Cung nữ cuối cùng triều Nguyễn và những 'thâm cung bí sử' chôn kín

'Trong mỗi câu chuyện, cụ Dinh đều trăn trở vì có những điều mà cụ không muốn bộc bạch lòng mình. Những điều đó cụ gọi là 'thâm cung bí sử', nếu chia sẻ lại mang tội với tiền nhân'.

Sáng nay (28/2), chính quyền địa phương, bà con dòng tộc làm lễ tiễn đưa cụ bà Lê Thị Dinh - người được xem là cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn về nơi an nghỉ cuối cùng, thọ 102 tuổi.

Nữ hầu cận cuối cùng của triều Nguyễn qua đời ở tuổi 102

Nữ hầu cận cuối cùng của triều Nguyễn qua đời ở tuổi 102

Trước đó, do tuổi cao sức yếu, chiều ngày 21/2, cụ bà Lê Thị Dinh đã qua đời tại nhà riêng tại kiệt 179 đường Phan Đình Phùng (TP Huế).

Chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Như Trị (con trai cụ Dinh) cho biết, lễ tang của cụ Dinh được tổ chức giản dị, gọn nhẹ và được an táng tại một khu đất nhỏ trong nghĩa trang nhân dân thuộc phường Thủy Dương (thị xã Hương Thủy, TT-Huế) như bao người dân xứ Huế khác.

“Thời nhà Nguyễn còn trị vì, việc tang sự, chôn cất đều được thực hiện theo điển lệ và có qui định cụ thể đối với những thân phận cung nhân, người trong hoàng tộc.

Tuy nhiên, sau năm 1945, những con cháu hoàng thân quốc thích như mẹ tôi lúc qua đời, việc tổ chức nghi lễ, mai táng cũng giống người bình thường”, ông Trị chia sẻ.

Bà Lê Thị Dinh hồi trẻ (ảnh tư liệu)

Bà Lê Thị Dinh hồi trẻ (ảnh tư liệu)

Là một người dành nhiều thời gian nghiên cứu về lịch sử, con người, văn hóa triều Nguyễn, nhà nghiên cứu văn hóa Huế Trần Đại Vinh cho biết, sự ra đi của bà là “một mất mát lớn”.

“Bà Lê Thị Dinh là người có mặt trong suốt cung đình triều Nguyễn thời kỳ cuối nên có sự am hiểu kỹ về phong tục sống, cách trang điểm, các lễ nghi, lễ phục trong triều. Là người cụ thể tiếp cận được các cung cách của cung đình.

Sự ra đi của bà là rất đáng tiếc. Tuy nhiên, cũng may mắn là, trong khoảng thời gian bà còn minh mẫn, bà cũng đã nhiều lần mở lòng để các nhà nghiên cứu, chuyên gia có dịp tiếp cận, hiểu rõ về một phiếm đoạn trong lịch sử phong kiến triều Nguyễn”, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh chia sẻ.

Cô Dinh

Một số nhà nghiên cứu lịch sử tại Huế cho biết, lúc sinh thời, họ đã nhiều lần được tiếp xúc với cụ bà Lê Thị Dinh và có dịp lắng nghe, chia sẻ của cụ về một giai đoạn lịch sử của đất nước trong cung cấm.

Người thân, gia quyến tiếc thương tiễn biệt cụ.

Người thân, gia quyến tiếc thương tiễn biệt cụ.

“Tuy nhiên, trong mỗi câu chuyện, cụ Dinh đều trăn trở vì có những điều, có lẽ cụ không muốn bộc bạch lòng mình. Những điều đó cụ gọi là “thâm cung bí sử”, nếu chia sẻ lại mang tội với tiền nhân”, một nhà nghiên cứu chia sẻ.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh TT-Huế (nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tàng di tích Cố đô Huế) cho biết, nếu đánh giá đầy đủ, thân phận của bà Lê Thị Dinh là một người hầu cận, là cung nhân đặc biệt thì đúng hơn là danh xưng “cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn”.

