Cùng nhà văn Dương Hướng về thăm 'Bến không chồng'

Tôi về công tác tại Quảng Ninh vào những ngày cuối năm 2024. Trong lúc trà dư tửu hậu, nhà văn Dương Hướng bảo: 'Ông có muốn đi đâu chơi thì ta đi nhé?'. Ông khoe, trong ngày ông vẫn đủ dẻo dai cầm vô lăng chạy đi chạy về giữa Quảng Ninh và Thái Thụy (Thái Bình) quê ông, hoặc Quảng Ninh - Hà Nội. Ghê thật. Sức 70 như ông khối gã trai còn theo mệt.

Được lời như cởi tấm lòng, tôi ậm ừ bảo: “Em chưa được đến cái Bến không chồng ở quê bác. Liệu từ đây đi về trong ngày có mệt không?”. Nhà văn Dương Hướng hồ hởi: “Chuyện nhỏ. Vậy ta đi thôi”.

1. Sáng sớm, nhà văn gọi điện bảo sẽ có một ông nghệ sĩ điêu khắc đi cùng. Vui quá. Xe vòng vèo mấy dốc cao trên lưng chừng núi để đón nghệ sĩ Lê Phương.

Trên con đường cao tốc đẹp nhất nước Nam ta từ đất Quảng về Phòng, tôi “phỏng vấn” nhà văn Dương Hướng đủ thứ chuyện trên đời, đặc biệt là chuyện xung quanh các tác phẩm của ông, trong đó có tiểu thuyết “Bến không chồng”, in và ẵm giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, cùng với “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh và “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường.

Năm ấy được đánh dấu là một mùa bội thu về tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, mà trước đó và kể từ đó đến nay chưa từng có. Nếu tính thêm tiểu thuyết “Đi về nơi hoang dã” của Nhật Tuấn nữa, một tiểu thuyết mà cho đến tận bây giờ có người vẫn cho rằng đã bị bỏ quên, rằng rất xứng đáng trao giải năm đó... thì suýt nữa có một cú kết “tứ tử trình làng”.

Tác giả bài viết và nhà văn Dương Hướng tại bia lưu niệm Bến không chồng.

Tác giả bài viết và nhà văn Dương Hướng tại bia lưu niệm Bến không chồng.

Trở lại với Dương Hướng. Ông cho biết, ngày đó, khi bản thảo “Bến không chồng” hoàn chỉnh, mang đến một nhà xuất bản tại Quảng Ninh để in, ai dè bị một biên tập viên đòi cắt cái đoạn gần cuối có cảnh nhân vật ông Vạn “ăn nằm” với Hạnh trong một đêm mưa. Ông cự nự với biên tập viên rằng đấy là đoạn làm nên mấu chốt của câu chuyện, nếu cắt đi thì tiểu thuyết này sẽ đổ. Kéo co mãi không tìm được tiếng nói thống nhất, ông bèn mang lên Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Nhà văn Nguyễn Phan Hách lúc đó làm Tổng Biên tập Nhà xuất bản đọc xong, bảo bản thảo tốt quá, cho in luôn, không cần phải cắt cúp gì.

Sách ra trong một tình huống như vậy. Quả là, đối với nhà văn, mỗi cuốn sách là một số phận và có những cuốn sách có ý nghĩa quyết định đến số phận của chính người đẻ ra nó. Giả như Dương Hướng thỏa hiệp một chút, ngoan ngoãn sửa lại để cho in tại địa phương thì làm gì có giải của năm 1991 và chắc chắn cũng sẽ không có một Dương Hướng như ngày hôm nay.

Sau khi tác phẩm “Bến không chồng” ra đời cũng có khối chuyện vui. Một hôm, nhà văn đang ngồi tại cơ quan (lúc ấy ông làm cán bộ hải quan ở Móng Cái), nghe tiếng gõ cửa. Mở cửa ra, ông thấy một gã trung niên râu tóc lởm chởm, cao to, da sạm nắng. Nhìn đoán là dân vạn chài hoặc thủy thủ. Gã bảo: “Em là thủy thủ. Nay tàu đi qua, biết anh trên này, em cho tàu ghé bến, lên để được gặp anh một chút. Em đã đọc sách của anh rồi. Em cũng đi bộ đội, ra quân, theo nghề này. Thằng nào đã qua đời quân ngũ, đọc anh đều thấy ngậm ngùi... Thấy sướng”.

