Cùng nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm tự tình với dòng sông
Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm sinh ra và lớn lên tại làng Thọ Lộc, xã Yên Trung – vùng bán sơn địa nằm ở phía Bắc huyện Yên Định phong cảnh hữu tình, thơ mộng, mây in dáng núi, dòng sông mềm mại uốn quanh ôm ấp xóm làng. Chính phù sa sông Mã đã tưới tắm tâm hồn, nuôi lớn tuổi thơ và hồn thơ ông. Để rồi sau này lớn lên, dù dấu chân đã in hình vạn dặm thì tấm lòng chẳng lúc nào thôi đau đáu về quê hương.
Dòng sông Mã quê Thanh - “Sợi dây đàn căng từ thời tiền sử”.
Lần đầu tiên tôi chạm vào mạch nguồn thơ Nguyễn Minh Khiêm là khi lòng hân hoan nhấm nháp từng con chữ trong tác phẩm “Một góc phù sa”. Bằng giọng thơ sâu lắng; hình ảnh thơ giản dị, gần gũi, tác giả đã khéo léo dẫn dắt người đọc đi qua nhiều thang bậc cảm xúc, quyện vào từng con chữ. Tự truyện về “một góc phù sa” đời, “phù sa thơ” dần hé lộ: “Nắm nhau tôi chôn góc phù sa sông Mã/ Trăm thác nghìn ghềnh cuộn xoáy vào thơ/ Làng cong xuống dáng tre già trước tuổi/ Tiếng gọi đò khuya sạt cả đôi bờ”.
Hình tượng dòng sông với những kỷ niệm tuổi thơ gắn bó nơi quê nhà đã trở thành mạch nguồn cảm xúc xuyên suốt hành trình sáng tác của ông. Có những lúc, dòng sông hiện hữu thông qua những câu thơ đầy sức gợi: “Con hến, con trai một đời nằm lệch/ Lấm láp đất bùn đứng thẳng cũng nghiêng/ Mẹ gạt mồ hôi để ngoài câu hát/ Giấc mơ tôi ngọt hơi thở láng giềng” (Một góc phù sa). Nhưng cũng có khi, từ nơi cửa sóng, con sông Mã thì thầm hát trường ca. Câu hát nào cũng thấm đượm phù sa văn hóa – lịch sử: “Sông Mã vẫn chảy bên chái nhà ta/ Sợi dây đàn căng từ thời tiền sử/ Những người khổng lồ tóc còn để chỏm/ Kể cho ta nghe những khúc ca về máu/ Máu đã sinh ra đất thế nào?/ Máu đã sinh ra tên làng, tên nước”. Phải hiểu dòng sông Mã đến bao nhiêu thì tác giả mới có thể đạt đến sự thăng hoa trong trường liên tưởng, tưởng tượng như thế? Và nhiều lúc tôi tự hỏi, phải yêu con sông tuổi thơ, con sông nguồn cội như thế nào để nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm mới có thể viết nên lời tự tình vừa chân thành lại vừa da diết, giản dị mà không kém phần tinh tế như bài thơ “Sông Mã hồn tôi”. Ngay từ những vần thơ đầu, nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm đã không ngần ngại mở rộng lòng, bày tỏ tình yêu, sự trân trọng xen lẫn niềm xót thương của mình trước dòng sông: “Mấy nghìn năm lặng lẽ nuôi quê/ Mở con sóng nghe thác ghềnh vật vã/ Hạt phù sa mang tên sông Mã/ Soi phía nào cũng quặn xoắn bão giông”. Thương, yêu quá đỗi mà nhà thơ bất giác thốt lên lời cảm thán: “Ôi dòng sông!/ Dòng sông mênh mông như lòng mẹ/ Hạt phù sa mặn mòi như giọt nước mắt khổ đau”. Sau một vế câu đặc biệt, nhà thơ liên tiếp sử dụng phép so sánh đã khiến cho mạch thơ được đẩy lên cao trào, lôi cuốn cảm xúc của người đọc. Lúc này, mọi biên độ của không gian – thời gian, sự vật – hiện tượng đều trải dài theo con nước, lắng đọng mình trong những hạt phù sa: “Ta nghe trong màu xanh biếc của lá dâu/ Có tiếng nói của ông cha ta bốn nghìn năm vọng lại/ Ta nghe trong từng hạt cát vàng trên bãi/ Có tiếng gươm khua thuở trước chống ngoại xâm/ Nghe nước đi trong mạch đất