Cùng nắm tay vượt qua thử thách

Kể từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 lan đến Việt Nam, nó đã và đang làm đảo lộn cuộc sống, nếp sinh hoạt của rất nhiều gia đình, cũng như toàn xã hội ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Ðiều cần thiết lúc này chính là sự bình tĩnh, tỉnh táo của cả cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư trao đổi nghiệp vụ về các trường hợp đang điều trị. Ảnh: MỸ HÀ

Bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư trao đổi nghiệp vụ về các trường hợp đang điều trị. Ảnh: MỸ HÀ

Những ngày đảo lộn

Thời tiết mưa lạnh, ẩm ướt kéo dài tại Hà Nội tạo thuận lợi để các bệnh về đường hô hấp xuất hiện, thậm chí gây dịch bệnh. Gia đình chị Lan (quận Cầu Giấy) phải cắt cử người ở nhà để trông hai con nghỉ học do dịch Covid-19. Chị chia sẻ: “Tôi cũng không biết là liệu để học sinh nghỉ như thế có hoàn toàn tốt cho việc học của các con hay không. Nhưng xét về vấn đề bảo đảm sức khỏe thì nguy cơ rất cao, nghỉ học là điều phải chấp nhận”. Dù chấp nhận nhưng vợ chồng chị đôi lúc không thể dàn xếp chuyện ở nhà trông con dẫn đến cãi vã. Hai đứa trẻ nếu không làm bài tập thì lại mải xem ti-vi. “Ðảo lộn” là từ mà gia đình chị Lan và nhiều nhà có con nhỏ khác phải đối mặt khi mọi sinh hoạt trong gia đình đều thay đổi, nhất là kỳ nghỉ của lũ trẻ sẽ còn tiếp tục kéo dài theo thông báo của ngành giáo dục. Và đây mới chỉ là một trong nhiều câu chuyện xảy ra khi dịch Covid-19 bắt đầu khiến cuộc sống thường ngày của các gia đình Việt Nam thay đổi.

Cùng ở quận Cầu Giấy, anh Bùi Ðức Anh Linh, một nghiên cứu sinh cùng vợ trở về từ thành phố Vũ Hán cách thời điểm Trung Quốc công bố ca nhiễm dịch Covid-19 đầu tiên trên thế giới chỉ ba ngày. Hai vợ chồng anh sau đó trải qua một cái Tết với sự hạn chế giao tiếp, bạn bè từ chối gặp gỡ và đầy e ngại khi phải tự cách ly bản thân. Anh Linh chia sẻ: “Về nước đã hơn một tháng, cơ quan chức năng cũng liên lạc ngay với vợ chồng tôi để yêu cầu kiểm tra y tế. Dù không có dấu hiệu gì về bệnh và cũng tự cách ly tại nhà nhưng thật sự cảm thấy tù túng. Ðôi lúc xen lẫn sự mặc cảm vì người khác cứ lo sợ do mình trở về từ tâm dịch Vũ Hán”. Vợ của anh Linh đang mang bầu. Anh và gia đình bây giờ chỉ mong dịch bệnh sớm hết để có thể yên tâm trở lại Vũ Hán tiếp tục việc học.

Không chỉ Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh, địa phương có đường biên giới giáp với Trung Quốc, cũng đang chịu rất nhiều ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Chị Ðào Thu Trang, kinh doanh dịch vụ homestay ở huyện đảo Cô Tô cho biết: “Bình thường, sau Tết là dịp nhiều khách Trung Quốc đến Cô Tô để du lịch, nhưng nay lượng khách đã sụt giảm nghiêm trọng. Các hoạt động khai thác hải sản, nhất là chế biến và buôn bán sứa nguyên liệu với thương lái Trung Quốc cũng đình trệ”. Hiện ở Cô Tô, một địa danh du lịch và người dân có nhiều giao thương với Trung Quốc, tất cả những ai đã từng sang hay gặp gỡ khách Trung Quốc đều được cách ly. Doanh thu du lịch, giao thương của người dân trong huyện này bị sụt giảm mạnh.

