Cũng tốt thôi khi bị từ chối

Tình huống bị từ chối chẳng mấy dễ chịu, bất kể trong công việc hay tình yêu. Dù vậy, điều này vẫn có khía cạnh tích cực cho tâm lý con người.

 Bị từ chối chưa hẳn là một điều tiêu cực. Ảnh minh họa: Samson Katt/Pexels.

Bị từ chối chưa hẳn là một điều tiêu cực. Ảnh minh họa: Samson Katt/Pexels.

Mark Leary, cựu giáo sư tâm lý học tại Đại học Duke (Mỹ), cho biết mọi người đều từng trải qua một vài lần bị từ chối theo những cách thức khác nhau. Đó có thể là khi hồ sơ xin việc bị trả về hoặc lời tỏ tình thất bại. Ngoài ra, chúng ta còn gặp không ít lần bị ai đó không xem trọng như ý muốn.

Tuy nhiên, theo Leary, thay vì xấu hổ và nản lòng, đây lại là cơ hội để bạn nhận thức được não bộ và tâm lý của mình vẫn khỏe mạnh, hoạt động bình thường, CNBC Make It đưa tin.

 Đau buồn khi bị từ chối là phản ứng tự nhiên của con người. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels.

Đau buồn khi bị từ chối là phản ứng tự nhiên của con người. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels.

Phản ứng tự nhiên

Theo giáo sư Leary, từ xa xưa, con người đã mang cảm xúc tủi thẹn, lo âu khi bị khước từ.

Khi đó, họ coi việc tham gia vòng tròn xã hội là yếu tố sống còn. Việc bị trục xuất khỏi bộ tộc hoặc từ chối kết đôi khiến con người mang cảm giác tiêu cực nặng nề hơn so với hiện tại.

Cho đến ngày nay, việc bị từ chối không mang lại nhiều tác động nguy hiểm như trước, song mọi người vẫn tự động xem đây là mối đe dọa đến cuộc sống của mình.

Tâm trạng đau buồn khi không được chào đón hay tiếp nhận khá tương tự cảm giác đau do giẫm phải vật sắc nhọn.

Như vậy, cảm xúc tiêu cực khi bị từ chối chính là phản xạ tự nhiên, đóng vai trò như lời cảnh báo điều gì đó đang gây hại đến sức khỏe của chúng ta.

 Mọi người cần tránh đổ lỗi cho bản thân khi bị từ chối. Ảnh minh họa: Kindel Media/Pexels.

Mọi người cần tránh đổ lỗi cho bản thân khi bị từ chối. Ảnh minh họa: Kindel Media/Pexels.

Khắc phục

Khi bị đối phương từ chối, bạn có thể xuất hiện tâm lý tự đổ lỗi, phẫn uất hoặc tổn thương.

Dù rơi vào trường hợp nào, bạn cũng nên cố gắng xem xét và giải quyết vấn đề theo những góc nhìn thực tế nhất, Leary cho hay.

Chẳng hạn, nếu ai đó không gọi lại cho bạn trong vài ngày, bạn hãy khoan kết luận rằng họ không muốn nói chuyện với mình. Lúc này, khả năng cao là họ bị ốm hoặc đang quá mức bận rộn.

Bên cạnh đó, bạn cần lưu ý rằng bạn rất có thể không bị "từ chối" nhiều như mình nghĩ.

Không ít người hiểu nhầm sự do dự, mâu thuẫn hay ý kiến trung lập của đối phương đồng nghĩa với từ chối. Đồng thời, họ còn có thể nhận thấy sự chối bỏ từ người khác nhiều hơn thực tế. Điều này dễ dàng dẫn đến việc tự cô lập hoặc khiến bạn chịu phức cảm nạn nhân (victim complex - hội chứng tâm lý khiến một người luôn nghĩ mình là nạn nhân của mọi việc).

“Bầu trời đổ mưa thì ai cũng sẽ ướt. Tuy nhiên, nếu chỉ nghĩ rằng trời chỉ mưa với mỗi bản thân mình, bạn sẽ dễ dàng nản lòng”, Leary giải thích.

Cuối cùng, bạn hãy nhớ rằng bị từ chối là hoàn toàn bình thường và diễn ra với bất kỳ ai trong cuộc sống. Thêm vào đó, trải qua cảm xúc tiêu cực về việc này cũng chưa hẳn có hại. Thay vào đó, chúng cho thấy não bộ và tâm lý của chúng ta đang hoạt động đúng cách, Leary nói.

Tuổi trẻ vô định và dễ sa ngã

Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.

Thiên Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cung-tot-thoi-khi-bi-tu-choi-post1412712.html