Cung thấp hơn cầu đẩy giá lên cao, giải pháp nào cho ngành mía đường niên vụ 2023-2024?

Ngành mía đường đang đứng trước những cơ hội cũng như thách thức lớn, khi sản lượng các niên vụ gần đây liên tục giảm, thậm chí tới gần 40% so với cách đây 20 năm. Nguồn cung giảm, nhu cầu tăng dẫn đến giá mặt hàng này liên tục tăng cao, chạm mốc 'chưa từng có' trong lịch sử.

Thực trạng khan hiếm nguồn cung đường tiếp tục là bài toán nan giải

Thực trạng nguồn cung – cầu đường trong nước đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt do sản xuất đường liên tục suy giảm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng đường công nghiệp ngành càng tăng. Việc thiếu hụt đường gần đây giúp giá mía và đường trong nước có xu hướng ổn định, người nông dân trồng mía có giá bán tốt hơn nhưng nhu cầu tiêu thụ bị thiếu hụt.

 Ngành đường trong nước đứng trước áp lực thiếu nguồn cung trong giai đoạn quý III, IV - cao điểm sản xuất thực phẩm mùa lễ hội. Ảnh: Nhân Dân

Ngành đường trong nước đứng trước áp lực thiếu nguồn cung trong giai đoạn quý III, IV - cao điểm sản xuất thực phẩm mùa lễ hội. Ảnh: Nhân Dân

Theo viện chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Ipsard), diện tích trồng mía đã liên tục giảm mạnh trong những năm qua. Số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2021 diện tích trồng mía cả nước chỉ còn 166.000 ha, sản lượng chỉ còn 10,7 triệu tấn. So sánh với cách đây 20 năm, diện tích trồng mía giảm 48,2% và sản lượng mía giảm 37,3%. Các nhà máy cũng thu hẹp sản xuất, nhiều nhà máy đã sáp nhập, giải thể từ 39 nhà máy đường năm 2011-2012 đã giảm chỉ còn 24 nhà máy 2021-2022. Số hộ trồng mía cũng giảm một nửa, chỉ còn 126.000 hộ mùa vụ 2019-2020. Tỷ lệ đóng góp của ngành mía đường trong chỉ còn khoảng 1,5% tổng giá trị sản xuất của ngành nông lâm thủy sản.

 Diện tích và sản lượng mía đường có xu hướng giảm mạnh trong 1 thập kỷ trở lại. Nguồn: Tổng cục Thống kê 2000-2021, MARD, 2022

Diện tích và sản lượng mía đường có xu hướng giảm mạnh trong 1 thập kỷ trở lại. Nguồn: Tổng cục Thống kê 2000-2021, MARD, 2022

Giảm nguồn cung mía và nhà máy tác động mạnh đến sản lượng đường sản xuất trong nước và do đó ảnh hưởng lớn nhu cầu trong nước, đặc biệt nhu cầu đường của các nhà máy chế biến thực phẩm, đồ uống. Mặc dù, chính sách nhập khẩu đường cũng khá linh hoạt nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước, vì thế tình trạng nhập lậu đường vẫn còn khá phổ biến.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích trồng mía vụ 2021-2022 là 146.938 ha, giảm 3,9% so với niên vụ trước. Sản lượng mía đạt 9,5 triệu tấn, giảm 1,4%.

Diện tích trồng mía niên vụ này đã giảm một nửa so với mùa vụ 1999-2000, từ 302.000 ha xuống còn gần 147.000 ha, nguyên nhân do xu hướng chuyển đổi cây trồng mạnh trong những năm qua, người dân chuyển sang trồng cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như: Ngô, sắn, keo lai, lúa…Ngoài ra, do nhiều nhà máy mía đường ở các vùng đã thu hẹp sản xuất, hoặc giải thể, sáp nhập việc tiêu thụ mía cho người dân không bền vững, người dân buộc phải chuyển đổi sang cây trồng khác.

Theo báo cáo của Hiệp hội mía đường Việt Nam (VASS), vụ mía 2022-2023 cả nước sản lượng lũy kế từ đầu vụ đã ép được 9,6 triệu tấn mía và sản xuất được 935 tấn đường các loại. So sánh với vụ ép mía 2021-2022 sản lượng mía ép đạt 128% và sản lượng đường đạt 125%. Tồn kho cuối kỳ năm 2022 là khoảng 395.000 tấn. Lượng đường nhập khẩu chính ngạch đến tháng 7/2023 là 452.000 tấn. Như vậy lượng cung đường trong nước nếu tính cả số nhập khẩu đến tháng 7 là 1,76 triệu tấn.

