Cùng nâng tầm cho người lao động
Đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu thực tiễn, thiếu sự phối hợp giữa 3 nhà (Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp), đó là lý do khiến hầu hết lao động khi đi làm đều phải đào tạo lại. Cần cái bắt tay giữa 3 nhà bằng cơ chế chính sách, bằng hành động cụ thể để nâng tầm kỹ năng của lao động Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Đó là thông điệp được đưa ra tại diễn đàn “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” lần đầu tiên được tổ chức vào cuối tuần qua.
Vì sao “các nhà” chưa chịu bắt tay?
Câu chuyện đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu thực tiễn là chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi, cho nên, nhất thiết cần sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 nhà để nâng cao chất lượng dạy nghề. Ý thức được điều này, những năm qua, chúng ta đã nỗ lực kéo doanh nghiệp cùng chung lưng đấu cật trong lĩnh vực đào tạo nghề. Dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.
Theo Cục Việc làm, doanh nghiệp (DN) có hoạt động đào tạo nghề nghiệp cho lao động có tỷ lệ thấp (36,29% và thấp nhất là các DN ngoài nhà nước 30,18). Trong khi đó, sự hợp tác của DN với cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng chưa cao, cụ thể là tỷ lệ hợp tác của DN với cơ sở GDNN, chỉ chiếm 9,11%.
Tại sao sự hợp tác của các bên chưa được cải thiện, theo một số DN lý do được đưa ra là họ còn thiếu thông tin về cơ chế, chính sách, cơ chế lợi ích khi tham gia đào tạo nghề nghiệp. Hiện nay, trong hợp tác với DN thì hình thức tiếp nhận học viên của cơ sở GDNN đến thực tập cuối khóa học được nhiều DN thực hiện hơn là các hình thức hợp tác khác. Tính chung chỉ có gần 5% số DN thực hiện và cao nhất là DN nhà nước cũng chỉ có gần 14%.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, DN không mặn mà tham gia đào tạo nghề vì luật không rõ ràng, cơ chế, chính sách ưu đãi chưa hấp dẫn. Bên cạnh đó còn phải kể đến các nguyên nhân như thiếu đội ngũ chuyên gia, trang thiết bị đào tạo chưa đáp ứng, chương trình đào tạo chưa cập nhật…
Bà Cao Thị Quỳnh Giao (CEO VN Shipping Gazette, thành viên Ban Tư vấn đào tạo nghề logistics) nêu khó khăn: Thực tế DN không muốn nhận sinh viên thực tập vì vướng luật. Theo đó, luật quy định làm việc từ một đến ba tháng, công ty phải đóng BHXH, ký hợp đồng lao động. “Là DN tiếp nhận sinh viên thực tập chương trình chất lượng cao (theo mỗi năm học), tôn trọng luật thì dựa trên cơ sở nào để hợp tác? Người được phân công giảng dạy ở DN có chế độ gì cũng chưa rõ ràng”, bà Quỳnh chia sẻ.
Đâu là giải pháp?
TS Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN), nêu câu hỏi: “Tại sao chúng ta có nhiều quy định tạo thuận lợi cho DN tham gia GDNN, nhưng những quy định này vẫn chưa lôi kéo được sự tham gia thực chất của DN? Vì vậy cần xây dựng cơ chế điều phối, phối hợp ba bên giữa Nhà nước - nhà trường - nhà DN. Trong đó, phân định rõ nội dung thực hiện quyền và trách nhiệm của DN”.
Ông Lưu Phước Dũng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi cho rằng, điều quan trọng là các cơ sở GDNN không nên ngồi chờ DN đến với mình, mà hãy chủ động tìm đến DN. Các trường nên đưa ra chương trình, cách đào tạo của mình là thực tế, chất lượng để thuyết phục, mời gọi DN tham gia. Ở phía DN, ông Dũng đề nghị, các DN cũng cần chủ động hơn, nếu có nhu cầu như thế nào về nhân lực, cần trao đổi rõ với các hiệp hội ngành nghề, cơ quan chức năng và các trường, để được cung cấp kịp thời.
Để tháo gỡ những khó khăn trong công tác đào tạo nghề, Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho biết, trong công tác điều hành, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở GDNN thực hiện gắn kết với các DN trong đào tạo (nhất là đối với 45 trường thực hiện đào tạo thí điểm 22 nghề chuyển giao từ Đức). Đồng thời xây dựng một số mô hình thí điểm về đặt hàng đào tạo, gắn kết với DN trong đào tạo và xây dựng trình, Chính phủ Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại người lao động thích ứng với cuộc CMCN 4.0. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế chỉnh sách, công tác truyền thông cũng như các hoạt động gắn kết DN.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Quân cho rằng, trường nghề không hợp tác với DN sẽ không “sống” và phát triển được. “Trường nghề không thể mãi trông chờ vào nguồn lực đến từ ngân sách Nhà nước. Chỉ khi nhà trường và DN cùng có động lực và cả áp lực mới có thể bắt tay làm việc có hiệu quả. Hợp tác phải gắn với lợi ích. Nếu không giải quyết được bài toán lợi ích sẽ không có hợp tác thực chất”, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Quân khẳng định.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xa-hoi/cung-nang-tam-cho-nguoi-lao-dong-tintuc452635