Cứng rắn với Trung Quốc có đem lại bình yên hơn?
Theo bình luận viên của Bloomberg Karishma Vaswani, những 'cái đầu nguội' sẽ đem lại lợi ích cho cả Washington và Bắc Kinh vào thời điểm này.
Nghiên cứu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew, cho thấy cứ 10 người Mỹ được hỏi thì 4 trong số đó nhìn nhận Bắc Kinh là kẻ đối địch với Mỹ, thay vì đối thủ cạnh tranh hay cộng sự. Đó là mức tăng vọt so với năm ngoái.
Trong số đó, những người theo Đảng Cộng hòa (GOP) và những người độc lập nghiêng về Đảng Cộng hòa hơn là Đảng Dân chủ, có xu hướng nhìn nhận vai trò toàn cầu của Trung Quốc theo hướng tiêu cực hơn. Điều đó được thể hiện rõ trong cuộc tranh luận đầu tiên của Đảng này hôm 24/8, khi có một chủ đề thống nhất giữa các ứng cử viên: Trung Quốc là một mối đe dọa và nó sẽ không biến mất.
Mặc dù các ứng cử viên có thể có những sắc thái khác nhau trong luận điệu chống Trung Quốc, nhưng hầu hết họ đều tranh luận về cùng một điều - Bắc Kinh cần phải được kiềm chế và chỉ có một tổng tư lệnh mạnh mẽ mới có thể làm được điều đó.
Carrie Filipetti, giám đốc điều hành của tổ chức tư vấn Liên minh Vandenberg, đồng thời là cố vấn cũ của ứng cử viên Đảng Cộng hòa và cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Nikki Haley, lưu ý rằng sự phô trương sức mạnh đó là một cách để họ đánh bóng thông tin chính sách đối ngoại. “Theo quan điểm của họ, Trung Quốc chỉ có thể kiểm soát bằng sức mạnh, và nước Mỹ càng mạnh thì điều đó càng có tác dụng răn đe”.
Nhưng nói cứng rắn về Trung Quốc không dẫn đến một thế giới hòa bình hơn. Trên thực tế, hoàn toàn ngược lại. Đầu tháng này, tờ Global Times Trung Quốc chỉ trích các ứng cử viên Đảng Cộng hòa lợi dụng Trung Quốc như một cách để giành phiếu bầu.
Mặt khác, hậu quả của mối quan hệ giữa Mỹ với Bắc Kinh không phải là một vấn đề xa vời, ẩn sâu trong các nghiên cứu học thuật và giới chính sách đối ngoại. Đó là một vấn đề đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người Mỹ.
Tâm lý chống người châu Á đang hiện hữu. Theo Marshall Group, trích dẫn dữ liệu của FBI, tội phạm do thù ghét ở Mỹ đã gia tăng trên diện rộng từ năm 2020-2021. Trong khi tỷ lệ này tăng đối với hầu hết các nhóm, thì người Mỹ gốc Á nằm trong số những người bị ảnh hưởng nhiều nhất, với tội phạm có động cơ chủng tộc tăng 107% so với năm trước.
Bạo lực leo thang là một trong những vấn đề khiến tác giả- chuyên gia về Trung Quốc Jessica Chen Weiss ủng hộ một cách tiếp cận cân bằng, hợp lý hơn đối với quan hệ Mỹ-Trung. Trong bài viết trên The Diplomat năm ngoái, bà chỉ ra đích đến không thể tránh khỏi mà căng thẳng hiện nay dẫn đến: “Một thế giới nguy hiểm hơn và ít nơi sinh sống hơn do nguy cơ đối đầu và khủng hoảng luôn hiện hữu, khi quá trình chuẩn bị cho xung đột được ưu tiên hơn việc giải quyết các thách thức chung. ”
Những diễn biến này phần nào ảnh hưởng tới các tính toán kinh doanh và chính trị trong giới ngoại giao và các lĩnh vực khác, khi một nhà lãnh đạo công nghệ nổi tiếng ở châu Á nói rằng các công ty đang bắt đầu chuẩn bị cho khả năng xung đột Mỹ-Trung tương tự như mối lo về rủi ro do thiên tai.
Xung đột không nhất thiết phải là điều không thể tránh khỏi, nhưng cả Mỹ và Trung Quốc đều cần phải chấp nhận đây là một thế giới có thế giới khác tồn tại.
Tuần tới mang đến một cơ hội, khi Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo trở thành quan chức cấp cao thứ 4 của Mỹ đến thăm Trung Quốc kể từ tháng 6/2023. Suy thoái kinh tế đang mang đến những áp lực mới cho Bắc Kinh. Các quan chức Trung Quốc có thể bị phân tâm khi cố gắng ngăn chặn tình trạng bất ổn tài chính đó. Những "cái đầu nguội hơn" có thể và nên chiếm ưu thế.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cung-ran-voi-trung-quoc-co-dem-lai-binh-yen-hon.html