Cùng vượt qua thách thức
Đến thời điểm này, những tác động tiêu cực đến nền kinh tế do dịch Covid-19 gây ra đã nhìn thấy rõ, trong đó có nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước. Là một trong những địa phương có đóng góp lớn cho ngân sách cả nước, Hà Nội đang đứng trước nhiều thách thức trước nhiệm vụ này.
Nhìn vào số thu của 2 tháng đầu năm 2020, thành phố vẫn đạt 19,2% dự toán, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng đó là dư âm từ sự tăng trưởng kinh tế cuối năm trước. Với tác động của dịch Covid-19 như hiện nay, việc thu ngân sách của Cục Thuế Hà Nội thời gian tới chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn.
Ngay từ lúc này đã xuất hiện dấu hiệu đáng lo khi tính đến cuối tháng 2-2020, doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế lớn của Hà Nội đã giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019, số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp giảm 10,5%. Tương tự, với hộ kinh doanh thuộc nhóm doanh số lớn, nếu trong tháng 1-2020 có hơn 13.800 hộ phát sinh hóa đơn, thì đến tháng 2-2020 chỉ còn hơn 4.280 hộ, dẫn đến giảm 53% doanh thu...
Trước tình hình này, Cục Thuế Hà Nội đã xây dựng kịch bản thu ngân sách tương ứng với tình huống tác động của dịch Covid-19 tới sản xuất, kinh doanh theo từng quý; trong đó, tình huống xấu nhất là dịch kéo dài đến quý IV, dự kiến nguồn thu ngân sách năm 2020 có thể giảm đến 6,48-7,17%, tương đương 15.000-16.600 tỷ đồng. Cùng với đó, Cục Thuế Hà Nội đã chủ động khảo sát, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp để có chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người nộp thuế... Việc này là rất cần thiết và đòi hỏi việc triển khai đồng bộ, kiên trì với tầm nhìn dài hạn để nuôi dưỡng nguồn thu được ổn định, bền vững.
Trong đó, dư địa trong lĩnh vực này còn rất lớn là ngành Thuế Hà Nội tiếp tục duy trì hiệu quả việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo điều kiện tối đa cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ; gia hạn nộp thuế cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch; tăng cường thanh, kiểm tra để bảo đảm không có đối tượng lợi dụng, trục lợi từ chính sách... Yêu cầu quan trọng nữa là đẩy mạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển ổn định, nhất là ngay sau khi dịch bệnh được khống chế để tạo cơ sở tăng thu cho ngân sách.
Đồng thời, ngành Thuế phối hợp với các địa phương rà soát, thu hồi nợ đọng thuế và tiền sử dụng đất; giám sát nhóm đối tượng có khả năng chuyển giá, khai báo thuế không đầy đủ (ước tính con số này hiện còn khá lớn). Đây là giải pháp vừa tăng nguồn thu, đồng thời vừa bảo đảm sự công bằng với đối tượng nộp ngân sách.
Dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến khó lường cả ở trong nước và trên thế giới. Vì vậy, cả ngành Thuế cũng như các địa phương cần tiếp tục khảo sát, nắm chắc tình hình nhằm đưa ra những dự báo, kịch bản phù hợp, sát thực tiễn để có kế hoạch ứng phó hiệu quả trong tình hình mới.
Thực tế cho thấy, "sức khỏe" của doanh nghiệp có vai trò quan trọng đối với việc thu ngân sách nhà nước. Do vậy, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động thích ứng với thời cuộc. Muốn vậy, ngay từ lúc này, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng kịch bản cho riêng mình để vượt qua khó khăn, đặc biệt là tận dụng được cơ hội để phát triển khi dịch bệnh được đẩy lùi. Về lâu dài, các doanh nghiệp cần tiếp tục đổi mới mô hình quản trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nhân sự... để thích ứng tốt với điều kiện hội nhập sâu rộng hiện nay.
Trong khó khăn chung do dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp, ngành Thuế Hà Nội và các địa phương cùng nỗ lực vượt qua thách thức, thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng nguồn thu để phấn đấu hoàn thành dự toán thu năm 2020 ở mức cao nhất có thể.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/962832/cung-vuot-qua-thach-thuc