Cùng nhau xây dựng một tương lai tươi sáng cho ngành Kiến trúc Việt Nam
y là ý kiến của Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc (Bộ Xây dựng), TS.KTS Hồ Chí Quang khi phát biểu dẫn đề tại Hội thảo chuyên đề 'Phát triển kiến trúc bền vững – Thích ứng với biến đổi khí hậu', chiều 8/9.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ EXPO Kiến trúc 2023, do Bộ Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang và Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, các ngày 8 – 10/9. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế uy tín.
Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc (Bộ Xây dựng), TS.KTS Hồ Chí Quang nhận định: Phát triển bền vững là một yếu tố không thể thiếu trong lĩnh vực kiến trúc.
Những tác phẩm kiến trúc được xây dựng không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về hạ tầng, môi trường sống và công năng sử dụng, mà còn bảo vệ và cải thiện môi trường xung quanh.
Kiến trúc phải tạo ra những thiết kế và công trình thân thiện với môi trường, sử dụng các vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng và phát triển các khu vực xanh, để đảm bảo cuộc sống và tính bền vững của cộng đồng.
Những người sáng tạo trong lĩnh vực kiến trúc có trách nhiệm tìm kiếm và đề xuất những giải pháp sáng tạo, đồng thời đảm bảo rằng các quy định và tiêu chuẩn xây dựng được thực thi một cách nghiêm ngặt.
“Chúng ta cần chủ động tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế và phát triển bền vững, không chờ đợi mà tạo dựng” – TS. Hồ Chí Quang đề nghị.
Cũng theo TS. Quang, việc xây dựng, phát triển, quản lý và cải thiện các thành phố, đô thị hóa thích ứng biến đổi khí hậu đã và đang là xu thế quốc tế, trở thành một mô hình phát triển bền vững, tạo mối liên hệ nội tại giữa môi trường kiến trúc và xây dựng với cơ hội tạo việc làm, cơ hội sinh kế và chất lượng cuộc sống con người.
Trong thời đại của sự thay đổi dân số, biến đổi khí hậu và mức độ đô thị hóa chưa từng có, yêu cầu đặt ra cho kiến trúc Việt Nam là phát triển bền vững; Bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống; Xây dựng nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; Tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới và ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới phù hợp với thực tiễn Việt Nam, bảo đảm hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
TS. Hồ Chí Quang nhấn mạnh: Một trong những yếu tố quan trọng trong việc phát triển đô thị bền vững là xử lý một cách hiệu quả các vấn đề liên quan đến môi trường và tài nguyên. Cần tận dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, xây dựng các công trình xanh, đảm bảo quá trình xây dựng và vận hành không gây ô nhiễm môi trường, qua đó, có thể đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sống cho thế hệ tương lai.
Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị văn hóa dân tộc trong kiến trúc cũng rất quan trọng. “Chúng ta cần tổ chức các hoạt động nhằm gìn giữ và phát huy những nét đặc trưng của văn hóa dân tộc thông qua kiến trúc. Tận dụng các nguồn tài nguyên và kỹ thuật truyền thống để xây dựng những công trình kiến trúc mang đậm bản sắc Việt Nam, tạo nên điểm nhấn văn hóa trong không gian đô thị. Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một tương lai tươi sáng cho ngành Kiến trúc và đất nước Việt Nam” - TS Hồ Chí Quang đề xuất.
Tại Hội thảo, đề cập sự thích ứng văn hóa kiến trúc bản địa kết hợp với công nghệ 4.0, TS.KTS Nguyễn Tất Thắng (Viện Kiến trúc Việt Nam) cho rằng với sự xuất hiện của cách mạng khoa học 4.0, các kiến trúc sư sẽ có những công cụ để tạo ra tương lai.
Không giống như nhiều phương pháp xây dựng cũ, ngôi nhà in 3D có thể có mức độ chính xác và siêu cách nhiệt, ngay cả khi đưa chất thải vật liệu gần bằng không. Kết nối thiết kế mô phỏng sinh học và tính toán, cho phép kết nối các tiêu chuẩn hiệu suất cao và tầm nhìn thẩm mỹ độc đáo.
Các công cụ chuỗi cung ứng sáng tạo cho phép lựa chọn các vật liệu và nhà cung cấp bền vững nhất. Mọi bộ phận đều có thể được sửa chữa, thay thế và tái sử dụng hiệu quả trong tương lai.
Biết được những dự báo về khí hậu trong tương lai, các kiến trúc sư có thể lập kế hoạch cho những ngôi nhà để chống chọi với từng kịch bản khí hậu có thể xảy ra cho một vùng lãnh thổ nhất định.
Và để kết hợp văn hóa kiến trúc bản địa với công nghệ 4.0, cần chú trọng thay đổi hình thức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực kiến trúc thông qua các hình thức đào tạo kiến trúc sư (KTS) thực hành và KTS công nghệ với mô hình CDIO (Conceive - Design - Implement – Operate, tức Hình thành ý tưởng - Thiết kế - Triển khai thực hiện - Vận hành). Ở đó, các KTS tương lai sẽ được đào tạo theo hướng sáng tạo, được kết hợp các ý tưởng sáng tác lồng ghép giữa những yếu tố về văn hóa, bên cạnh sự hỗ trợ của các công nghệ số và thông minh.