Về nhu cầu sử dụng đường, dựa theo điều tra mức sống dân cư, nhóm nghiên cứu củaIpsard ước lượng tiêu dùng cho hộ gia đình là khoảng 429.000 tấn. Tiêu dùng cho công nghiệp chế biến thực phẩm đồ uống khoảng 1,8 triệu tấn. Ngoài ra, lượng đường xuất khẩu của cả năm theo ước tính của VASS là khoảng 147.000 tấn. Như vậy tổng cầu đường mía của cả nước năm 2023 (tính cả xuất khẩu) ước đạt khoảng 2,39 triệu tấn.

 Nguồn: Ipsard khảo sát doanh nghiệp 2023

Nguồn: Ipsard khảo sát doanh nghiệp 2023

Như vậy, để bù đắp lượng đường thiếu hụt từ đây đến cuối năm thì Việt Nam cần nhập khẩu khoảng 625.000 tấn.

Bảo vệ ngành mía đường trong nước

Theo khảo sát của Ipsard, nguồn cung cấp đường của các doanh nghiệp được khảo sát chủ yếu đến từ các nhà máy đường trong nước, đường nhập khẩu và của các công ty thứ 3 trong nước cung cấp. Đối với đường RE, 76,5% số doanh nghiệp được khảo sát mua từ các nhà máy trong nước chỉ có 2,03% tự nhập khẩu đường, số còn lại do bên thứ 3 cung cấp. Đối với đường RS, 34,75% các doanh nghiệp cho biết biết là mua từ các nhà máy đường trường nước, số còn lại từ nguồn nhập khẩu.

Tại Việt Nam, giá bán đường của các nhà máy sản xuất đường trong quý II/2023 cũng đã tăng 10% so với tháng 1, ở mức bình quân 20.000 đồng/kg đối với đường tinh luyện. VASS cho biết, vào đầu tháng 8/2023, giá đường trong nước đã đạt từ 20.000 - 21.500 đồng/kg, tăng 12% so với thời điểm đầu năm và tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến cuối tháng 8/2023, nhiều doanh nghiệp đã nâng giá bán đường lên thêm 4.000-5.000 đồng/kg, đạt ngưỡng 25.000 đồng/kg, thậm chí có công ty công bố giá đường kính trắng là 26.000 đồng/kg và đường tinh luyện là 27.000 đồng/kg.

Để bảo vệ ngành mía đường trong nước, Bộ Công Thương đã quyết định tiếp tục áp thuế phòng vệ thương mại đến năm 2026, giúp các nhà máy đường trong nước có cơ hội cạnh tranh tốt hơn trong thời gian tới. Cụ thể, Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với một số công ty Thái Lan, với mức thuế chống bán phá giá thấp nhất là 25,73% và cao nhất là 32,75%, còn mức thuế chống trợ cấp thấp nhất là 0% và cao nhất là 4,65%. Bộ Công Thương cho biết, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp là thuế nhập khẩu bổ sung, kể cả nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan.

Trước thực trạng giá đường tăng cao, mới đây, ngành thực phẩm có công văn gửi Bộ Công Thương kiến nghị mở rộng hạn ngạch nhập khẩu đường với tối thiểu 600.000 tấn, do các nhà máy sản xuất đường trong nước không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; đồng thời đề xuất hàng năm Bộ Công Thương thực hiện đấu giá hạn ngạch thuế quan vào tháng 9, với lượng tối thiểu theo cam kết WTO là 119.000 tấn.

Theo FFA, đường là một trong những hàng hóa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của làn sóng bảo hộ lương thực thực phẩm với các quyết định hạn chế xuất khẩu từ Ấn Độ, Brazil… dẫn đến thiếu hụt đường dự trữ trên toàn cầu, cùng với niên vụ sản xuất mía đường nội địa đã hết. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm và ngành nước giải khát trong nước lại đang gia tăng nhu cầu nguồn cung đường nguyên liệu khi bước vào mùa sản xuất cao điểm như Tết Trung thu và Tết Nguyên đán.

Trong tương lai, bài toán ổn định cung cầu và triển vọng của ngành phụ thuộc vào việc bổ sung hạn ngạch nhập khẩu đường một cách hợp lý. Thực tế, việc nhập khẩu đường thô chỉ nhằm bảo đảm nguồn cung thiếu hụt trong nước, không gây ảnh hưởng đến thị phần sản xuất nội địa. Việc này giúp bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất các sản phẩm chất lượng và đa dạng, phục vụ người tiêu dùng trong thời kỳ khan hiếm nguyên liệu.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/cung-thap-hon-cau-day-gia-len-cao-giai-phap-nao-cho-nganh-mia-duong-nien-vu-2023-2024.html