Bắc Kạn là một tỉnh miền núi không có đường biên giới nhưng có đông người dân sang làm việc tại Trung Quốc, dẫn đến chịu nguy cơ lớn ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Xóm Cọn Luông (xã Xuân La, huyện Pác Nặm), là địa phương có 121 người vừa trở về từ Trung Quốc sau khi đi làm thuê. Tại một tiệm tạp hóa ở trung tâm xã, bà chủ Diệp Thị Hạnh (người dân tộc Nùng) cho biết: “Nghe từ báo, đài và cả các cán bộ huyện, xã về dịch Covid-19, người dân ở đây ai cũng đi tìm mua khẩu trang y tế. Không ai không đeo vì lo sợ dịch bệnh. Hết hàng nhưng quán không thể nhập thêm vì cạn nguồn”. Vừa dứt lời, một cán bộ xã tình cờ có mặt để phát những tờ rơi hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19 vì đây là địa điểm tập trung đông người dân qua lại mua bán hằng ngày. Ðáng chú ý, được sự hướng dẫn của chính quyền, ở Xuân La không hề có hiện tượng tích trữ đồ ăn, lương thực, chỉ “cháy” duy nhất mặt hàng khẩu trang y tế.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2, Kim Chung, Ðông Anh, Hà Nội), bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu cùng hàng chục đồng nghiệp đang ngày đêm chống dịch Covid-19 cùng người bệnh. Bên cạnh tâm lý vững vàng sau nhiều tuần làm quen với môi trường cách ly, vẫn còn đó nhiều băn khoăn bên lề cuộc sống riêng của các y sĩ, bác sĩ nơi đây: “Trong số chúng tôi, có những người bị hàng xóm cách ly, phòng trọ không cho về ở. Nguyên tắc y khoa là các bác sĩ phải bảo đảm không lây dịch ra ngoài nhưng không đủ để người ta yên tâm. Khổ nhất là cả vợ con và gia đình đều bị liên lụy”, bác sĩ Cấp chia sẻ. Từ khi có dịch, tất cả các bác sĩ trực chính tại Khoa không được nghỉ Tết, thậm chí không được về quê. Các bác sĩ trực tuyến đầu, nghĩa là tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân bị cách ly đều phải tự cách ly ở khu riêng biệt và không được ra ngoài. “Ðiều này cũng khiến cuộc sống gia đình và công việc bị đảo lộn, có nhiều tâm tư nhưng đến nay, chưa một ai xin nghỉ. Ðó là điều chúng tôi đều rất tự hào”, bác sĩ Cấp nhấn mạnh.

Bác sĩ Khoa Cấp cứu chuẩn bị thăm, khám bệnh nhân.

Bác sĩ Khoa Cấp cứu chuẩn bị thăm, khám bệnh nhân.

Vượt qua nỗi lo tâm lý

Từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế, Việt Nam lập tức có một chuỗi các biện pháp ứng phó kịp thời. Tuy nhiên, sự đảo lộn của cuộc sống người dân là điều không thể tránh khỏi.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (quê Hải Phòng, lấy chồng người Trung Quốc), sinh sống tại thành phố Vũ Hán trước khi có dịch Covid-19 chia sẻ: “Tôi rời Vũ Hán một ngày thì thành phố tuyên bố có dịch. Mục đích là cùng chồng về quê nội cách đó 100 km để ăn Tết, sau đó mồng 2 Tết sẽ bay về Việt Nam. Thế nhưng tất cả các chuyến bay đều bị hủy và tôi chưa hề ra khỏi nhà chồng từ ngày 30 Tết”. Chị Nhung cũng cho biết lý do không về theo khuyến cáo của Ðại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc một phần muốn ở cùng chồng con. “Nhiều thông tin trên mạng khiến tôi lo ngại nếu di chuyển về nước sẽ có nguy cơ lây bệnh cho gia đình. Lúc đó, tất cả đều sẽ gặp khó khăn và bị người khác xa lánh”, chị Nhung chia sẻ. Ở Cô Tô, tuy đã được cơ quan chức năng khuyến cáo đầy đủ về dịch bệnh, song do có nhiều thông tin nhiễu loạn trên in-tơ-nét, cho nên không ít người dân trên đảo vẫn rất hoang mang, sợ hãi, thậm chí từ chối đón khách du lịch nước ngoài. Một chủ khách sạn trên đảo chia sẻ: “Các nhà nghỉ, khách sạn đón khách du lịch nước ngoài trong thời gian này, dù đã được chính quyền địa phương hỗ trợ kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh song vẫn nhận được những bình luận khiếm nhã, ác cảm và sự hạn chế giao thiệp từ những người dân chung quanh”.

