Cung Thanh niên Hà Nội chỗ 'xẻ đất vàng' để cho thuê, nơi xuống cấp nghiêm trọng!
Một số thiết thế văn hóa thể thao chưa đồng bộ, xuống cấp nghiêm trọng, bị sử dụng sai mục đích... nhiều năm chưa được quan tâm đầu tư cải tạo, như: Cung Văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội (Tăng Bạt Hổ) và Nhà văn hóa học sinh sinh viên (37 Trần Bình Trọng).
Mới đây tại phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn TP Hà Nội do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức, diễn ra vào cuối tháng 4/2022, nhiều đại biểu đã đề nghị TP Hà Nội làm rõ về lộ trình, giải pháp cụ thể để đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa còn thiếu, chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở.
Cung Văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội (số 1 Tăng Bạt Hổ)
Bài liên quan
Hà Nội: Nhiều dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ, ì ạch giải ngân
Hà Nội sẽ chi hơn 17,4 tỷ đồng thưởng cho các vận động viên, huấn luyện viên có thành tích tại SEA Games 31
Hà Nội: Dân quân tự vệ gặt lúa, giúp dân chạy lũ
Hà Nội: Yêu cầu xử lý triệt để các ổ dịch truyền nhiễm mùa hè
Theo các đại biểu, hiện tiến độ xây dựng nhiều thiết chế văn hóa chậm trễ, gây lãng phí lớn trong khi nhu cầu của nhân dân ngày càng bức thiết.
Trong đó, đại biểu phản ánh một số thiết thế văn hóa thể thao chưa đồng bộ, xuống cấp nghiêm trọng, bị sử dụng sai mục đích... nhiều năm chưa được quan tâm đầu tư cải tạo, như: Cung Văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội (Tăng Bạt Hổ) và Nhà văn hóa học sinh sinh viên (37 Trần Bình Trọng).
Theo tìm hiểu được biết, Dự án cải tạo nâng cấp và xây dựng cơ sở tại số 1 phố Tăng Bạt Hổ được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư từ năm 2007. Còn dự án cải tạo nâng cấp cơ sở tại 37 phố Trần Bình Trọng đã có chủ trương đầu tư từ năm 2015. Đến nay cả hai công trình vẫn chưa được cải tạo, sửa chữa.
Trung tâm tiệc cưới mọc lên ngay trong khuôn viên Cung Văn hóa Thể thao Thanh niên Hà Nội.
Thực tế hiện nay, theo phản ánh của nhiều người dân Thủ đô, trong khi ở Hà Nội đang còn thiếu những điểm sinh hoạt văn hóa lành mạnh, bổ ích cho thanh, thiếu niên thì nhiều năm nay, một phần Cung Văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội (số 1 Tăng Bạt Hổ) lại đang sử dụng thiếu hiệu quả, sai mục đích gây lãng phí, khiến dư luận địa phương bức xúc.
Theo khảo sát thực tế của phóng viên, ô đất này có vị trái đắc địa với 3 mặt tiền: Tăng Bạt Hổ, Trần Thánh Tông và Nguyễn Công Trứ. Điều đáng nói là cả 3 mặt tiền này đều đang được sử dụng để kinh doanh sai mục định với đủ thể loại nhà hàng dịch vụ.
Dọc theo tuyến đường Tăng Bạt Hổ là Trung tâm tổ chức sự kiện tiệc cưới, hàng quán bida, câu lạc bộ quần vợt, quán ăn,…
JUMP ARENA Tăng Bạt Hổ được giới thiệu là trung tâm đầu tiên của Thủ đô Hà Nội sầm uất với tổng sức chứa lên đến 200 khách hàng.
Việc sử dụng sai mục đích nghiêm trọng hơn nữa là ở phía mặt đường Trần Thánh Tông, đủ các hình thức kinh doanh xuất hiện ở đây.
Phía mặt tiền đường Nguyễn Công Trứ chỉ có vài chục mét chiều dài cũng xuất hiện 1 quán cafe và 1 nhà hàng Hoàng Gia Toàn cầu cỡ lớn.
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo phường Phạm Đình Hổ cho biết: "Cả khu Cung Văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội mỗi góc lại giao cho một đơn vị quản lý, cũng đã nhiều lần TP Hà Nội có kế hoạch làm dự án nhưng sau đó lại thôi, dừng...năm 2018 đã có thanh tra của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội đối với Cung Văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội".
Khi được hỏi về việc cho thuê và sử dụng sai mục đích tại đây, vị lãnh đạo này không nắm rõ và cho biết sẽ kiểm tra lại và thông tin tới phóng viên sau.
Nhà văn hóa học sinh sinh viên (37 Trần Bình Trọng) trụ sở 2 Cung Thanh niên Hà Nội.
Trong khi đó, Nhà văn hóa học sinh sinh viên (37 Trần Bình Trọng) hiện nay công trình có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, một phần công trình bị đổ sặp xuống lòng hồ Thiền Quang, một số hạng mục bị bỏ không không được sửa chữa, dọn dẹp để tạm bợ trong khuôn viên khiến khuôn viên toàn khu vực trở nên nhếch nhác xấu xí.
Một phần công trình bị đổ sặp xuống lòng hồ Thiền Quang làm mất an toàn và xấu mỹ quan đô thị
Một số hạng mục bị bỏ không không được sửa chữa, dọn dẹp để tạm bợ trong khuôn viên khiến khuôn viên toàn khu vực trở nên nhếch nhác xấu xí.
Kiên quyết xử lý các trường hợp sử dụng sai mục đích, không đúng quy định
Ở diễn biến khác, thông tin tới báo chí mới đây, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, đối với một số dự án chậm tiến độ như Cung Thanh niên ở phố Tăng Bạt Hổ và phố Trần Bình Trọng, nguyên nhân là do thành phố phê duyệt nhiệm vụ đầu tư, nhưng chưa bố trí vốn; đồng thời, dự án nhiều lần được đổi chủ đầu tư... hiện thành phố đã đưa hai công trình vào danh mục dự án đầu tư công mới cần bố trí đầu tư. Dự kiến, cả hai công trình sẽ được khởi công trong năm 2022.
Nói về một số đơn vị cho thuê thiết chế văn hóa để kinh doanh là sai quy định pháp luật. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: “Thực trạng bất cập trong quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa ở cơ sở là do lãnh đạo chính quyền cơ sở chưa quyết liệt, chưa sâu sát. Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung hoàn thiện Quy hoạch Tổng thể thiết chế văn hóa -thông tin cơ sở và triển khai đến từng địa phương. Thành phố khuyến khích kết hợp vốn ngân sách với vốn xã hội hóa trong đầu tư vào thiết chế văn hóa; xây dựng quy chế khai thác, quản lý, hoạt động cho các thiết chế văn hóa. Trong đó, thành phố sẽ hướng dẫn cơ chế tự chủ kinh phí của các thiết chế”.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn.
Tại phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa - thể thao do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị UBND TP chỉ đạo rà soát tổng thể hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao trên địa bàn; ưu tiên bố trí nguồn vốn, quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa-thể thao.
Công tác quy hoạch các thiết chế văn hóa, thể thao phải đi trước một bước; không điều chỉnh quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa sang mục đích khác. Quỹ đất sau khi di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch ưu tiên xây dựng các công trình văn hóa, thể thao.
Trước mắt, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm như: Cung Thiếu nhi, Cung Thanh niên Hà Nội, các công viên, khu vui chơi giải trí... Các quận, huyện, thị xã tập trung bố trí nguồn vốn, quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu; kiên quyết xử lý các trường hợp sử dụng sai mục đích, không đúng quy định.