Cùng một thẩm phán, hai bản án lại trái ngược nhau
Một thẩm phán TAND tỉnh Bạc Liêu được phân công xét xử hai vụ án hành chính và dân sự với cùng 1 chứng cứ. Lạ lùng và bất ngờ ở chỗ, nếu như ở bản án hành chính, chứng cứ được nhận định là 'không có cơ sở', nhưng tại bản án dân sự, cũng chính thẩm phán này lại cho rằng 'có cơ sở'! Từ đó dẫn đến tuyên xử hai bản án hoàn toàn trái ngược nhau và cả hai đều đã có hiệu lực pháp luật…
Theo nội dung vụ việc thể hiện trong hai bản án, năm 1985, ông Lê Văn Thành (ngụ ấp Huy Hết, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) nhận chuyển nhượng của ông Quách Văn Hảo phần đất diện tích hơn 70.000m2 ở ấp 4, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, Bạc Liêu.
Sau khi chuyển nhượng, ông Thành canh tác được ít năm thì giao lại cho con ruột là ông Lê Văn Điện cùng vợ là Trịnh Thị Nhãn thay ông canh tác. Năm 1998, ông Điện và bà Nhãn đăng ký kê khai đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) với 3 thửa: thửa 31 diện tích 37.000m2, thửa 32 diện tích 22.800m2 và thửa 52 diện tích 6.560m2. Trong đó, thửa 31 và 32 được nhà nước thu hồi để xây dựng Trung tâm hành chính huyện Đông Hải, vợ chồng ông Điện nhận tổng tiền bồi thường gần 6,6 tỷ đồng.
Cho rằng đất của mình lại bồi thường tiền cho ông Điện nên ông Thành khiếu nại đến UBND huyện Đông Hải yêu cầu chia đôi số tiền bồi thường và chia đôi phần đất 6.560m2 còn lại mà ông Điện đang đứng tên. Sau đó, cụ thể vào ngày 14/9/2012 và 3/4/2015, UBND huyện Đông Hải và UBND tỉnh Bạc Liêu lần lượt ban hành các quyết định (QĐ) bác đơn ông Thành. Ông Thành khởi kiện hành chính yêu cầu tòa hủy bỏ các QĐ này.
Bản án sơ thẩm hành chính số 02/2016/HC-ST ngày 20/1/2016 do thẩm phán Lê Thanh Hùng xét xử, nhận định: Ông Lê Văn Điện cho rằng, năm 1989, cha ông có đổi 45 công đất tầm cấy (tương đương 70.000m2) ở ấp 4, thị trấn Gành Hảo để đổi lấy 6 công đất của ông ở ấp Huy Hết, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) và giao cho em ông là ông Lê Văn Tâm canh tác nhưng không có chứng cứ gì để chứng minh. Ông Điện được cấp sổ đỏ vào năm 1998 theo thủ tục đăng ký đại trà do ông Điện tự kê khai chứ không có thủ tục tặng, cho của ông Thành.
Theo quy định Luật Đất đai 1993, đất có nguồn gốc của ông Thành, ông Thành chưa làm thủ tục tặng, cho thì quyền sử dụng vẫn thuộc của ông Thành. Việc ông Điện tự ý kê khai và được cấp sổ đỏ là không đúng pháp luật.
Mặt khác, UBND huyện Đông Hải và UBND tỉnh Bạc Liêu thụ lý, giải quyết việc tranh chấp phần đất 6.560m2 giữa ông Thành và ông Điện trong khi đất đã có sổ đỏ là sai thẩm quyền. Từ cơ sở đó, tòa tuyên hủy hai quyết định trên của UBND huyện và tỉnh. Bản án này sau đó không bị kháng cáo, kháng nghị nên có hiệu lực pháp luật.
Sau đó, ông Thành tiếp tục khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu ông Điện trả lại tiền đền bù đã nhận và phần đất 6.560m2. TAND tỉnh Bạc Liêu thụ lý và thẩm phán Lê Thanh Hùng cũng được giao nhiệm vụ giải quyết vụ án. Thế nhưng lần này, thẩm phán Lê Thanh Hùng lại xoay 180 độ khi cho rằng việc ông Điện đổi 6 công đất của mình để lấy 45 công đất của ông Thành là “có cơ sở” và việc ông Điện được cấp sổ đỏ là “phù hợp với quy định của pháp luật”. Với lập luận này, bản án dân sự sơ thẩm số 04/2018/DS-ST ngày 29/5/2018 của TAND tỉnh Bạc Liêu không chấp nhận yêu cầu của ông Thành.
Sự việc lạ lùng chưa chừng có này, buộc Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh Bạc Liêu phải mở cuộc họp và đi đến thống nhất kiến nghị Chánh án TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh chỉ đạo HĐXX phúc thẩm xem xét việc đánh giá chứng cứ khi xét xử phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm vừa kể của TAND tỉnh Bạc Liêu. Kiến nghị nêu rõ: Cùng một tài liệu chứng cứ, cùng một thẩm phán xét xử nhưng nhận định trong hai bản án khác nhau là không thể chấp nhận được.
Hơn nữa, bản án hành chính không chấp nhận việc hoán đổi là có căn cứ vì giá trị hoán đổi của hai phần đất là không tương xứng do một bên chỉ có 6 công, một bên đến 45 công cùng là đất nông nghiệp và làm muối. Kiến nghị này được Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu Dương Công Lập ký ngày 22/6/2018.
Bên cạnh nội dung kiến nghị vừa kể, VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh còn có kháng nghị quyết định phúc thẩm bản án dân sự sơ thẩm 04/2018/DS-ST của TAND tỉnh Bạc Liêu. Lý do kháng nghị là ngày 29/5/2018, TAND tỉnh Bạc Liêu mở phiên tòa lần thứ nhất. Những người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan gồm: ông Dương Thanh Phong, ông Trần Duy Tùng và bà Nguyễn Ngọc Cầu vắng mặt không rõ lý do.
Lẽ ra, tòa cấp sơ thẩm phải hoãn phiên tòa để triệu tập hợp lệ lần thứ 2, nếu đương sự vắng mặt nữa thì tòa án mới có thể xét xử vắng mặt. Do đây là vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nên quyết định kháng nghị đề nghị TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ lại cho TAND tỉnh Bạc Liêu giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
Tuy nhiên, tất cả những kiến nghị, kháng nghị nói trên không được TAND cấp cao ghi nhận. Ngày 14/9/2020, thẩm phán Lê Hoàng Tấn chủ tọa phiên tòa đã tuyên y án sơ thẩm bằng bản án số 409/2020/DS-PT. Về việc kháng nghị của VKSND cấp cao, thẩm phán Tấn đại ý cho rằng do các đương sự này “không đồng ý” với kháng nghị nên tòa xử luôn chứ không việc gì phải chuyển về cấp sơ thẩm?! Ông Thành cho biết ông đã có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.