Nói xong, gã móc túi lấy ra một phong bì đưa cho nhà văn, bảo: “Em biếu anh một ít tiền để anh uống cà phê, viết sách”. Dương Hướng bối rối: “Ấy chết, không làm thế. Cuộc sống của tớ cũng không đến nỗi nào”. “Em biết anh không thiếu. Nhưng, đây là cái lòng của thằng em. Em đang có tiền. Anh nhận chút cho em vui. Anh em mình không nợ nần ân oán gì nhau. Anh cứ vô tư cầm lấy, coi như là kỷ niệm của anh em mình”. Bên nọ đùn đẩy bên kia. Gã thủy thủ bèn nhượng bộ: “Thôi thì em mời anh đi quán uống chén rượu kỷ niệm cuộc gặp gỡ này, mong anh đừng từ chối”.

Trong bữa ăn, khi chén chú chén anh đã có phần xiêu xiêu, gã thủy thủ lại rút phong bì ra, ấn vào túi của nhà văn và ra lệnh một cách hách dịch: “Anh em mình mới biết nhau, công việc chẳng liên quan gì đến nhau, cũng chẳng nợ nhau điều gì. Có một tí gọi là biếu anh. Anh đừng từ chối mà tội thằng em”. Thấy gã quyết liệt quá, nếu không nhận dễ gã... phát khóc mất, Dương Hướng bèn nhận. Sao lại có độc giả “dị” thế không biết. Về nhà, mở phong bì ra, một xếp tiền tròn 5 triệu. Tính theo thời giá bây giờ, cỡ khoảng gấp gần 10 lần. Dương Hướng cho biết, từ bấy đến nay không lần nào gặp lại gã thủy thủ đó nữa, mà số điện thoại của gã cũng mất tiêu luôn...

Nghe chuyện, tôi mới bảo nhà văn Dương Hướng: “Đấy có lẽ là món nhuận bút lớn nhất của đời anh. Nó không chỉ là đồng tiền. Nó là tình yêu lớn của một độc giả dành cho người viết”.

2. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã về tới địa điểm bia lưu niệm “Bến không chồng”. Công trình được xây dựng trên bến sông Đình Đoài, sát đường cái quan thuộc thôn An Lệnh, xã Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình, quê hương của nhà văn Dương Hướng.

Một khối đá tự nhiên dựng cạnh bến sông, có mấy dòng chữ ghi tên tác phẩm, tên tác giả, ý nghĩa biểu tượng về sự hy sinh của những người con quê hương, đặc biệt là về những người phụ nữ trong hai cuộc chiến tranh trước 1975. Cạnh đó là một cây cầu nhỏ. Liền kề là một cái sân rộng, có sân khấu ngoài trời, nơi vui chơi, sinh hoạt cộng đồng của bà con trong thôn.

Nhà văn cho biết, cách đây chừng 6-7 năm, mấy anh cán bộ Chủ tịch và Bí thư xã Thụy Liên gọi điện nêu ý tưởng muốn xây dựng tấm bia lưu niệm Bến không chồng. Nhà văn thật xúc động trước tấm lòng của cán bộ và nhân dân quê nhà dành cho tác phẩm của mình. Sau đó các cuộc tiếp xúc diễn ra. Từ khâu lên ý tưởng thiết kế, tìm địa điểm, tìm nhà đầu tư... Kết luận cuối cùng là bia lưu niệm phải đạt được mấy tiêu chí: cạnh bến sông, giản dị, trang nghiêm, mang nghĩa khái quát, tôn vinh bộ đội, chiến sĩ - những người con của làng đã tham gia hai cuộc chiến tranh chống xâm lược, người còn kẻ mất; đặc biệt, tôn vinh những người phụ nữ của quê hương đã âm thầm chịu đựng, hy sinh, góp phần làm nên chiến thắng của đất nước.

Không xây dựng tượng đài như cách làm phổ biến ở nhiều nơi, các “nhà thiết kế” không chuyên tại địa phương và chính nhà văn cùng tham gia thiết kế, thân chinh về Ninh Bình, Thanh Hóa chọn mua phiến đá, thuê xe chở về thi công. Kinh phí công trình này chủ yếu do các “Mạnh Thường Quân” hào hiệp đóng góp. Sau 3 tháng, công trình giản dị mọc lên, đứng khiêm nhường và rất đỗi hài hòa bên dòng sông mang tên Đình Đoài của quê hương, nơi nhà văn sinh ra, lớn lên, rời quê đi bộ đội năm nào.

Công trình giản dị, giữ được vẻ đẹp tự nhiên của khối đá, hài hòa trong một cảnh quan sông nước đầu làng, gợi lên nhiều cảm xúc.

Nhà văn Dương Hướng cho biết, liền kề với tấm bia Bến không chồng là UBND xã Thụy Liên khá bề thế, nơi đó xưa kia là nơi tọa lạc của một ngôi đình khá lớn, niềm tự hào của dân làng bao đời. Rất tiếc, những năm cải cách cuối thập niên 50 của thế kỷ trước đã phá mất. Câu chuyện phá đình cũng được nhà văn nói đến trong tiểu thuyết “Bến không chồng”. Nay nguyện vọng của bà con thôn Đình Đoài muốn góp công góp của để phục dựng lại ngôi đình đó, nhưng chắc còn phải chờ một thời gian nữa mới có thể thực hiện.

