Cùng một điều luật, mỗi cơ quan lập luận một kiểu

Một cuộc tranh luận về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Công chứng viên (CCV) Phú Yên tham gia ý kiến thành lập Văn phòng công chứng (VPCC) đang thu hút sự quan tâm của giới chức tư pháp ở địa phương, vì cùng một điều luật nhưng mỗi cơ quan lập luận một kiểu.

Văn bản của Sở Tư pháp về giải quyết kiến nghị của Hội Công chứng viên Phú Yên. Ảnh: PHAN THẾ

Văn bản của Sở Tư pháp về giải quyết kiến nghị của Hội Công chứng viên Phú Yên. Ảnh: PHAN THẾ

Sự việc khởi phát sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 986/QĐ-UBND ngày 3/7 cho phép thành lập VPCC Hoàng Văn Tính tại phường 7, TP Tuy Hòa. Đến giữa tháng 7/2019, đại diện VPCC Hoàng Văn Tính nộp hồ sơ đề nghị kết nạp hội viên Hội CCV Phú Yên cho 3 CCV, nhưng Chủ tịch Hội CCV Phú Yên từ chối, đồng thời có văn bản đề nghị UBND tỉnh tạm hoãn quyết định nêu trên để làm lại quy trình thành lập VPCC theo quy định pháp luật. Văn bản này cho rằng Sở Tư pháp không mời Hội CCV tham gia xem xét hồ sơ xin thành lập VPCC Hoàng Văn Tính là chưa làm đúng Điều 39 Luật Công chứng năm 2014 và Điều 26 Nghị định 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 2/8, Sở Tư pháp có cuộc trao đổi với Ban chấp hành Hội CCV. Ba ngày sau đó, Sở Tư pháp có văn bản báo cáo UBND tỉnh với nội dung cho biết Luật Công chứng và Nghị định 29/2015/NĐ-CP không có quy định phải lấy ý kiến Hội CCV tỉnh trước khi trình UBND tỉnh xem xét, quyết định, thành lập. Sở Tư pháp đã yêu cầu Ban chấp hành Hội CCV Phú Yên kết nạp hội viên là CCV của VPCC Hoàng Văn Tính.

Ngược lại, trong các văn bản gửi đến UBND, Sở Tư pháp và Hiệp hội CCV Việt Nam, Ban chấp hành Hội CCV Phú Yên cho rằng Điều 39 Luật Công chứng năm 2014 quy định Hội CCV được tham gia ý kiến với cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm CCV, thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng.

Khoản 4 Điều 26 Nghị định 29/2015/NĐ-CP cũng quy định Hội CCV được tham gia ý kiến với Sở Tư pháp trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm CCV, thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng.

Trong một diễn biến có liên quan, Hiệp hội CCV Việt Nam đang xem xét và sẽ có văn bản trả lời kiến nghị của Hội CCV Phú Yên về vấn đề nêu trên. Trong khi đó những người quan tâm đến sự việc này cho rằng Bộ Tư pháp cần có hướng dẫn cụ thể việc Hội CCV tham gia kiến với cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm CCV, thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 và Nghị định 29/2015/NĐ-CP là thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn hay chỉ được phép tham gia khi Sở Tư pháp xét thấy cần thiết, để tránh tình trạng mỗi bên nhận thức và lập luận khác nhau trong cùng một điều luật quy định, khiến cho Hội CCV không được thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định pháp luật và Điều lệ Hiệp hội CCV Việt Nam. Từ cuộc tranh luận này, rất mong ý kiến từ phía các chuyên gia pháp luật.

Sở Tư pháp đã làm đúng pháp luật khi xem xét hồ sơ, đề nghị UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập VPCC Hoàng Văn Tính. Quy định pháp luật không bắt buộc phải có sự tham gia của Hội CCV khi xem xét, giải quyết hồ sơ xin thành lập VPCC, mà Sở Tư pháp chỉ mời tham gia khi thấy cần thiết. Ông Lê Văn Thìn, Giám đốc Sở Tư pháp

PHAN THẾ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/164/229224/cung-mot-dieu-luat-moi-co-quan-lap-luan-mot-kieu.html