Cho rằng việc phát triển không gian công cộng (KGCC) cần có sự thống nhất quản lý giữa Nhà nước, tư nhân và cộng đồng dân cư, tạo ra sự đồng thuận tối ưu, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang Hà Văn Thanh Khương đề xuất 5 giải pháp hình thành các KGCC. Theo đó, thứ nhất, Nhà nước sẽ quản lý, tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, cộng đồng dân cư giám sát thực hiện KGCC. Chính quyền xác định vai trò quản lý, giám sát và hoạch định chiến lược để đưa ra các thỏa thuận nhằm có lợi cho cả ngân sách thành phố, cộng đồng và khu vực tư nhân.
Thứ hai, các KGCC thuộc sở hữu tư nhân (POPS) là tài sản riêng nhưng là sản phẩm của sự phối hợp giữa khu vực công và khu vực tư nhân, nhà phát triển POPS không cung cấp miễn phí không gian này. POPS sẽ là một cơ chế đầy hứa hẹn để cung cấp KGCC chất lượng cao cho các thành phố trên toàn thế giới.
Thứ ba, một KGCC để quản lý tốt và khai thác sử dụng hiệu quả, đúng mục đích cần nhiều bên tham gia thực hiện, tập trung ở quản lý nhà nước, nhà đầu tư và cộng động dân cư. Các bên tham gia thống nhất quản lý bằng các quyết định, quy định, quy chế quản lý.
Thứ tư, cần thay đổi tư duy từ “thiết kế không gian” sang “tạo dựng nơi chốn”. Khi đó, nguồn lực cho KGCC không chỉ ở nhà nước mà có thể huy động ý tưởng, tài chính, vật tư và công sức của cộng đồng cùng với trách nhiệm và sự gắn bó với không gian.
Thứ năm, muốn dự án KGCC tốt nhất thì cần kết hợp khéo léo và tinh tế các cách làm khác nhau. Việc phát triển KGCC sẽ do Nhà nước quản lý, tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, cộng đồng dân cư giám sát thực hiện. Các bên tham gia thống nhất quản lý bằng các quyết định, quy định, quy chế quản lý.
Việc tư nhân hóa các KGCC được sự đồng thuận cao của Chính phủ, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư sẽ tạo nguồn lực cho không gian công cộng từ việc thay đổi tư duy từ “thiết kế không gian” sang “tạo dựng nơi chốn”. Cần kết hợp khéo léo và tinh tế các cách làm khác nhau để đạt được sự đồng thuận tối ưu, tạo nên các dự án KGCC tốt nhất.
Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế cũng đã đóng một số bài tham luận quan trọng như ông Hwang Sung Kwan (chuyên gia Tổng Công ty Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc – LH) chia sẻ quan điểm về việc ứng dụng công nghệ kiến trúc nhằm giải thiểu sử dụng năng lượng cho nhà ở; ông Kapil Chaudhery (đại diện công ty Spatial Dicisions - Ấn Độ) chia sẻ việc ứng dụng công nghệ số thúc đẩy hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu kiến trúc Quốc gia; Giáo sư Jun In Ho (Chủ tịch Hiệp hội KTS sinh thái, trường Đại học Hanyang – Hàn Quốc) chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu quy hoạch tổng thể khu phức hợp cộng đồng thông minh, định hướng y tế cho người cao tuổi.
Các diễn giả khác của Việt Nam cũng chia sẻ một số giải pháp về phát triển công trình xanh, xanh hóa nền kinh tế, giảm thiểu năng lượng tiêu thụ, giúp ứng phó với biến đổi khí hậu tốt hơn và các giải pháp dùng công nghệ của thời đại công nghệ số để phát triển kiến trúc bền vững…
Kết luận Hội thảo, TS.KTS Trịnh Hồng Việt (Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia) nhấn mạnh: Những thảo luận, trao đổi tại hội thảo đã nêu lên những thách thức và cơ hội trong phát triển kiến trúc bền vững của Việt Nam. Đó chính là các giải pháp về kết nối quá khứ và hiện tại, hiện tại và hiện tại, hiện tại và tương lai để tạo ra những không gian kiến trúc bền vững…
Các ý kiến tham luận tại Hội thảo hôm nay đã đại diện một lượng gần như đầy đủ các thông tin kiến thức căn bản về kiến trúc đương đại đang hướng tới, mà Việt Nam là một thành viên trong đó. Đó là hướng tới ứng dụng các công nghệ hiện đại nhằm tạo một nền kiến trúc luôn phát huy vai trò và kế thừa các giá trị của văn hóa tập quán lối sống hạnh phúc vui vẻ một cách bền vững; Bảo vệ môi trường sinh thái, tích cực tạo ra của cải vật chất bằng việc tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên giảm phát thải...
“Với sự góp của các chuyên gia quốc tế và trong nước, Hội thảo mang lại những kết quả tích cực và tạo ra những điểm bước mới để kiến trúc Việt Nam hội nhập quốc tế và phát triển bền vững” - TS.KTS Trịnh Hồng Việt kết luận.