Cùng phòng ngừa dịch bệnh

Nhân viên y tế tại Phòng khám Đa khoa Lê Lợi trao đổi với một người đến khám. Ảnh: YÊN LAN

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) đang là mối lo của cả cộng đồng. Vì vậy, không chỉ những cơ sở y tế công lập mà phòng khám tư nhân, phòng chẩn trị y học cổ truyền tư nhân… cũng tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Đến 17 giờ ngày 10/2, thế giới ghi nhận 40.620 người nhiễm nCoV, 910 người tử vong, trong đó lục địa Trung Quốc có 908 người tử vong, Philippines: 1 người tử vong, Hồng Kông (Trung Quốc): 1 người tử vong. Việt Nam có 14 người dương tính với nCoV, gồm: 2 cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi và xuất viện), 6 người Việt Nam trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc (4 người đã khỏi và xuất viện), 5 người Việt Nam có tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với nCoV (1 người đã khỏi và xuất viện), 1 người Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán. Các tỉnh, thành phố có người mắc nCoV: Vĩnh Phúc (9), TP Hồ Chí Minh (3), Khánh Hòa (1), Thanh Hóa (1). Điều trị khỏi: 6 ca. Số ca xét nghiệm nCoV âm tính: 745 ca.

Tại phòng chẩn trị y học cổ truyền của ThS - bác sĩ Đàm Đinh Hồng Hoa (phường 4, TP Tuy Hòa), rửa tay là công việc thường xuyên của nhân viên y tế sau khi châm cứu, tập phục hồi chức năng (PHCN)…, và khẩu trang là vật “bất ly thân” trong thời gian làm việc. Y sĩ Kim Ngọc, một trong những nhân viên làm việc tại đây, cho biết: Tôi được cấp một chai dung dịch rửa tay, sau khi tập PHCN cho một bệnh nhân, tôi đều rửa tay; khi làm việc thì luôn mang khẩu trang.

Bác sĩ Đàm Đinh Hồng Hoa nói: Biết được 4 đường lây chính của nCoV nên để phòng ngừa dịch bệnh, nhân viên làm việc tại đây đều mang khẩu trang; bệnh nhân đến khám, điều trị cũng được phát khẩu trang. Các phòng làm việc đều có xà phòng, nước rửa tay; nhân viên rửa tay nhiều lần trong một buổi làm việc. Chúng tôi cũng đã phun hóa chất khử trùng và thường xuyên lau sạch các bề mặt.

Liên tục cập nhật thông tin về dịch bệnh nCoV từ Bộ Y tế và các kênh thông tin chính thống, bác sĩ Hồng Hoa cung cấp những thông tin đó cho bệnh nhân, góp phần giúp bà con biết cách phòng chống dịch bệnh, trong đó có việc rửa tay thường xuyên, ăn uống đủ chất, an toàn… và có những tư vấn để bệnh nhân an tâm, không hoang mang.

Các phòng khám đa khoa cũng rất chú trọng việc lau sạch các bề mặt và ngăn ngừa nguy cơ lây bệnh qua đường hô hấp. Bác sĩ Ngô Đa Lộc, Giám đốc Phòng khám Đa khoa Lê Lợi cho biết: “Những khi có dịch cúm, nhân viên y tế ở đây đều có biện pháp tự bảo vệ mình như mang khẩu trang, rửa tay. Riêng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV có những diễn tiến nặng nên nhân viên y tế càng chú trọng đến việc phòng ngừa: rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang đúng quy cách. Bệnh nhân đến khám cũng được phát và đề nghị mang khẩu trang trước khi gặp bác sĩ”.

Thời tiết này dễ bị viêm họng. Bệnh nhân cảm thấy đau, khô, ngứa họng kèm theo hắt hơi, chảy nước mũi, ho, đau đầu, mệt mỏi, sốt… Và mùa đông xuân cũng là thời điểm thường mắc cúm mùa - bệnh truyền nhiễm do hai loại vi rút cúm A là H1N1 và H3N2 cùng một loại vi rút cúm B gây ra, với các triệu chứng: sốt, ho, đau họng, đau cơ, nhức đầu, chảy nước mũi, nghẹt mũi, mệt mỏi..., đôi lúc cúm còn gây nôn mửa và tiêu chảy, có biến chứng viêm phổi, viêm tai giữa, thậm chí có những biến chứng rất nặng như viêm não, tổn thương cơ quan khác, giảm tiểu cầu xuất huyết..., có thể dẫn đến tử vong. Đáng nói là, theo Tổ chức Y tế Thế giới, các loại vi rút gây bệnh đường hô hấp thường khiến bệnh nhân có các triệu chứng giống nhau nên rất khó phân biệt nếu chỉ dựa vào triệu chứng.

Để phòng chống dịch bệnh, người dân hãy tuân theo các hướng dẫn của Bộ Y tế: Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở); khi cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách trên 2m khi tiếp xúc. Người có các triệu chứng sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người; thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng kể trên…

Bà con cũng phải lưu ý là chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín; không du lịch đến các vùng có dịch bệnh; hạn chế đi đến những nơi tập trung đông người. Nếu cần phải đến nơi tập trung đông người thì sử dụng khẩu trang, rửa tay với xà phòng… để tự bảo vệ mình. Mặt khác, người dân tránh mua bán, tiếp xúc với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã; giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể dục thể thao; mở các cửa ra vào và cửa sổ để nhà cửa, phòng làm việc thông thoáng, hạn chế sử dụng điều hòa; thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn.

Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, người dân phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/234847/cung-phong-ngua-dich-benh.html