Bởi lẽ, tài liệu lịch sử để lại cho biết, lúc sinh thời, bà Lê Thị Dinh là một hầu cận của đức Từ Cung.

Tang lễ của cụ Dinh được tổ chức giản dị

Tang lễ của cụ Dinh được tổ chức giản dị

Bà Từ Cung, nhũ danh là Hoàng Thị Cúc (nguyên quán ở làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế). Dưới thời Duy Tân (1907-1916), bà là phủ thiếp của Phụng Hóa Công Bửu Đảo.

Bà sinh hạ Hoàng tử Vĩnh Thụy vào ngày 20/10/1913. Năm 1916, khi Phụng Hóa Công lên ngôi, lấy niên hiệu là Khải Định, địa vị của bà Hoàng Thị Cúc trở nên quan trọng trong Hoàng gia.

Năm 1925, khi Hoàng tử Vĩnh Thụy nối ngôi vua cha, địa vị của bà Cúc càng quan trọng hơn. Tháng 2 năm Bảo Đại thứ 8 (1933), bà được triều đình tấn phong Đoan Huy Hoàng Thái hậu. Từ đó, bà được tôn xưng là Từ Cung.

Người kề cận chăm sóc phục vụ Thái hậu Từ Cung từ những ngày đầu ở cung Diên Thọ cho đến lúc lâm chung vào ngày 10/11/1980, chính là bà Lê Thị Dinh. Năm 8 tuổi, bà Dinh được Vương phủ chọn vào cung phục vụ bà Thánh Cung Hoàng hậu, vợ vua Đồng Khánh, và sau đó phục vụ Hoàng Thái hậu Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại.

Đoàn xe tang đưa cụ Dinh về nơi an nghỉ cuối cùng

Đoàn xe tang đưa cụ Dinh về nơi an nghỉ cuối cùng

Cuối đời, khi đức Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại qua đời, cụ Lê Thị Dinh rời cung An Định về ở phủ Kiên Thái Vương (179 Phan Đình Phùng, TP Huế) để dành hết quãng đời còn lại lo hương khói, phụng thờ cho 4 vua Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Khải Định, sau này có thêm vua Bảo Đại.

“Mẹ tôi sinh năm 1920, tính theo tuổi ta thì năm nay cụ 102 tuổi. Bà là cháu ngoại của Quận Công Ưng Quyến - em trai 3 vua Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh”, ông Nguyễn Như Trị (con trai bà Dinh) cho biết.

Đồng quan điểm với TS Phan Thanh Hải, nhà nghiên cứu Trịnh Bách cho rằng, nên dùng danh xưng “Cô Dinh” để gọi những người làm công việc hầu cận trong cung đình như trường hợp của cụ bà Lê Thị Dinh.

Theo ông Bách, với xã hội phong kiến, các bà hầu cận nội cung đóng một vai trò quan trọng và có vị trí đặc biệt trong hậu cung vì đây là những người được phép đụng chạm trực tiếp đến thân thể của các thái hậu, quý phi…, khi tắm rửa, mặc áo quần, chải đầu vấn khăn, trang điểm…

“Họ phải là những người có vai vế cao như công chúa, quận chúa, thân cận trong hoàng tộc. Họ khác với các nữ quan hay thị nữ làm các tạp vụ, tạp dịch trong nội cung là người ngoài, thường phải giữ khoảng cách.

Đối với các bà hầu cận đương nhiệm trong nội cung thì dù có là công chúa, quận chúa, người ta cũng gọi là Cô (viết hoa, nói gọn đi từ “lệnh Cô”).

Gọi bằng Cô đây cũng để phân biệt với cấp bậc của các bà vợ vua trong tam cung, lục viện…”, nhà nghiên cứu Trịnh Bách chia sẻ.

Quang Thành

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/cung-nu-cuoi-cung-trieu-nguyen-va-nhung-tham-cung-bi-su-chon-kin-716093.html