Rõ ràng, muốn “sống chung” cùng dịch Covid-19 hiện nay không thể cứ “lạc” mãi trong nỗi lo tâm lý mà cần tỉnh táo để tự tìm cho mình những biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Ở khu cách ly Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, chị Nguyễn Thị Ngọc Nuôi (du học sinh vừa được đưa về từ Vũ Hán) thay vì giữ tâm trạng lo sợ, buồn chán trong không gian cách ly lại có những dòng cảm xúc (status) trên trang mạng cá nhân đầy lạc quan: “Khoảng thời gian tươi đẹp đó bạn sẽ không cần phải âu lo hay nghĩ ngợi gì nhiều mà chỉ cần lặng thinh nhìn ngắm mọi điều trôi qua kẽ tay. Thậm chí khi bạn ngủ say cũng có người canh cánh lo lắng bên ngoài phòng ngủ rồi thỉnh thoảng ghé mắt vào đăm chiêu nhìn bạn trìu mến vì sợ bạn gặp vấn đề bất thường...”. Theo chị Nuôi, hiện cả 30 người trong khu cách ly đều khỏe mạnh và vui vẻ, bản thân chị vẫn giữ được thói quen đọc sách hằng ngày. Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Minh Ðức (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) phải trực chống dịch trong ngày Valentine cũng chọn cách “tặng quà” đơn giản là gọi điện thoại facetime với người yêu. Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung thì chia sẻ: “Hiện tại ở Trung Quốc, mọi người đều rất bình tâm và chỉ nhắc nhau rằng, nếu không có việc gì quá cần thiết thì tránh ra ngoài. Như vậy là cũng đủ để góp phần giúp cho xã hội rồi”.

Có thể nói, cuộc sống của người Việt Nam dù ở trong nước hay nước ngoài trong những ngày sống cùng dịch Covid-19 trải qua vô số cảm xúc. Từ sự sợ hãi khi tràn lan thông tin thiếu kiểm chứng trên mạng, từ sự bối rối khi con cái phải nghỉ học. Rồi cảm xúc vỡ òa khi được thoát khỏi Covid-19 hay sự lạc quan trong những buồng bệnh cách ly. Tất cả có sự đổi thay nhất định với nhiều số phận, hoàn cảnh; nhưng hầu hết trong họ đều muốn níu giữ tình yêu và niềm tin vào cuộc sống, như đoạn kết trong một chuỗi câu “đọc cho vui” của bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) đăng trên trang mạng cá nhân như sau: Tôi muốn nói với em/ Cuộc sống chẳng bao giờ là quá mong manh/ Con người chúng ta luôn biết cách tồn tại/ Vi-rút cứ sinh sôi nảy nở/ Nờ-cô Vi chỉ là nghịch cảnh/ Chúng ta sẽ vượt qua và mạnh mẽ hơn nhiều/ Chỉ có tình yêu/ Là liều thuốc tốt nhất để chúng ta vượt qua nghịch cảnh... Ðể không bị dịch Covid-19 gây ảnh hưởng quá lớn làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt; điều cần hơn cả chính là niềm tin, sự hiểu biết và tỉnh táo để chọn lựa cách xử lý tích cực nhất và tốt nhất trong các hoàn cảnh khó khăn.

PHONG CHƯƠNG VÀ TUẤN DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43280602-cung-nam-tay-vuot-qua-thu-thach.html