm tra đánh giá trí thông minh.
Điều này được các nhà khoa học giải thích dưới góc độ lý thuyết xã hội và tâm lý của các bậc phụ huynh. Một số chuyên gia chỉ ra rằng, sinh con đầu lòng sẽ có nhiều cơ hội kích thích não bộ phát triển hơn, đó là do chúng ta mới lần đầu làm cha mẹ nên rất để ý đến lời nói của con. Chúng ta rất vui khi được giao tiếp với chúng hàng ngày.
Nhưng nếu có quá nhiều trẻ em, sự nhiệt tình này sẽ giảm dần, hoặc cha mẹ sẽ rất dễ mất tập trung trong quá trình tương tác với trẻ. Những đứa con thứ hai vì thế thường nhận được sự tương tác tương đối ít hơn, có ít sự kích thích trí não hơn khiến sự phát triển của chúng thực sự không mạnh mẽ bằng những đứa trẻ lớn hơn.
Bên cạnh đó, sự đầu tư giáo dục cũng ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ. Nhiều gia đình chỉ có một con sẽ rất coi trọng việc học hành của con cái, đầu tư giáo dục sẽ rất lớn, biết tận dụng khoảng thời gian phát triển IQ mạnh mẽ nhất.
Tuy nhiên, khi có thêm một hoặc hai đứa con, sự đầu tư của các gia đình có xu hướng giảm dần. Điều này khiến chỉ số IQ của con thứ khác so với con đầu lòng.
Mặc dù thứ tự sinh có thể có một số tác động ảnh hưởng đến tính cách và chỉ số thông minh của trẻ, nhưng các chuyên gia nhấn mạnh cha mẹ cũng không nên quên mối dây liên kết giữa cha mẹ và con cái, và việc nuôi dạy trẻ trong gia đình vẫn là điều quan trọng nhất.