âm thầm/ Có cả tiếng voi gầm ngựa hí/ Nghe rơm rạ dựng tường đồng bia đá/ Liềm hái giương buồm khát vọng vượt trùng khơi”. Sông Mã đời đời hiến dâng cho mảnh đất xứ Thanh dòng nước mát lành, chở nặng phù sa bồi tụ nên xóm, nên làng ấm no trù phú, góp phần dệt nên diện mạo và bản sắc văn hóa xứ Thanh tươi đẹp, khả ái như ngày nay. Được ví như món quà mà bà mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng, những địa danh mà sông Mã đi qua đều là những nơi mang đậm nét văn hóa đặc trưng, lưu lại nhiều vết tích của vùng đất cổ nơi con người tìm đến sinh sống quần tụ từ buổi sơ khai. Đặc biệt, dọc đôi bờ lưu vực sông Mã từng chứng kiến sự hình thành, phát triển và tỏa rạng của nhiều nền văn hóa tiêu biểu trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. “Băng qua triệu năm để sống giữa hồn người”, từng hạt phù sa sông Mã nay đã: “Thành điệu hò ngọt cây lúa trĩu bông/ Thành chim hạc trống đồng ca dao tục ngữ/ Thành súng thành gươm thành cung thành nỏ/ Thành Mai An Tiêm, Độc Cước, ông Vồm/ Sau lũ cồn cào giọt nước lại trong hơn/ Lại ăm ắp bến bờ dạt dào phù sa trẻ”. Tất cả cùng dội về “Sông Mã hồn tôi”.
Mối quan hệ giữa thơ ca - nguồn cội bao đời nay vẫn khăng khít, vẹn tròn như thế. Nguyễn Minh Khiêm cùng những sáng tác về làng nói chung và dòng sông quê hương nói riêng là một minh chứng sống động cho mối quan hệ ấy. Tính đến thời điểm hiện tại, ông đã xây dựng được một gia tài văn chương đủ khiến nhiều người ngưỡng mộ với hàng nghìn tác phẩm đa dạng, phong phú về đề tài, thể loại: Thơ (Biển khát; Dòng sông không ngủ; Đằng sau mặt trời; Làng tôi không có tượng; Một góc phù sa; Giải mã; Cụng ly...); truyện (Sư tử làm chúa; Tiếng gầm...); ký (Từ cổng làng đến cổng trời...); trường ca (Bầu trời màu hoa gạo; Hát nơi cửa sóng...). Nếu yêu mến dõi theo hành trình thơ của Nguyễn Minh Khiêm, người đọc sẽ dễ dàng nhận thấy một số chủ đề nổi bật, đủ phác thảo nên cái nhìn chân thực về diện mạo và hồn thơ ông. Đó là không gian làng và bóng dáng dòng sông quê hương; thiêng liêng hình ảnh mẹ “ở vậy thờ chồng, một mình chém chặt ngược xuôi xuống biển lên rừng”; ám ảnh chiến tranh – “Có gì xanh đau đáu dưới cỏ non/ Xanh nhoi nhói rờn rợn bàn chân bước/ Xanh mươn mướt như là màu tóc/ Xanh như ánh mắt bạn bè tôi”; trăn trở “mặt trái” xã hội. Nhưng có lẽ, những vần thơ viết về làng và dòng sông quê hương của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm vẫn có sức hấp hẫn, gần gũi với đông đảo bạn đọc hơn cả. Chúng tựa hồ như lớp lớp phù sa sông Mã được bồi tụ, đắp đổi, lắng đọng qua thời gian để cùng ươm mầm, nuôi dưỡng một tình yêu quê hương thuần nhất giữa hàng triệu tấm lòng người con xứ Thanh. Đúng như ông đã từng giãi bày tâm sự cùng bạn đọc trong bài viết có cùng tựa đề - “Sông Mã hồn tôi”: “Quê tôi nằm ngay bên bờ sông Mã huyền thoại. Cái mênh mang của sông, cái dào dạt của sông, cái dữ dội của sông, cái mãnh liệt của sông, cái thơ mộng của sông, cái hùng vĩ huyền bí của sông thấm đẫm vào hồn người quê tôi. Phù sa và nước mắt. Phù sa và máu. Làng quê và đất nước. Văn hóa và Văn Hiến. Truyền thuyết và Lịch sử. Hào hùng và bi tráng. Dân ca và Anh hùng ca. Tất cả thành âm vang ngọn sóng vỗ vào lòng tôi”.