Cùng trẻ vị thành niên vượt qua bất ổn tâm lý | Hà Nội tin mỗi chiều
Khi xã hội phát triển nhanh, trẻ em rất dễ gặp áp lực tâm lý từ nhiều phía, vì vậy, việc nhận biết sớm trẻ bị trầm cảm là vô cùng quan trọng. Cha mẹ hãy là người luôn bên cạnh, gần gũi và chia sẻ cùng với con. Bởi từ những chia sẻ thẳng thắn, cởi mở đó, cả hai sẽ thấu hiểu và dễ dàng cùng nhau đồng hành vượt qua khó khăn.
Ở lứa tuổi vị thành niên, khi đang có những chuyển biến tâm lý, các em nhạy cảm hơn rất nhiều dẫn tới những suy nghĩ tiêu cực. Làm sao để xóa mờ khoảng cách thế hệ, giúp các em sẻ chia và vượt qua những bất ổn tâm lý?
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng – Phó Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), sinh lý học của trẻ vị thành niên chỉ rõ não bộ chưa phát triển đầy đủ, tư tưởng, cảm xúc, hành vi, tư duy của trẻ cũng dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Điều này rất dễ dẫn đến các rối loạn hành vi, đáng lo ngại nhất là hành vi tự sát.
Nhận biết sớm trẻ trầm cảm rất cần thiết. Biện pháp bền vững và hiệu quả nhất vẫn phải đến từ chính gia đình, chính cuộc sống tinh thần hàng ngày của trẻ được chăm chút từ bé đến lớn như thế nào. Mặc dù biết rằng phụ huynh ai cũng ít nhiều đặt kỳ vọng vào con mình, nhưng điều này vô tình sẽ đặt lên vai các em những gánh nặng mà nếu quá nặng và kéo dài sẽ tạo nên "bức tường thành" đầy khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, dần dần đẩy trẻ vào cuộc sống khép kín. Thậm chí tệ hơn còn gây ra những xung đột thế hệ, dẫn đến tổn thương không đáng có cho cả hai phía.
Theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương, bố mẹ và con rất cần có những buổi làm việc giống như họp gia đình. Trong buổi họp đó cần đưa ra những quy định điều gì bố mẹ được phép làm, điều gì con được phép làm, điều gì cả hai bên không được phép làm. Từ đó cha mẹ và con cái có thể xây dựng được sự tôn trọng với nhau. Cũng từ những chia sẻ thẳng thắn, cởi mở đó cả hai sẽ thấu hiểu và dễ dàng cùng nhau đồng hành vượt qua khó khăn.
Cùng đó, các nhà trường cần tổ chức linh hoạt những phòng tư vấn tâm lý học đường để giúp các em mạnh dạn nói ra những cảm xúc thực sự của mình, những vấn đề mình đang gặp khó khăn. Giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, cần trang bị cho học trò của mình các kỹ năng về quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề có thể đối diện và xử lý cảm xúc tiêu cực. Từ đó, nhà trường phối hợp với gia đình để kịp thời can thiệp, hỗ trợ các em, không để những xúc cảm tiêu cực có thể dẫn tới những hệ lụy đáng tiếc./.