Nếu có một ngôi đình theo dáng cổ nằm bên cạnh bến sông, cách đó không xa là bia lưu niệm Bến không chồng, trong cảnh quan “Cây đa, bến nước, sân đình” thân thuộc của làng quê Bắc bộ nghìn đời, thì nơi đây sẽ có một cụm cảnh quan thật mỹ mãn. Vẫn đang chỉ là mong ước... Gương mặt nhà văn thoáng chút ưu tư.

3. Tôi tò mò hỏi các nhân vật trong tiểu thuyết “Bến không chồng” có xuất phát từ nguyên mẫu nào là người làng không, nhà văn cho biết là phần lớn, có nguyên mẫu được khai thác gần, có nguyên mẫu được khai thác xa. Thí dụ nhân vật ông Vạn chính là hình ảnh khá chân thực từ ông chú ruột của nhà văn, kể cả cái tên cũng là tên thật. Nhà văn chỉ cho chúng tôi biết ngôi nhà của nguyên mẫu nhân vật Hạnh khá khang trang nằm bên con đường chính của làng, hiện bà vẫn khỏe mạnh.

Nhà văn tủm tỉm kể, xung quanh chuyện nguyên mẫu cũng lắm cái vui. Ví dụ nhân vật Huy “thọt” làm nghề chụp ảnh trong tiểu thuyết được xây dựng khá gần với nguyên mẫu có thật trong làng, mà bất cứ người làng nào đọc cũng nhận ra. Nhân vật ấy lấy Thắm về làm vợ, Thắm tằng tịu có con với chàng lính pháo binh đóng quân gần nhà, sau vợ chồng bỏ nhau...

Chính vì thế, mỗi khi về làng, nhà văn rất ngại lỡ gặp mặt người ấy. Lại nghe phong thanh, ông con trai cả đánh tiếng rằng cái ông nhà văn Dương Hướng viết không thiện chí về người bố của anh. Nhiều năm trôi qua, không có chuyện gì xảy ra. Nhưng, năm đó, đoàn làm phim “Bến không chồng” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh về làng điền dã chọn bối cảnh, đạo diễn đã chủ động tìm đến nhà nguyên mẫu. Hôm ấy, nhà văn Dương Hướng vắng mặt. Không rõ câu chuyện giữa đạo diễn Lưu Trọng Ninh và nguyên mẫu nói với nhau những gì, chỉ biết ít hôm sau đó Dương Hướng nhận được cuộc gọi của nguyên mẫu nói rằng khi nào ông về làng mời ông vào nhà chơi.

Nhà văn cho biết, đến hôm bộ phim ra mắt công chiếu chiêu đãi dân làng thì nhà văn mới gặp mặt nguyên mẫu. Hai bên vui vẻ tay bắt mặt mừng, cả hai không nhắc gì đến chuyện nhân vật trong tác phẩm. Từ bấy, họ đánh bạn với nhau. Thỉnh thoảng về làng, Dương Hướng vẫn đến chơi với nguyên mẫu đó. Vậy là, có đến gần 30 năm, câu chuyện giữa nhà văn - nhân vật - nguyên mẫu mới được hóa giải.

4. Hiện giờ nhà văn Dương Hướng đang cầm trịch Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông bảo, làm xong khóa này, sang năm xin trả lại cho Hội để dành quỹ thời gian còn lại viết nốt mấy thứ. Mong sao có sức khỏe để mà viết lách, rong chơi... Phải thôi, còn ham hố gì nữa. Quỹ thời gian đời người sắp cạn rồi. Định viết gì thì viết nốt. Sống thong dong, vui chơi thăm thú đó đây nếu có thể. Không thấy gì là quá quan trọng nữa.

Địa chỉ Bến không chồng nay đã có trong thực tại. Nó là niềm tự hào của dân làng. Nó cũng đã trở thành một địa chỉ tham quan với nhiều người, nhất là bạn đọc yêu văn chương, yêu Dương Hướng. Trong cõi văn chương, “Bến không chồng” vẫn cứ không thôi làm xao xuyến bạn đọc. Và, nhà văn Dương Hướng, ông vẫn vui viết, vui đi, vui bạn, vui chơi, vui nhảy đầm, vui í a chèo cổ.

Kể ra, người như thế thật là người sướng!

Cự Lộc, tháng 12/2024

Văn Giá

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/cung-nha-van-duong-huong-ve-tham-ben-khong-chong-i756311/